Người phụ nữ giữ lửa nghề làm đèn Trung thu
Vui nhộn đêm rước đèn Trung thu tại Diamond Lotus Riverside Đèn ông sao khổng lồ xuất hiện trong Lễ Trung thu “Apax Land – Vùng đất thần tiên” |
Bà Tuyến cặm cụi vót những nan tre làm khung cho đèn lồng |
Nặng lòng với nghề truyền thống “lấy công làm lãi”
Đến nhà của nữ nghệ nhân duy nhất của làng Hậu Ái vào những ngày tháng Tám, trong nhà bà ngổn ngang những nan tre còn đang vót dở, những khung đèn ông sao năm cánh, đèn chim công, đèn cá chép, đèn tôm, đèn thỏ đang chờ được dán giấy.
Cũng chỉ vì tiếc cái nghề 3 đời của cha ông, người nghệ nhân ấy vẫn một mình cặm cụi mài rũa những thanh tre từ sáng tới đêm |
Nhớ về những ngày xa xưa, bà Tuyến bồi hồi: “Vân Canh vốn nổi tiếng là làng nghề làm đèn Trung thu. Mỗi năm, cứ đến tháng Bảy, tháng Tám Âm lịch là cả làng lại làm ngày làm đêm, mang đèn đi khắp các phiên chợ trong vùng bán. Tuy nhiên, đó chỉ còn là chuyện của ngày xưa, giờ đây chẳng còn ai “đắm đuối” với cái nghề làm đèn Trung thu truyền thống “lấy công làm lãi” này nữa. Đồ chơi công nghiệp, màu sắc sặc sỡ đang lấn hết sân của đồ truyền thống rồi, người làm nghề dần dần cũng bỏ đi hết”.
Những mẫu đèn đủ loại, bằng khen, giấy chứng nhận được bà Tuyến lưu giữ đến tận bây giờ |
Trước đây, bà Tuyến làm đèn cũng vì muốn lưu giữ nghề vốn là cái hồn của Trung thu làng Hậu Ái nên chỉ làm vừa đủ để ngắm trong nhà, cho các con cháu chơi rồi cúng tế mỗi ngày rằm tháng Tám như truyền thống.
Như một mối lương duyên không hẹn trước, tiếng lành đồn xa, tay nghề của bà được nhiều người biết đến. Năm 1997, các cán bộ của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tìm đến nhà bà Tuyến, đặt mua những đèn Trung thu truyền thống để trưng bày. Bà Tuyến còn được mời làm “giáo viên” dạy các em nhỏ trong nhiều trường mầm non cách làm đèn Trung thu. Cũng từ đấy, bà thực sự quay trở lại và gắn bó hơn nữa với nghề làm đèn ông sao.
Những chiếc đèn ông sao 5 cánh sẵn khung, chỉ chờ được bà mang đến cho các em nhỏ tự tay trải nghiệm dán giấy, tô màu |
Những ông tiến sĩ giấy được bố mẹ mua cho con đặt ở bàn học mỗi dịp Trung thu như gửi gắm tình thương và sự hy vọng. Đó cũng là ý nghĩa tượng trưng cho dân tộc Việt Nam xưa nay dùng con chữ mà đánh giặc.
Chắt chiu cái tâm, cái tình trong từng chiếc đèn truyền thống
Bà Tuyến tâm sự: “Làm đèn là để 3 đời cha ông không xót xa về những chiếc đèn họ từng trân quý nay lại bị lãng quên, cũng là để con cháu có đồ chơi rằm tháng Tám, biết và nhớ về nguồn cội”.
Cũng bởi thế mà bà luôn thận trọng trong từng chi tiết nhỏ của chiếc đèn mình làm ra để chúng không bị mất đi nét truyền thống, mà cũng không quá “cũ kĩ”. Những chiếc đèn được đóng khung cố định bằng tre, nứa mà bà tự lặn lội chục cây số đi mua về. Hồ dán tự nấu, giấy tự cắt, khung đèn, bà cũng tự uốn mà thành.
Làm đồ chơi cho trẻ nhỏ thì lúc nào cũng phải cẩn thận, khó nhất là vót thanh tre sao cho mịn, nhẵn để các cháu cầm vào không bị đứt tay. Một chiếc đèn cần khoảng mười thanh như thế, có khi ngồi vót cả một ngày chỉ vừa đủ chục chiếc |
Hạnh phúc với nghề nhưng bà Tuyến cũng không thôi trăn trở khi nghĩ về tương lai của nó |
Hằng ngày, người phụ nữ hơn 50 tuổi ấy vẫn một mình cặm cụi làm đèn Trung thu, chở đèn đi gần 30 cây số đến bảo tàng, trường học để dạy các cháu nhỏ dán giấy, làm đèn ông sao... mang lại niềm vui, cho chúng biết về một tinh hoa văn hóa dân tộc.
Bà Tuyến cho biết: “Tất cả những hình dáng của đèn ông sao, đèn tôm, cua, cá... hay đèn ông tiến sĩ giấy đều giữ nguyên từ đời trước, không khác chút nào. Cái khác duy nhất là bây giờ có giấy màu đẹp hơn thay giấy bạc màu trước kia, các cháu nhỏ nhìn cũng bắt mắt hơn” |
Những chiếc đèn ông sao bắt mắt |
“Cũng đã làm bà nội, bà ngoại nhưng tôi chẳng biết truyền lại nghề này cho ai. Các con, các cháu lớn cả rồi có công việc riêng, cũng không thể theo nghề của mẹ vì chẳng đủ sống, có chăng chỉ giúp được buổi tối cuối tuần. Tôi chẳng trách được chúng vì nghề này chỉ làm mùa vụ, sao đảm bảo cuộc sống bây giờ. Thôi thì cố gắng làm được chừng nào hay chừng ấy, để con trẻ có những đồ chơi không độc hại, mà lại cảm nhận được tình thương của người lớn”.