Người giữ lửa làng nghề đậu bạc Định Công
Cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay và rất nhiều cơ hội việc làm lý tưởng nhưng anh Tuấn Anh vẫn quyết định cất bằng, ở nhà học nghề nối nghiệp cha. Anh kể rằng: “Bố tôi là một trong những nghệ nhân đậu bạc nổi tiếng nhất nhì của làng đậu bạc Định Công. Tuy nhiên, tiến trình đô thị hóa ngày càng phát triển, nghề đậu bạc xưa kia giờ không còn phổ biến nữa. Cả làng Định Công giờ chỉ còn hai xưởng làm nghề, một là xưởng nhà tôi và một xưởng nhà nghệ nhân Quách Văn Hiểu”.
Lúc mới tiếp xúc với nghề, anh Tuấn Anh không thích nghề nên chỉ làm cho vui nhưng làm nhiều lại bị cuốn theo nó, anh dần thấu hiểu và yêu công việc của cha mình hơn. “Có lần, một khách đến đặt hàng hơn một nghìn sản phẩm, nhưng bố tôi từ chối vì một mình ông không kham nổi. Tôi tiếc lắm... Chính điều này đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để giúp bố giữ nghề", anh Tuấn Anh kể lại.
Thấy sự quyết tâm của con, nghệ nhân Quách Văn Trường (bố anh Tuấn Anh) đã động viên và tận tình chỉ dạy cho anh những kinh nghiệm, kỹ năng làm nghề. Vốn nhanh nhẹn, ham học hỏi, lại có tình yêu nghề, chỉ sau vài năm, anh đã thạo việc. Anh chia sẻ: “Khi theo nghề, tôi mới cảm nhận được cái khó và sự vất vả mà bố tôi đã trải qua. Nhất là khâu ghép hoàn chỉnh sản phẩm, khi non tay, cứ ghép chỗ này lại hỏng chỗ kia, nhiều lúc chỉ muốn khóc”. Sau mỗi lần làm hỏng, anh lại rút ra được kinh nghiệm cho bản thân và có thêm động lực để theo nghề.
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh chăm chú hoàn thiện sản phẩm
Theo anh Tuấn Anh, để thạo nghề đã khó, trở thành một người thợ giỏi lại càng khó hơn. Mỗi sản phẩm làm ra phải qua rất nhiều công đoạn, mất thời gian, đòi hỏi người thợ phải có lòng yêu nghề, tính kiên trì, sự khéo léo và cả kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm làm việc. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến ít người bám nghề kim hoàn ở Định Công.
Tình yêu, niềm đam mê với nghề đã thôi thúc anh Tuấn Anh tìm hướng đi mới để gìn giữ và phát triển nghề quý của cha ông. Năm 2005, anh quyết định mở lớp dạy đậu bạc miễn phí nhằm lan tỏa nghề và tìm ra những người có chung niềm đam mê. Ngày đầu không có vốn, anh phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền thuê xưởng, sắm sửa đồ nghề và mua bạc cho các học viên thực hành.
Anh tâm sự: “Ngày đầu, lớp có gần 20 học viên, nhưng sau vài tháng con số cứ vơi dần. Lúc đó, tôi cảm thấy rất thất vọng, bao nhiêu công sức, tâm huyết như đổ xuống sông, xuống biển. Sau nhiều đêm nằm suy nghĩ, tôi đã nhận ra rằng, chỉ truyền nghề bằng tâm huyết thôi là chưa đủ. Những người thợ cần có một công việc lâu dài và thu nhập ổn định. Từ đó, để có nhiều việc làm, tôi đã nảy ra ý tưởng sản xuất sản phẩm độc quyền và ký gửi tại các cửa hàng vàng bạc. Dần dần, tên tuổi của xưởng được khẳng định trên thị trường, tôi đã phát triển thêm dòng sản phẩm lưu niệm như: Hình ảnh Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Phố cổ…”.
Tuy đầu ra cho sản phẩm đậu bạc đã ổn định, nhưng anh Tuấn Anh vẫn luôn đau đáu trong lòng một việc là ngay giữa cái nôi của nghề đậu bạc phường Định Công, lại không có lấy một cửa hàng bày bán sản phẩm đậu bạc đúng nghĩa. Anh quả quyết: “Trong tương lai, tôi sẽ cố gắng dựng một không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại đền thờ tổ nghề và biến nơi đây thành một địa chỉ hấp dẫn để thu hút khách du lịch”.