Người phi công cuối cùng hy sinh trong chiến dịch "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không"
Sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng của tỉnh Thừa thiên – Huế, dòng họ mà suốt từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ đã cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú, Hoàng Tam Hùng đã viết tiếp những trang truyền thống hào hùng đó.
Năm 1965, khi mới 17 tuổi, Hoàng Tam Hùng đi học lái máy bay phản lực dù biết rằng lái máy bay chiến đấu luôn là nghề rất nguy hiểm.
Tháng 9/1972, anh được lựa chọn lên học lái MiG-21 và điều về Trung đoàn Không quân 927. Tại đây, các anh hùng phi công nổi tiếng như Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Văn Nghĩa đã hướng dẫn các bài bay không chiến cho Hoàng Tam Hùng. Chỉ sau 5 vòng bay, Nguyễn Đức Soát đã có thể thả Hoàng Tam Hùng bay đơn. Khi Mỹ bắt đầu chiến dịch Linebacker II (18/12/1972) thì phi công trẻ tuổi Hoàng Tam Hùng đã có thể xuất kích trong đội hình chiến đấu của các máy bay MiG-21.
Gần trưa ngày 28/12, Không lực Mỹ đã sử dụng 60 lần/chiếc B-52 từ căn cứ Andersen và U-tapao chia thành 4 đợt, có sự hộ tống của 99 lần chiếc máy bay chiến thuật tổ chức đánh lớn vào Hà Nội và Hải Phòng. Tại Chỉ huy sở Binh chủng, Tướng Trần Hanh chủ trì kíp trực nhận định:
Địch sẽ đánh lớn và quyết định giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 927 do Trung đoàn trưởng – Phi công anh hùng Nguyễn Hồng Nhị chỉ huy tổ chức chặn đánh đội hình máy bay của Hải quân Mỹ bay vào từ hướng đông. Biên đội Lê Văn Kiền, Hoàng Tam Hùng được phân công trực chiến, sẵn sàng cất cánh.
Lúc 11h20′, đội bay Kiền – Hùng cất cánh. Khi Chỉ huy sở thông báo mục tiêu phía trước, bên phải, phi công Hoàng Tam Hùng đã nhanh chóng phát hiện biên đội hỗn hợp gồm chiếc máy bay trinh sát vũ trang RA-5C(Vigilanter) và 2 chiếc F-4J của Hải quân Mỹ bay hộ tống.
Mặc dù xung quanh các máy bay F-4 vây quanh rất đông, nhưng bằng một động tác cơ động chính xác, Hoàng Tam Hùng đã kịp bám theo chiếc RA-5C . Viên Thiếu tá – phi công Hải quân kỳ cựu -Alfred Howard Agnew trên chiếc RA-5C đã phát hiện có MiG-21 bám theo, cơ động đan chéo để thoát ra, nhưng bằng động tác kỹ thuật điêu luyện, Hoàng Tam Hùng đã nhanh chóng bám sát chiếc máy bay RA-5C, đưa nó vào vòng ngắm.
Lúc này chiếc RA-5C tiếp tục cơ động đan chéo để lẩn tránh, nhưng Tam Hùng đã bám sát và tìm ra quy luật cơ động của chiếc RA-5C, chờ khi nó vừa cải bằng để chuẩn bị vòng sang hướng ngược lại, anh lập tức ổn định vòng ngắm và ấn nút phóng tên lửa. Chiếc MiG-21 rung nhẹ, quả tên lửa chìm xuống rồi lao thẳng vào chiếc máy bay RA-5C, khiến nó bốc cháy như quả cầu lửa và rơi thẳng xuống chân núi Tản Viên.
Sau khi bắn rơi chiếc RA-5C, Hoàng Tam Hùng nhận lệnh về hạ cánh. Nhưng lúc đó, các máy bay F-4 bay hộ tống phát hiện ra chiếc RA-5C bị bắn rơi đã quay lại vây quanh chiếc MiG-21 của Tam Hùng.
Hùng một mình quần nhau với 12 chiếc F-4 và sau nhiều vòng quần thảo, anh đã bình tĩnh đưa một chiếc F-4 vào vòng ngắm. Biết có các máy bay F-4 bám phía sau nhưng anh vẫn bình tĩnh bám sát và ấn nút phóng quả tên lửa thứ hai, chiếc F-4E đã bị trúng tên lửa và rơi tại chỗ. Sau đó, Hùng tiếp tục quần thảo với đám F4 và đã anh dũng hy sinh khi mới 24 tuổi.
Vậy là ngay trong trận xuất kích đầu tiên trên máy bay tiêm kích MiG-21, chàng trai Hà Nội cùng với phi công Vũ Xuân Thiều, cũng là học sinh Hà Nội, là những người chiến sĩ cuối cùng hy sinh trong trận chiến bảo vệ bầu trời thủ đô.