Người khó khăn do dịch Covid-19 mong chờ gói hỗ trợ của Chính phủ
Những người lao động mất việc làm vì dịch bệnh Covid-19 đang rất cần Chính phủ hỗ trợ (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Chính phủ quy định giá mua điện mặt trời
Hội Nhà báo kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ báo chí do ảnh hưởng dịch Covid-19
Đến 15/4 còn phát sinh ổ dịch, sẽ tiếp tục kéo dài cách ly toàn xã hội
Siết chặt “kỷ luật chiến trường” để chiến thắng giặc Covid-19
Nghỉ việc không lương
Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay chị Nguyễn Thị Tuyết (ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa được đi làm lại. Trước đây, chị làm giáo viên cho một cơ sở mầm non (trên địa bàn phường Trung Hòa) với mức lương khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Mặc dù số tiền trên không lớn nhưng cộng với tiền lương của chồng cũng đủ để chị lo cho cả gia đình.
Tuy nhiên, sau Tết nhà trường đã có thông báo tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Chị Tuyết cứ nghĩ rằng nhà trường sẽ chỉ nghỉ tạm thời ít hôm để hết dịch bệnh, lại đi làm tiếp.
Ai ngờ, sau những lần liên tiếp thông báo tạm hoãn mở lại trường, đến nay dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, đồng nghĩa với việc nơi dạy học của chị vẫn "cửa đóng then cài" và chưa biết ngày nào mở lại.
Kể từ ngày trường thông báo tạm thời không mở cửa, nhà trường cũng không thu học phí của các phụ huynh có con gửi tại đây. Điều này đồng nghĩa với việc nhà trường không có nguồn thu để trả cho các giáo viên. Không chỉ riêng chị Tuyết mà tất cả các giáo viên trong trường đều đã nghỉ việc không lương. Tình trạng trên đã kéo dài suốt nhiều tháng nay khiến cuộc sống của gia đình chị hết sức khó khăn.
“Hiện nay, cả gia đình tôi gồm 2 vợ chồng và 1 con nhỏ chỉ còn trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng. Tuy nhiên, số tiền này không đủ để cả gia đình sinh sống nên chúng tôi đã phải vay tiền người thân để có tiền sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, chúng tôi rất khó để cầm cự lâu hơn nữa. Nếu Chính phủ không nhanh chóng hỗ trợ những người bị mất thu nhập vì đợt dịch này, không biết chúng tôi có thể cầm cự được bao lâu”, chị Tuyết buồn bã nói.
Còn anh Mai Anh Tuấn (ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, anh làm cho một khách sạn khá lớn trên phố Láng Hạ với đồng lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, khách sạn đã đóng cửa, đồng nghĩa với việc anh tạm thời nghỉ việc không lương.
“Tôi phải về quê tận Nghệ An để phụ giúp gia đình buôn bán vài thứ thực phẩm lặt vặt để kiếm thêm thu nhập. Tôi không biết khi nào khách sạn sẽ mở cửa hoạt động trở lại. Không biết khi nào tôi sẽ được đi làm để có tiền sinh hoạt hàng ngày. Nếu được Chính phủ hỗ trợ trong thời điểm này, tôi nghĩ mình sẽ bớt khó khăn”, anh Tuấn chia sẻ.
Bàn giải pháp hỗ trợ người dân kịp thời
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính phủ đã công bố dự thảo gói hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội để đối phó tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 61.600 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 35.900 tỷ đồng; có 6 nhóm sẽ được nhận hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội này, trong đó ưu tiên những người mất việc, giảm sâu thu nhập.
Bàn luận về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhằm mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo ông, đây là quyết định kịp thời và cần thiết, hướng đến nhóm đối tượng khó khăn nhất trong xã hội là nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm do dịch Covid-19 gây ra.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh gồm: Hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp. Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm....
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc Chính phủ ra quyết định hỗ trợ trực tiếp đến từng người dân thuộc đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhằm đảm bảo cơ bản cuộc sống để họ khắc phục được khó khăn, cùng tham gia với Chính phủ phòng chống đại dịch.
Cần triển khai cấp bách
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 8/4, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải đã đọc báo cáo trước cơ quan thường trực của Quốc hội nêu quan điểm về Báo cáo số 121/BC-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ủy ban TCNS nhận định, trước những tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp và người lao động, Ủy ban cơ bản nhất trí với chủ trương triển khai hỗ trợ người dân của Chính phủ, song lưu ý thêm rằng, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, do tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường. Chính phủ cần tính đến những biện pháp trong dài hạn để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh và ổn định xã hội, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đáng lưu ý, theo Ủy ban TCNS, chế độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 từ ngân sách nhà nước (NSNN) là chính sách chi NSNN hết sức quan trọng và cấp bách, có phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, không có nội dung trái luật và hiện nay chưa có quy định cụ thể.
Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 4, Điều 20 của Luật Ngân sách nhà nước.
Liên quan đến tỷ lệ hỗ trợ các địa phương, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban này đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long đang ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc… không để xảy ra tình trạng ban hành chính sách nhưng không đảm bảo nguồn lực để thực hiện.
Cơ quan thẩm tra đồng ý cho phép Chính phủ thực hiện ngay và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 về các nội dung liên quan hỗ trợ gián tiếp cho người lao động... liên quan đến quy định của Luật Việc làm, các quy định về Bảo hiểm thất nghiệp và các quy định của pháp luật khác.
Trên cơ sở ý kiến kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện; Giao Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên.