Người phụ nữ nhiễm Covid-19 không khai báo y tế khi đi du lịch châu Âu về có bị xử lý?
Sáng 7/3, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội tiến hành phun thuốc khử khuẩn tại phố Trúc Bạch (quận Ba Đình) khu vực người phụ nữ bị nhiễm Covid-19 ở
Bài liên quan
Nơi khám đầu tiên cho bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 tại Hà Nội lên tiếng
Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch Covid-19, người dân tránh hoang mang
Người tiếp xúc bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 tập trung ở những quận nào?
Hà Nội: Thêm 2 trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19
Liên quan đến sự việc người phụ nữ đi du lịch châu Âu về Hà Nội không khai báo y tế khi qua cửa khẩu có kết quả dương tính với Covid-19, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) sự việc trên dưới góc độ pháp lý.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Thông tin về người phụ nữ 26 tuổi trú tại thành phố Hà Nội là bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 sau khi kết thúc 22 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới là một thông tin rất đáng buồn, gây lo lắng cho nhiều người.
Điều đáng chú ý ở đây là thông tin ban đầu cho thấy nữ bệnh nhân thứ 17 này đã từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh dịch Covid-19 (chị gái bệnh nhân) nhưng không khai báo cho cơ quan chức năng.
Hành vi này rất đáng trách, thậm chí đáng lên án, gây hoang mang, lo lắng cho cộng đồng; có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Theo quy định pháp luật, nghĩa vụ bắt buộc trong việc khai báo, xử lý y tế được áp dụng với người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch; người đi qua vùng dịch hoặc người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Những người nào thuộc trường hợp bắt buộc phải khai báo y tế, xử lý y tế nhưng cố tình không thực hiện thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Khi có thông tin nữ bệnh nhân 26 tuổi là người thứ 17 nhiễm Covid-19 thì cơ quan chức năng tại Hà Nội đã họp khẩn cấp trong đêm để tìm cách phòng và chống dịch từ tình huống cấp bách này. Trước tiên, thành phố cần phải làm rõ thông tin mà người phụ nữ này khai báo y tế xem có chính xác hay không? Tại sao tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 mà không khai báo?
Căn cứ nào cho thấy người chị gái của bệnh nhân này nhiễm bệnh dịch, tiếp xúc với bệnh nhân này diễn ra như thế nào, sau khi tiếp xúc với chị gái thì bệnh nhân này đã tiếp xúc với bao nhiêu người, kể cả những người trên chuyến bay cùng về Việt Nam? Cơ quan chức năng cần có thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về nữ bệnh nhân liên quan đến lịch trình ra nước ngoài và trở về, những người nào đã tiếp xúc gần với người này và các vấn đề khác có liên quan để phục vụ công tác phòng và chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Sau khi người phụ nữ đi du lịch châu Âu về Hà Nội có kết quả dương tính với Covid-19, khu phố Trúc Bạch đã được phong tỏa, cách ly |
Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì người tiếp xúc với người bệnh dịch truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly y tế... Việc người này tiếp xúc với người nhiễm bệnh dịch và sau đó có biểu hiện của bệnh Covid-19 (mệt mỏi, ho, sốt...) mà không khai báo y tế, không thực hiện thủ tục cách ly theo quy định pháp luật là không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm.
Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều đáng trách hơn là có thể làm những người đi cùng chuyến bay về Việt Nam và những người mà người phụ nữ này tiếp xúc gần buộc phải cách ly y tế để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, trước sự việc mới xảy ra thì Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh truyền nhiễm sẽ tiến hành tích cực hơn các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông và tiến hành hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật.
Hoạt động giám sát và nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm được quy định tại Điều 20 và 21 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. Cụ thể: Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm bao gồm thông tin về địa điểm, thời gian, các trường hợp mắc bệnh, tử vong; tình trạng bệnh; tình trạng miễn dịch; đặc điểm chủ yếu về dân số và các thông tin cần thiết khác.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát.
Cơ quan chức năng giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm bao gồm các thông tin liên quan về chủng loại, đặc tính sinh học và phương thức lây truyền từ nguồn truyền nhiễm; Giám sát trung gian truyền bệnh bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng, mật độ, thành phần và mức độ nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm của trung gian truyền bệnh.
Hoạt động kiểm dịch y tế biên giới sẽ tiếp tục được duy trì và tăng cường hơn nữa. Nội dung kiểm dịch y tế biên giới được quy định tại Điều 36, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bao gồm: Khai báo y tế, kiểm tra y tế, kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế và kiểm tra thực tế; Kiểm tra thực tế được tiến hành trong trường hợp đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Xử lý y tế được thực hiện khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Trường hợp nhận được khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (Covid-19) thì phương tiện vận tải, người, hàng hoá trên phương tiện đó phải được cách ly để kiểm tra y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, nhập khẩu, quá cảnh; Nếu không thực hiện yêu cầu cách ly của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.
Ngoài việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về trách nhiệm trong vệ sinh phòng và chống dịch thì cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phát hiện các hành vi vi phạm quy định về phòng chống bệnh truyền nhiễm để có những hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi vụ việc người phụ nữ đi du lịch châu Âu về bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo y tế |
Trong lúc này, người dân thủ đô Hà Nội nói chung và những người đã từng quen biết, tiếp xúc với cô gái này nói riêng không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang.
Việc tiếp cận nguồn thông tin dịch bệnh truyền nhiễm cũng như sự việc này cần qua những kênh thông tin chính thống của Bộ Y tế, cơ quan báo chí truyền hình Trung ương và các báo Hà Nội.
Những thông tin trên mạng xã hội đều chưa được kiểm chứng, nếu người nào tiếp xúc nhiều với những thông tin độc, tin giả trên mạng xã hội thì rất dễ hoang mang, lo lắng không cần thiết.
Từ khi dịch bệnh xảy ra cho đến nay, Việt Nam thực hiện rất tốt hoạt động phòng và chống dịch. Tất cả những bệnh nhân nhiễm bệnh dịch tại Việt Nam đều được chữa khỏi. Đây là lý do để mọi người có thể tin tưởng vào khả năng phòng và chống dịch của Việt Nam.
Người dân nên chủ động tiếp cận những nguồn thông tin chính thống, thực hiện tốt các hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong việc phòng và chống dịch: Hạn chế tiếp xúc đông người, thường xuyên rửa tay; Những người có biểu hiện sức khỏe không tốt, ho, ốm thì cần phải đeo khẩu trang thường xuyên và ít tiếp xúc với người khác; Người từng tiếp xúc với người mang bệnh, tiếp xúc với nguồn bệnh, tác nhân gây bệnh hoặc đi qua vùng dịch thì cần phải thực hiện thủ tục khai báo y tế và cách ly tế theo quy định pháp luật.
“Khi mỗi công dân đều nêu cao ý thức trách nhiệm của mình, có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về dịch bệnh này, thực hiện tốt những quy định của pháp luật về phòng và chống dịch, thực hiện kịp thời các khuyến cáo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch bệnh thì chúng ta sẽ hoàn toàn có thể đầy lùi được dịch bệnh này tại Việt Nam”, luật sư Đặng Văn Cường nói.