Người dân Thủ đô mong muốn sớm đạt miễn dịch cộng đồng
Hà Nội nỗ lực hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt "bão Covid-19" Bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch |
Người dân mong chờ được tiêm vắc xin Covid-19
Trước tình hình dịch Covid–19 vẫn đang diễn biến phức tạp, mong muốn cấp bách hiện tại của người dân là được tiêm vắc xin phòng Covid-19 sớm nhất có thể.
Do đó, ngay sau khi biết thông tin TP Hà Nội đặt mục tiêu tiêm cho 100% người dân Thủ đô từ 18 tuổi trở lên, chị Trần Thị Hoài, 30 tuổi ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội chia sẻ: “Chung cư của tôi cũng đã đăng ký tiêm vắc xin được một thời gian nhưng chưa thấy được gọi đi tiêm. Vì thế, khi nghe được thông tin này tôi rất vui và mong muốn sớm được tiêm vắc xin. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào chủ trương cũng như chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 của Chính phủ nói chung và của Hà Nội nói riêng. Tôi cũng mong rằng ngoại giao vắc xin của Nhà nước sẽ tìm được nhiều nguồn vắc xin về để chúng ta sớm có đủ vắc xin tiêm cho mọi người, không chỉ người dân Hà Nội”.
Cũng như chị Hoài, chị Lê Thanh Huyền, 45 tuổi trú tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội vừa được tiêm vắc xin mũi 1 ngày 5/9 cho biết, chị cảm thấy mình là một trong những người may mắn được tiêm vắc xin miễn phí vừa qua. Trong ngõ chị số người được tiêm bắt đầu tăng lên nhưng số người đăng ký đang đợi được tiêm còn rất nhiều. Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, sau khi được tiêm mũi 1, chị thấy yên tâm hơn rất nhiều.
“Với thông báo và quyết tâm mới của lãnh đạo thành phố Hà Nội, chúng tôi mong muốn có thể hoàn thành sớm nhất các mũi tiêm còn lại. Cũng mong là thành phố sẽ sắp xếp đủ nguồn vắc xin cho người dân Thủ đô”, chị Huyền chia sẻ.
Người dân Thủ đô mong muốn được tiêm vắc xin nhanh nhất có thể |
Đồng quan điểm trên, chị Phạm Hoài Anh sống tại Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội cũng bày tỏ: “Việc được tiêm vắc xin có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của người dân và của chính bản thân chị. Ban đầu có nhiều người còn nghi ngờ và ngần ngại chưa muốn tiêm nhưng rõ ràng đến lúc này tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ và tối ưu nhất để cuộc sống nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới. Chúng ta không thể cứ giãn cách và “chống” mãi được vì như thế các nguồn lực cuối cùng cũng sẽ cạn kiệt nên dù được tiêm loại vắc xin nào chị cũng sẵn sàng, chỉ mong được tiêm càng sớm càng tốt.
"Tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng kháng virus của vắc xin. Trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 ngày càng gia tăng, đặc biệt là có nhiều ca nhiễm ghi nhận tại cộng đồng, việc được tiêm vắc xin tôi sẽ thấy an tâm, bớt lo sợ và giảm rủi ro bị lây nhiễm hơn. Mong rằng Chính phủ, ngành Y tế sẽ sớm phân bổ và điều chuyển vắc xin đối với những địa phương đang cần được ưu tiên", chị Hoài Anh cho biết thêm.
Sẽ tổ chức tiêm vắc xin Covid -19 cả buổi tối, xét nghiệm cho 100% người dân
Chiều 8/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15/9/2021 trên cơ sở số vắc xin được Bộ Y tế phân bổ và giao.
Hà Nội đặt mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trước ngày 15/9 |
Yêu cầu của kế hoạch là đến ngày 15/9/2021 tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: Hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); Xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Các đơn vị xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và theo hướng dẫn tại Công điện số 1305/CĐBYT ngày 2/9/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.
Thành phố cũng hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên; Áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.
11 tỉnh, thành phố sẽ tham gia hỗ trợ thành phố trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng gồm 7 tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên và 4 tỉnh, thành phố Hà Nội đề nghị hỗ trợ là Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Cơ quan chức năng bảo đảm công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện, chỉ đạo chặt chẽ; phương án tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và xét nghiệm SARS-CoV-2 thống nhất, phù hợp năng lực, công suất tiêm chủng, không để mẫu tồn trong 24 giờ; Bảo đảm công tác hậu cần đầy đủ, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch; Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các lực lượng tham gia lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm chủng và người dân, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực lấy mẫu, tiêm chủng.
Bên cạnh việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19, người dân phải nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội tại vùng đỏ, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết, cùng chung sức, đồng lòng để cả nước vượt qua đại dịch.