Người dân đồng thuận, sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
"Việc cần làm thì Nhân dân ủng hộ!"
Thực hiện Nghị quyết 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quận Long Biên, sẽ nhập 3 phường thành 2 phường, như vậy quận sẽ giảm từ 14 phường còn 13 phường.
Cụ thể, nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Sài Đồng vào phường Phúc Đồng. Kết quả sau sắp xếp, phường mới có diện tích tự nhiên 4,66km2 (đạt 84,73% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 21.739 người (đạt 144,93% so với tiêu chuẩn), lấy tên là phường Phúc Đồng, đặt trụ sở làm việc tại UBND phường Phúc Đồng hiện tại.
Bên cạnh đó, nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số còn lại của phường Sài Đồng vào phường Phúc Lợi. Sau sắp xếp, phường mới có diện tích tự nhiên 6,99km2 (đạt 127,09% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 33.840 người (đạt 225,60% so với tiêu chuẩn), lấy tên là phường Phúc Lợi, đặt trụ sở làm việc tại UBND phường Phúc Lợi hiện tại.
Sắp xếp đơn vị hành chính sẽ góp phần tạo không gian phát triển mới cho các địa phương (Ảnh minh họa) |
Ông Vũ Xuân Lộc - Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) số 5 phường Sài Đồng, quận Long biên chia sẻ, đa số hộ dân tại đây ủng hộ phương án được phê duyệt là các TDP số 15, 16, 17 và một phần tổ 14 của phường Sài Đồng sẽ nhập vào phường Phúc Lợi. Có được kết quả này cũng nhờ người dân đã được tuyên truyền sâu rộng từ thời gian dài trước khi được lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính, nên đều nhận thức rõ về sự cần thiết của việc thực hiện Đề án này.
Tương tự, tại TDP số 15 phường Sài Đồng, Trưởng Ban công tác Mặt trận Trần Văn Hồng cho biết, người dân trong tổ đều đã cơ bản hiểu được ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính là góp phần tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và cũng là nâng cao đời sống Nhân dân. “Đây là việc cần làm, phải làm, nên đa số Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ”, ông Hồng nói.
Bà Nguyễn Thị Nhang, trú tại TDP số 5, phường Sài Đồng, quận Long Biên bày tỏ: “Chúng tôi đều ủng hộ chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, chỉ lo ngại khi TDP của mình phải nhập vào phường khác thì tên TDP và tên phường đều phải thay đổi, nên mọi giấy tờ liên quan phải điều chỉnh. Vì vậy, chúng tôi mong được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính chuyển đổi những giấy tờ thiết yếu, như căn cước công dân, sổ đỏ, bằng lái xe…”
Trước những lo lắng của một số người dân, Trưởng Phòng Nội vụ quận Long Biên Nguyễn Thị Thu Hằng khẳng định: Tới đây trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các phường, phòng Nội vụ sẽ tham mưu lãnh đạo quận giao các ngành chức năng liên quan giải quyết chuyển đổi giấy tờ thủ tục hành chính (như Công an, Tài nguyên Môi trường…) có kế hoạch cử cán bộ công chức đến tận địa bàn TDP, bố trí mỗi tuần một số buổi để thực hiện đính chính thông tin trên các giấy tờ cho người dân (có thể vào cuối tuần), chứ không đợi người dân có việc mới đi đính chính. Lãnh đạo quận cũng sẽ giao các ngành tăng cường tuyên truyền trong Nhân dân về cách làm của quận trong việc hỗ trợ người dân do phải thay đổi địa giới hành chính. |
Tính toán hợp lý số cán bộ, công chức dôi dư
2 xã Hoà Lâm và Trầm Lộng, huyện Ứng Hoà tới đây sẽ sáp nhập thành 1 đơn vị hành chính mới. Để việc sáp nhập xã diễn ra thuận lợi, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, thời gian qua, huyện Ứng Hoà đã tập trung công tác tuyên truyền, tính toán sắp xếp số cán bộ dôi dư.
Dù thời điểm thực hiện sáp nhập đã cận kề, nhưng tất cả cán bộ, công chức trong xã ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao.
Sắp xếp đơn vị hành chính tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô (Ảnh minh họa) |
Ông Lê Xuân Tình - Công chức tư pháp, hộ tịch xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hoà cho biết: "Chúng tôi luôn làm hết trách nhiệm của mình để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trên địa bàn".
Xác định sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, mở rộng không gian, tạo động lực phát triển cho các đơn vị được sắp xếp, ông Bùi Xuân Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hoà cho biết, mọi cán bộ công chức của xã vẫn luôn nêu cao tinh thần hết mình vì người dân.
Người dân làm thủ tục hành chính |
Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1/2025 sẽ tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Hà Nội. Cụ thể, Hà Nội sắp xếp 109 đơn vị cấp xã để hình thành 56 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 53 đơn vị cấp xã. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. |
Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố đề ra nguyên tắc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì nhập nguyên trạng đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị được sáp nhập và sẽ thực hiện giảm dần theo lộ trình 5 năm.
Sau 5 năm, cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu thì giải quyết nghỉ hưu theo chế độ; cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, có nguyện vọng thôi việc thì giải quyết chế độ thôi việc, chế độ chính sách cho đối tượng này.
Đồng thời, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức ở những xã sắp xếp đến những xã, phường, thị trấn có số cán bộ, công chức còn thiếu để bảo đảm giải quyết hài hòa. Tuyển dụng lên cấp huyện đối với cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn. Đối với cán bộ chuyên trách, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì tuyển dụng làm công chức, số còn lại không giải quyết được thì gộp nguyên trạng.
Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là việc lớn, có những khó khăn nhất định, đặc biệt là việc kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị sau sáp nhập. Vì vậy, ngay từ khi có chủ trương, nhiều đơn vị đã triển khai các giải pháp sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo, công chức, đáp ứng công việc cho cán bộ, công chức một cách ổn định.
Thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo sát sao các địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là trí cán bộ, công chức, bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu của Nghị quyết số 35 để sau sắp xếp tạo bước phát triển, sức bật trong giai đoạn mới.