Người Hà Nội thiết tha với tâm nguyện non sông liền một dải
Những người lính Hà Nội xung phong vào chiến trường chiến đấu chống Mỹ hàn huyên ôn lại chuyện cũ
Bài liên quan
Hà Nội gương mẫu, tiên phong khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch
BHXH Hà Nội: Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Hà Nội lên phương án “giải bài toán” giãn cách học sinh khi đi học trở lại ra sao?
Hà Nội đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa
Những niềm tự hào của thế hệ
Được lên đường vào Nam đánh Mỹ là niềm tự hào một thời của các thế hệ thanh niên Hà Nội mấy chục năm về trước. Từ phong trào “chiếc gậy Trường Sơn” ở Ứng Hòa cho đến viết đơn bằng máu xin ra trận ở các trường đại học, các khu phố khắp Thủ đô.
Theo các nhân chứng và tài liệu, vào năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đem quân vào miền Nam và điên cuồng đánh phá miền Bắc bằng không quân nhằm chặn đường chi viện của nhân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Dã tâm của chúng càng thổi bùng lên ý chí quyết tâm của chúng ta. Phong trào thanh niên diễn ra sôi sục tại các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà máy ô tô Hòa Bình, Nhà máy trung quy mô Hà Nội và rất nhiều nơi khác. Tất thảy đều bày tỏ bầu nhiệt huyết của những người trẻ tuổi không để máu của đồng bào miền Nam đổ thêm nhiều nữa.
Cô Nguyễn Thị Vọng Hương lúc đeo khăn quàng đỏ đi tuyển quân |
Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội đã đi đến phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên Hà Nội bao gồm: Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.
Theo đó, đêm 9/8/1964, tại Hội trường Bộ Công nghiệp nặng trên phố Hai Bà Trưng, 500 đoàn viên đã tập trung tại Hội trường. Không chỉ như vậy, ngoài đường phố còn có trên một vạn thanh niên giương cao khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”.
Đồng chí Vũ Hữu Loan là Bí thư Thành đoàn Hà Nội lúc bấy giờ đã đọc lời kêu gọi và được cả vạn thanh niên đáp lại “Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!”. Tiếng kèn, tiếng trống cũng hòa nhịp theo vang dội cả một góc Hà Nội, khí thế rầm rập, ngút trời.
Theo các thống kê, hưởng ứng phong trào này, đã có 80 ngàn thanh niên Hà Nội xung phong ra trận. Mãi về sau này, người Hà Nội và lứa thanh niên thời bấy giờ vẫn còn xúc động rưng rưng khi nhớ về những câu khẩu hiệu được kẻ trên đường phố bấy giờ như : “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”; “Đâu có giặc là ta cứ đi”; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…
Chúng ta từng biết đến những tấm gương sáng chói như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc mà tinh thần, ý chí và cuộc đời của họ còn khiến người Hà Nội noi theo, cả nước cảm động và thế giới nghiêng mình cảm phục. Còn đó các thế hệ nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Hoàng Nhuận Cầm hay “nhạc sĩ Trường Sơn” Đào Hữu Thi mà các tác phẩm của họ thăng hoa từ chính cuộc đời cầm bút, cầm sung và chiến đấu của họ.
Đó là cô gái Đồng Thị Mai ở Phú Xuyên (Hà Nội) vừa viết đơn bằng máu vừa phải lén bỏ thêm sỏi đá vào túi quần để đủ cân nặng, được vào chiến trường nhiều lần đối mặt với tử thần. Khi may mắn được sống sót trở về sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Mai luôn làm các công việc thiện nguyện để tri ân, giúp sức cho đồng đội của mình còn khó khăn.
Chiến sĩ quân y Đào Thị Thục Oanh |
Đó là cô gái Lê Thị Vọng Hương đi tuyển quân từ lúc 15 tuổi khi còn đeo khăn quàng đỏ. Đó là chàng trai Lương Xuân Sáng, con của họa sĩ nổi tiếng Lương Xuân Nhị, chàng trai phố cổ Cửa Nam vẫn giữ nét hào hoa khi xung phong vào chiến trường và sau này vẫn tiếp tục ca hát phục vụ đồng đội.
Hay nữ chiến sĩ quân y Đào Thị Thục Oanh hi sinh tuổi xuân, đi theo tiếng gọi của tiền tuyến để rồi “chiến trường chia nửa vầng trăng”, trở về thì người yêu đã mất.
Còn bao mảnh đời, bao cống hiến hi sinh thầm lặng khác. Họ còn sống để trở về xây dựng Thủ đô trong thời bình hay tỏa đi khắp nước và thậm chí máu xương đã hòa cùng với đất đai Tổ quốc. Để ngày nay, mỗi xã, phường trên các quận huyện của Hà Nội đều có nghĩa trang liệt sĩ, có nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì đất nước.
Tinh thần thống nhất đất nước bất diệt
Trong khi đó, khi đất nước đã hòa bình, theo tiếng gọi của Đảng, chủ trương đưa người từ các vùng miền về xây dựng kinh tế mới trên đất Tây Nguyên, hàng ngàn người Hà Nội đã tiến hành một cuộc “Nam tiến” mới. Dù không phải là cuộc chiến nhưng chuyến đi này vất vả, khó khăn không kém. Đó là những chuỗi ngày đầy gian khổ, đối mặt với ruồi vàng, vắt xanh, sốt rét và tàn quân Fulro… trên vùng đất hoang vắng.
Rồi người không phụ đất, đất chẳng phụ người, hơn 40 năm trôi đi, những người con Hà Nội mở đất, định cư ở tỉnh Lâm Đồng, vùng đất Lâm - Hà, cái tên nối tình đoàn kết Lâm Đồng - Hà Nội, đã trở thành một huyện trù phú hàng đầu trên cao nguyên Lang Biang.
Bà Nguyễn Thị Mão, Phó Bí thư Đoàn vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng những năm 1976 - 1978 cho rằng, vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Đồng hôm nay đã trở thành một vùng đất giàu tiềm năng, trù phú và phát triển. Nó như một Thủ đô trên cao nguyên bởi có các địa danh Ba Đình, Đống Đa, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Hoàn Kiếm… được đặt cho những tên làng, tên xã.
Điều đó cho thấy, không có khó khăn, gian khổ nào có thể làm người Hà Nội nản lòng và chùn bước. Họ luôn tìm cách khắc phục hoàn cảnh để vươn lên một cách xuất sắc nhất, làm giàu cho cuộc sống của mình cũng là để làm giàu cho đất nước. Đó còn là sự san sẻ công sức, đưa các vùng miền của đất nước cùng giàu đẹp lên, làm sao cho dân tộc ta là một khối.
Bàn tay, khối óc, tinh thần Hà Nội vì thế cũng lan tỏa tới các vùng miền trên cả nước như trái tim đất nước bơm máu đi khắp cơ thể Việt Nam để Việt Nam ta cùng hòa chung dòng máu trong tình nghĩa dạt dào của hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng.
Ca sĩ Tùng Dương ủng hộ bộ trang phục bảo hộ dùng trong y tế gửi đến bộ đội biên phòng chống dịch Covid-19 |
Những ngày này, khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, tinh thần Hà Nội vì cả nước, vì sự thống nhất đồng lòng nhất trí chống dịch càng phát huy cao độ. Không chỉ chính quyền xác định Hà Nội phải gương mẫu đi đầu trong công tác chống dịch, nhân dân cũng góp phần lan tỏa quyết tâm và chi viện cho khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Trong khi các y, bác sĩ của Hà Nội trực tiếp đến các vùng dịch để “cầm tay chỉ việc”, tiếp sức cho ngành y tế địa phương lần lượt dập tắt các ổ dịch thì người dân cũng nô nức góp tiền của, công sức để trang bị cho bộ đội ở các chốt biên giới, y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch những bộ quần áo bảo hộ, nhu yếu phẩm, phương tiện nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân.
Chị Nguyễn Thanh Loan, một người con của Hà Nội vào lập nghiệp, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh còn nghĩ ra cách chế biến các món đặc sản của Hà Nội như bún chả, nem rán, nem chua, chả cốm… Chị kêu gọi bạn bè mình trên mạng xã hội mua để lấy tiền đó đổi thành gạo, thức ăn mang phát miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn tại đây. Các món ăn cũng như việc làm của chị Loan được mọi người tán thành, ủng hộ nhiệt tình.
Chị Thúy Nga thì kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp và trực tiếp đi phát gạo, đồ ăn tại đây. Trong những ngày cách ly xã hội, không về được Hà Nội để ủng hộ nơi chôn rau cắt rốn thì giúp đỡ người dân Thành phố Hồ Chí Minh, âu cũng là giúp đỡ đồng bào mình, chị Nga tâm niệm.
Còn biết bao nhiêu người như chị Loan, chị Nga đang góp sức chung tay lan tỏa tinh thần Việt Nam thống nhất và đoàn kết cùng nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ để sớm ổn định cuộc sống trong dịch Covid-19 lần này.
Điều đó càng trở nên ý nghĩa hơn trong dịp 30/4 kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua đó cho thấy Hà Nội vì cả nước, cả nước cũng vì Hà Nội, càng khẳng định thành quả của chiến đấu vĩ đại giành độc lập thống nhất của cha ông ta xưa, ngày nay được tiếp nối và phát triển một cách bền bỉ và sáng tạo.