Người dân tái định cư khốn khổ vì nước sạch nhiễm phèn, đất chưa được cấp sổ đỏ
Người dân tái định cư tại khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 3 sinh hoạt cùng nguồn nước máy bị nhiễm phèn và có mùi hôi (Ảnh: V.Q) |
Ngày 1/8, UBND xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), cho biết đến thời điểm hiện nay, nhiều trường hợp là người dân thuộc diện giải toả, tái định cư (TĐC) trên địa bàn khi vào ở tại các khu TĐC vẫn chưa có nguồn nước sạch đảm bảo để sinh hoạt.
Theo phản ánh của các hộ dân tại xã Duy Hải đến phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, mặc dù được di dời vào khu TĐC Duy Hải giai đoạn 3 đã hơn 4 năm, nhưng đến nay, hàng trăm hộ dân địa phương vẫn chưa được tiếp cận với hệ thống nước sạch để ổn định đời sống.
Theo anh Nguyễn Thanh Trường, gia đình được đơn vị liên quan thực hiện giải toả, TĐC vào khu TĐC Duy Hải gia đoạn 3 từ năm 2019. Tuy nhiên, sau khi xây dựng nhà cửa và bắt đầu sinh hoạt, gia đình anh Trường và nhiều hộ dân xung quanh khu TĐC lại không được cấp nước sạch do đơn vị liên quan chưa đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước sạch vào khu TĐC.
Điều đáng nói là đã sau hơn 4 năm kể từ khi xây dựng nhà cửa, hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn chưa được đơn vị liên quan cấp sổ đỏ liên quan đến diện tích đất TĐC được cấp, mặc dù người dân đã đóng đủ mọi chi phí để làm giấy tờ liên quan đến sổ đỏ.
Người dân trang bị hệ thống lọc nước nhiễm phèn nhưng vẫn phải dùng nước bình bên ngoài (Ảnh: V.Q) |
"Hàng ngày, gia đình phải đi mua nước bình về sinh hoạt mặc dù nước máy được bơm lên và đã đi qua 2 hệ thống lọc. Nước bơm lên không thể dùng được do có phèn lẫn mùi hôi bay ra rất khó chịu.
Điều trớ trêu là nguồn nước bơm lên sau khi cho vào hệ thống lọc và máy lọc thì cũng gặp sự cố do tạp chất quá nhiều. Việc này gây mất thời gian sửa chữa và bỏ kinh phí quá lớn nên mọi người chuyển hẳn sang dùng nước bình", anh Trường thông tin.
Theo người dân tại khu TĐC Duy Hải 3, ngoài việc không có nước sạch, người dân phải "đau đầu" với cảnh đất vẫn chưa được cấp sổ đỏ kể từ năm 2019 đến nay. Nhiều trường hợp do bức xúc và chờ đợi quá lâu đã làm đơn khiếu nại lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
"Chúng tôi kiến nghị UBND huyện Duy Xuyên thì họ nói sẽ giải quyết. Được thời gian, người dân được các cấp trả lời là do vướng cơ chế nên việc cấp sổ gặp vướng mắc và mong muốn người dân chờ đợi một thời gian nữa. Tuy nhiên, mọi việc đến nay vẫn chưa được giải quyết", người dân tại khu TĐC Duy Hải 3, cho hay.
Cũng theo người dân, khu vực này và lân cận có khoảng hơn 253 trường hợp xây nhà từ 2019 đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ theo quy định. Trong khi đó, các trường hợp TĐC vào đây từ trước năm 2019 thì đã được cấp sổ đỏ và ổn định cuộc sống.
Khu TĐC Duy Hải giai đoạn 3 đến nay vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (Ảnh: V.Q) |
Trước những khó khăn của người dân TĐC, lãnh đạo UBND xã Duy Hải cho biết, trên địa bàn xã hiện nay đang còn nhiều vướng mắc cần được xử lý và tháo gỡ, không chỉ vấn đề nước sạch.
Theo vị này, trên địa bàn xã chỉ có khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1 là được đầu tư hệ thống nước sạch bài bản để phục vụ người dân. Đối với khu TĐC Duy Hải giai đoạn 2, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng, triển khai hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện nên hệ thống nước sạch chưa được đầu tư đồng bộ.
Còn tại khu TĐC Duy Hải giai đoạn 3, lãnh đạo xã Duy Hải cho rằng, đây là khu vực có phần đất nằm giáp ranh với xã Duy Nghĩa. Trước đây, nhiều hộ dân xã Duy Hải thuộc diện giải toả được TĐC tại khu này và sinh sống cho đến nay.
Đối với các hộ dân được TĐC đến nơi ở mới nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ, UBND xã Duy Hải cho biết, do vướng cơ chế và đang được các đơn vị liên quan xử lý theo quy định.
Mới đây, liên quan đến việc đầu tư hệ thống nước sạch tại các khu TĐC trên địa bàn vùng Đông của huyện Duy Xuyên, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đây là bất cập cần được xử lý.
Theo ông Quang, khi xây dựng các khu TĐC thì Nhà nước không đầu tư các hạng mục về điện, nước mà để cho công ty cấp nước sạch và ngành điện lực đầu tư. Theo quy chế phối hợp thì các doanh nghiệp nước sạch và điện lực phải yêu cầu bố trí dân cư tối thiểu 50% thì mới tiếp tục đấu nối hệ thống điện và nước sạch.