Người trẻ chật vật thay đổi công việc cuối năm
Người trẻ chạy nước rút cuối năm Áp lực của người trẻ trong những dịp lễ, Tết “Gu” chọn nhà mới của giới trẻ |
Không quá vội vàng
Sau hơn một năm nghỉ sinh con Nguyễn Trà My (29 tuổi), có hơn 5 năm kinh nghiệm leader trong lĩnh vực truyền thông ở Hà Nội đi tìm việc trở lại. Gần 1 tháng kể từ khi bắt đầu rải CV, cô gái 29 tuổi nhận được 2 lời đề nghị nhưng chưa quyết định chọn nơi nào để gắn bó.
“Mình không quá quan tâm bây giờ đang là cao điểm hay thấp điểm của tuyển dụng. Mình cũng không đi làm vì thưởng Tết nên không quan trọng thời điểm. Chỉ là mình thấy lúc này phù hợp, khi con đã lớn hơn và cần tiếp tục phát triển công việc. Mình nghĩ chỉ cần bản thân có năng lực và tìm được nơi phù hợp, có cung thì có cầu nên không lo lắng”, cô nói.
Tuy nhiên, trong quá trình đi tìm việc, Trà My cũng gặp vài trải nghiệm không mong muốn. Đầu tiên, một nhà tuyển dụng đồng ý với mức lương đề xuất của cô tại buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, khi gọi điện thông báo và gửi mail chính thức xác nhận kết quả, họ lại deal mức khác thấp hơn.
Sau khi trao đổi lại, phía tuyển dụng hẹn sẽ xem xét và nhắn lại, nhưng không hề hồi âm. Ngoài ra, sau khi phỏng vấn vòng một về, Trà My nhận thấy có tín hiệu khả quan nên nhắn cho bộ phận nhân sự hỏi thêm một số nội dung về chế độ chính sách tại công ty. Câu trả lời cô nhận được là: “Bao giờ là nhân viên chính thức sẽ được thông báo sau”.
Trà My gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc sát Tết |
Trà My bất ngờ vì ứng viên không được quyền biết về quyền lợi của mình mà phải đặt bút ký tên vào hợp đồng lao động mới được thông báo. Với cô gái trẻ, nhận được ít offer khi đi tìm việc cuối năm không phải vấn đề lớn. Tỷ lệ đó không nói lên năng lực của ứng viên hay do doanh nghiệp ít tuyển, mà còn nhiều yếu tố khác.
Ở trường hợp của Trà My, cô chỉ gửi CV vào một số nơi phù hợp. Do nhà cách xa trung tâm thành phố, việc chọn công ty ở gần cũng là điều khó khăn. Giang cho biết bản thân sẽ nhận việc ngay khi có offer tốt. Cô gái 29 tuổi cũng khuyên mọi người nên chuẩn bị tâm lý khi đi tìm việc cuối năm.
“Không cần thiết phải quá sốt ruột hay vì lo lắng mà chọn nơi làm việc không phù hợp với tiêu chí và nhu cầu của bản thân. Bởi sau đó, vào làm việc còn rất nhiều vấn đề phát sinh khác, mình sẽ dễ nản và khó có thể gắn bó lâu dài với công ty. Tốt nhất, hãy chọn nơi nào thật phù hợp ngay từ ban đầu”, Trà My chia sẻ.
Cân nhắc kỹ lưỡng
Trần Thu Hà (27 tuổi) mới chuyển từ Nha Trang ra Hà Nội gần 3 tháng trước. Ban đầu, cô gái trẻ dự định sẽ ra ngoài này muộn hơn, nhưng một phần vì công việc cũ không có sự bứt phá và không còn những thứ mới muốn học hỏi, cô quyết định nghỉ để đẩy sớm kế hoạch.
Thu Hà bắt đầu tìm việc vào cuối tháng 9. Cô nhận thấy thời điểm này không nhiều công việc hấp dẫn, nhưng vẫn sẽ có những vị trí tốt, đồng thời mức độ cạnh tranh cũng thấp hơn. Với ưu điểm như tốt nghiệp ngành kinh tế loại giỏi, có 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Hàn, cô gái trẻ tự tin có thể bắt đầu công việc ngay nên có suy nghĩ sẽ yêu cầu mức lương tối thiểu 12 triệu đồng.
Thu Hà cho biết đã nhận được lời đề nghị từ nhiều nơi và trải qua vài cuộc phỏng vấn trước khi có vị trí hiện tại là phân tích viên. Đối với Thu Hà, dù xin việc cuối năm hay thời điểm khác, cô vẫn có những tiêu chí để cân nhắc như công việc có phù hợp với năng lực không, mức lương, đãi ngộ và môi trường, văn hóa công ty.
“Cuối năm ít việc nhưng đồng nghĩa cơ hội cạnh tranh không quá cao và vẫn sẽ có những vị trí tuyển dụng chất lượng. Bởi vậy, nếu cảm thấy công việc hiện tại không phù hợp và không đặt nặng về vấn đề thưởng Tết, mọi người vẫn có thể tìm việc thời gian này”, Thu Hà chia sẻ chia sẻ.
Người trẻ không nên chuyển việc tại thời điểm sát Tết vì có khả năng mất tháng lương 13 và thưởng cả năm |
Đánh giá về vấn đề tìm kiếm việc làm cuối năm, Thành Đạt (30 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội), quản lý nhân sự cho một công ty sự kiện cho rằng các bạn trẻ không nên chuyển việc tại thời điểm sát Tết vì có khả năng mất tháng lương 13 và thưởng cả năm.
“Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thật sự cần, họ sẵn sàng trả bù tháng lương 13 mà ứng viên bị mất hoặc những khoản thưởng bằng hiện vật khác như sản phẩm công nghệ, phiếu quà tặng du lịch, vé tàu hay vé máy bay về quê ăn Tết…”, Thành Đạt nói.
Theo Thành Đạt nhận định, các ngành dịch vụ vẫn tuyển dụng sôi nổi. Tuy nhiên, nếu nhảy việc lúc này, ứng viên sẽ gặp nhiều rủi ro như có thể không vượt qua thời gian thử việc, cuối năm cường độ công việc nhiều dẫn đến kỳ vọng của công ty cũng sẽ cao. Nếu mất việc, người lao động sẽ mang tâm lý bất ổn và không có cái Tết trọn vẹn.
“Nếu không có nhu cầu cấp thiết thì lời khuyên chân thành của mình là không nên nhảy việc vào cuối năm. Bởi hiện tại, không chỉ khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam mà tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu trước làn sóng cắt giảm nhân sự đang lan trên diện rộng. Hãy trân trọng công việc bạn đang làm”, Thành Đạt kết luận.