Người dân sống gần khu vực Bệnh viện Bạch Mai chủ động nâng cao ý thức phòng dịch Covid-19
Các hàng quán kinh doanh dịch vụ không cần thiết quanh khu vực Bệnh viện Bạch Mai đã đóng cửa
Bài liên quan
Đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của 7.000 người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai
Bộ Y tế thông báo tình hình kiểm soát hai ổ dịch Covid-19 tại TP HCM và Hà Nội
Thêm 9 ca mắc mới Covid-19 trong đó 2 trường hợp liên quan đến BV Bạch Mai
Bệnh nhân 178 mắc Covid-19 khai báo y tế gian dối có thể bị xử lý hình sự
Nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời
Bệnh viện Bạch Mai hiện đang là "ổ dịch" lớn nhất cả nước với gần 20 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xác định có liên quan.
Trước sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh, trong tối 28/3, UBND thành phố Hà Nội đã có hai công điện liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tạm dừng các dịch vụ hiện có tại Bệnh viện Bạch Mai, trừ tang lễ. Nếu có bệnh nhân tử vong tại bệnh viện thì tang lễ tổ chức theo quy định trong thời điểm có dịch, mỗi đám tang không nên có quá 20 người tham dự.
Trong công điện khẩn tối 28/3, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thành lập các tổ công tác để rà soát tất cả các trường hợp ra vào Bệnh viện Bạch Mai và các đối tượng liên quan trong khoảng thời gian từ ngày 10/3/2020 đến nay.
Các trường hợp ra vào và có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian trên được các đơn vị lập tức ra quyết định cách ly y tế; phối hợp với trung tâm y tế quận, huyện, thị xã lấy mẫu bệnh phẩm với trường hợp cần thiết theo hướng dẫn của Sở Y tế gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để xét nghiệm.
Người nhà bệnh nhân hiện đang ở trong Bệnh viện Bạch Mai cũng được chuyển đến khu cách ly tập trung của thành phố.
Các phòng khám đối diện Bệnh viện Bạch Mai đóng cửa từ nhiều ngày trước |
Trước đó, ngay khi phát hiện 2 bệnh nhân đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai mắc Covid-19, quận Đống Đa đã phun khử khuẩn tại đây, đồng thời xem xét đóng các cửa hàng ăn uống xung quanh và chuẩn bị cung ứng suất ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho bệnh viện.
Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiến hành đóng các cửa phụ, bãi trông xe, kiểm soát thân nhiệt người ra vào cho tới khi phong tỏa bệnh viện.
Từ tối 28/3, Bệnh viện Bạch Mai đã cùng quân đội di chuyển gần hết số lượng người nhà bệnh nhân đi cách ly tập trung tại Láng - Hòa Lạc (Hà Nội). Tại bệnh viện chỉ còn lại một số ít người nhà của những bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Tất cả những người này đều được kiểm soát chặt chẽ và có khu vực riêng.
Bệnh viện Bạch Mai đã lấy trên 7.000 mẫu xét nghiệm của nhân viên y tế, người nhà và bệnh nhân, nhân viên dịch vụ tại bệnh viện. Đến 17h ngày 29/3, trên 5.000 mẫu đã được xét nghiệm xong và cho kết quả âm tính. Đến thời điểm này không có thêm nhân viên y tế nào của Bệnh viện Bạch Mai mắc bệnh.
Người dân quanh khu vực chấp hành nghiêm chỉ đạo
Cùng với chính quyền đẩy lùi dịch bệnh, người dân và các hộ kinh doanh quanh khu vực “ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo trước đó của lãnh đạo thành phố, hạn chế đi lại, tạm ngừng các dịch vụ kinh doanh không cần thiết.
Ghi nhận sáng 29/3 tại cổng chính Bệnh viện Bạch Mai, các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng trục đường cổng chính của bệnh viện đã dán thông báo tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu từ phía thành phố để phòng dịch bệnh.
Từ số nhà 77 - 184 Giải Phóng (phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ còn các cửa hàng bán thuốc, thiết bị y tế và nhu yếu phẩm tiếp tục hoạt động, còn lại hàng kinh doanh khác đã đóng cửa từ hôm 22/3.
Cùng với việc đóng cửa các hàng quán, người dân cũng hạn chế đi lại tại khu vực này. Chị Nguyễn Thị Huyền (ở đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết: “Từ khi có ca nhiễm dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, người dân đã hạn chế lưu thông qua khu vực này. Trước đây, ngày nào cũng có xe ôm, taxi, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân đến khám đứng ngồi trên cầu và dưới cầu đi bộ cạnh bệnh viện. Giờ dịch bệnh không một bóng người.
Nhà mình có cửa hàng máy tính trên phố Lê Thanh Nghị. Từ mấy ngày trước thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, mình đã đóng cửa, không kinh doanh. Dịch bệnh đã ở rất gần, bản thân mỗi người dân cũng cần chủ động bảo vệ sức khỏe. Đó là cách giúp thành phố chống dịch hiệu quả".
Phố Phương Mai bình thường luôn đông đúc người dân qua lại nay chỉ còn lác đác vài nhà dân, một số hiệu thuốc mở cửa. Các cửa hàng đều treo biển thông báo vào cửa hàng mua bán khách phải đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19. Các chủ cửa hàng ở đây cho biết, nếu khách hàng không đeo khẩu trang họ sẽ từ chối phục vụ.
Người dân sinh sống tại đây vẫn ra ngoài mua thức ăn phục vụ cuộc sống nhưng ai cũng trang bị khẩu trang, không dám lơ là dịch bệnh.
Chị Hằng (30 tuổi) sinh sống tại đường Phương Mai chia sẻ: “Ở cạnh Bệnh viện Bạch Mai tôi cũng lo lắng cho sức khỏe bản thân và gia đình lắm nhưng chính quyền đã vào cuộc, thực hiện các biện pháp cách ly, khử trùng toàn bộ khu vực này nên cũng yên tâm sinh sống hơn.
Tuy vậy, tôi vẫn phải chủ động, nâng cao các biện pháp phòng dịch, đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Tôi ra ngoài mua thực phẩm phải đeo khẩu trang y tế, trang bị đầy đủ nước rửa tay khô, nước sát trùng. Mong dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để cuộc sống trở lại bình thường”.
Dù còn nhiều lo lắng, song mỗi người dân quanh khu vực Bệnh viện Bạch Mai đều xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Cùng với chính quyền thành phố, họ đang cùng nhau đoàn kết, bình tĩnh để sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, xây dựng môi trường sinh sống an toàn.