Người Việt ở nước ngoài lại lao đao vì biến thể mới của Sars-Cov-2
Lan tỏa hình ảnh đẹp của người Việt tại nước ngoài trong đại dịch Covid-19 |
Dịch bệnh Covid-19 vẫn khiến cuộc sống của nhiều du học sinh và người Việt tại nước ngoài gặp khó khăn (Ảnh chụp tại thành phố Penza - Nga) |
Với tốc độ lây lan nhanh hơn đến 70%, biến thể mới của Sars-Cov-2 xuất hiện cùng hàng ngàn ổ dịch mới tại nhiều nước. Kéo theo đó là tình trạng khó khăn tiếp diễn và con đường về nước càng thêm mịt mờ của người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài.
Đang học tập tại Vương quốc Anh - quốc gia đầu tiên phát hiện ra biến thể mới này, anh Dương Quốc Bảo (du học sinh năm thứ 3, thành phố Bournemouth) gặp không ít khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
Ngay khi biến thể Sars-Cov-2 lần đầu tiên được phát hiện tại London ngày 24/12, Chính phủ đã đưa ra mức cảnh báo cấp 4, cả đất nước đi vào đợt cách ly xã hội lần 2. Người dân Anh rất lo lắng, tuy nhiên họ luôn có niềm tin rằng tình hình sẽ cải thiện khi được tiêm vắc-xin. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện tại có lẽ là đi lại và công việc. Người dân không thể thăm gia đình vào Giáng sinh và năm mới.
Anh Bảo chia sẻ: “Với bản thân tôi, việc học tập cũng bị ảnh hưởng không ít do không thể đến trường lấy sách vở, tài liệu từ thư viện. Việc thu thập số liệu thực tế ở Việt Nam cũng bị cản trở do không thể bay về. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy may mắn vì quá trình trao đổi với các giáo sư không bị gián đoạn nhờ vào công cụ giao tiếp online”.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ Anh đã có hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch với những quy định về việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, người Việt vẫn cần nêu cao cảnh giác, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Anh Bảo cho biết thêm: “Ở Anh, do có quá nhiều ca nhiễm mỗi ngày nên hệ thống y tế quá tải, không phải ai cũng được chữa bệnh, có người Việt tử vong tại nhà do Covid-19 vì không được đến bệnh viện.
Đại sứ quán Việt Nam cũng có nhiều hỗ trợ cho người Việt, đặc biệt là các bạn du học sinh với những chuyến bay giải cứu. Sau sự xuất hiện của biến thể mới, các chuyến bay từ Anh về đều đã bị cấm. Năm nay sẽ là một cái Tết xa nhà nữa với nhiều du học sinh và người lao động, chỉ mong mọi người đều bình an vượt qua để năm sau có thể về nhà”.
Cũng là một người Việt đang sinh sống tại nước ngoài nhưng chị Vũ Hân (thành phố Penza, Nga) có phần may mắn hơn vì Nga đang là đất nước có vắc-xin SputnikV ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới và đã bắt đầu triển khai tiêm chủng quy mô lớn từ ngày 18/1.
Chị Hân chia sẻ: “Nhiều người Việt tại Matxcova đã được tiêm chủng vắc-xin. Khu vực mình sống có lẽ sẽ sớm được tiêm chủng do Chính phủ đang ưu tiên vùng dịch khẩn cấp. Dù đã có vắc-xin nhưng người dân Nga vẫn nêu cao cảnh giác, giữ gìn khoảng cách tại các siêu thị, nơi công cộng. Sau thời gian dịch bùng phát với số ca nhiễm tăng nhanh, ý thức đeo khẩu trang của mọi người đã được nâng cao và chính quyền cũng quản lý rất sát sao. Sinh viên các trường cũng chưa trở lại học tập toàn thời gian”.
Với những người Việt tại Nga lúc này, cánh cửa về nhà gần hơn bất cứ nơi đâu khi ngày nhà chức trách Nga thông báo sẽ mở lại đường bay giữa Matxcova với thủ đô các nước Việt Nam, Phần Lan, Ấn Độ và Qatar kể từ ngày 27/1.
Tuy nhiên, khi được hỏi về dự định về nước ăn Tết Tân Sửu, chị Hân tâm sự: “Tết đến ai đi xa cũng có một nỗi nhớ nhà, càng xa quê lâu lại càng nhớ da diết. Ở thời điểm hiện tại, việc về nước vẫn đang gặp rất nhiều trở ngại, phần vì chi phí vé máy bay, phí cách ly, phần cũng vì lo sự an toàn suốt đường đi. Quan trọng hơn, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, các đường bay có thể lại đóng bất cứ lúc nào. Nếu điều đó xảy ra, mình và gia đình sẽ không thể quay lại Nga, công việc kinh doanh sẽ gián đoạn.
Mình đành ở lại Nga đón Tết Tân Sửu cùng cộng đồng người Việt tại đây. Hy vọng mọi người thực hiện đúng các quy định và khuyến cáo của Chính phủ cũng như tham khảo thêm thông tin kiến thức ở Việt Nam để bảo vệ sức khỏe và vượt qua đại dịch này trong thời gian ngắn nhất”.