Nguồn lực từ niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên
Thành đoàn Hà Nội tiếp nhận các nguồn lực phục vụ phòng chống dịch COVID-19 |
Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Đảng bộ thành phố Hà Nội đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội |
Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lóp Nhân dân đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chuyển biến tích cực, phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Trên tinh thần đó, chính quyền và Nhân dân Hà Nội tiếp tục xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Điều này thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật; Khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của Nhân dân Thủ đô.
Phát triển văn hóa và con người Hà Nội phải dựa trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Hà Nội là thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Trên hành trình tiếp bước về tương lai của mình, Hà Nội xác định rõ văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước và Thủ đô. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Điều này cũng đúng như tinh thần, chủ trương của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Tiếp nối nền tảng, di sản quý báu mà chúng ta đang được thừa hưởng, người Hà Nội hôm nay phải phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến, xứng danh là trung tâm văn hóa lớn của cả nước.
Những giá trị văn hóa mới
“Trong giai đoạn phát triển mới “Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ” song khó khăn, thử thách là không nhỏ, đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng từng nhận định về tình hình phát triển văn hóa Thủ đô hiện nay.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nhưng có thể nói, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, suốt thời gian qua, người Hà Nội đã xác lập được những giá trị văn hóa mới rất đáng tự hào. Trên nền tảng những truyền thống đã tạo dựng cả ngàn năm qua, tinh thần thượng tôn pháp luật, đoàn kết, trách nhiệm với vận mệnh của thành phố, của đất nước luôn được Nhân dân Thủ đô phát huy cao độ.
Không chỉ tương thân tương ái, mỗi người tự ý thức hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, người Hà Nội còn giúp đỡ nhau, đan rộng “vòng tay Việt Nam” trên khắp dải đất hình chữ S. Bóng dáng của các y, bác sĩ, quân nhân, công an, tình nguyện viên từ Hà Nội đã xuất hiện tại những nơi có dịch bệnh, đóng góp công sức không nhỏ vào sự nghiệp chống dịch chung của cả nước, mang lại tình yêu thương, niềm tin, sự an toàn, sự sẻ chia cho những “con Rồng cháu Tiên”. Giúp đỡ, sẻ chia đã trở thành “phản ứng nhanh” trong tâm thức của người dân Hà Nội.
Dòng máu Lạc Hồng từ “quả tim lớn Hà Nội” chảy suốt trong huyết quản Việt Nam, nuôi dưỡng nghĩa đồng bào, góp phần sưởi ấm tình người trong đại dịch. Chính vì thế, có gian nan, có vất vả, có mất mát, có hy sinh nhưng trên hết cả, tình người đã giúp chúng ta vươn lên, phục hồi và vững tin về một ngày mai tươi sáng hơn.
Dù vậy, những thử thách vẫn còn đó. Để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa bảo đảm đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, với những sáu nội dung trọng tâm.
Đó là, nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền thành phố. Định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Thành phố chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Phát huy tối đa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế.
Nắm bắt thời cơ để tỏa sáng
Rồi đại dịch sẽ đi qua, nhịp sống bình thường trở lại, chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn biết nắm rõ tình hình, biến thách thức thành cơ hội để tỏa sáng bằng những việc làm cụ thể. Một trong những chiến lược rất đúng đắn, hợp thời đó là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Bởi lẽ, đây là điều kiện để chúng ta xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại hơn nữa, hội nhập và phát huy những danh hiệu Thành phố sáng tạo, Thành phố vì hòa bình mà thế giới ghi nhận và tôn vinh.
Để làm được điều đó, Hà Nội đã và đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc, toàn diện về công nghiệp văn hóa. Tăng cường và đa dạng các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa. Xây dựng, ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa; Rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng và phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa.
Trong đó, phát triển du lịch vừa là để giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Hà Nội cũng đồng thời là nhiệm vụ đóng góp để nền kinh tế Thủ đô phục hồi, phát triển mạnh mẽ trở lại ngay sau đại dịch. Để làm được điều đó, chúng ta đang tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa tiêu biểu, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm, du lịch đặc trưng của Hà Nội, có chất lượng, giá trị cao, đảm bảo thực hiện có hiệu quả mối liên kết giữa vãn hóa với du lịch trong công cuộc phát triển của Thủ đô.
Hà Nội cũng đã và đang triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn; Nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, làng nghề, làng cổ, phố cổ... nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa bền vững, có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có bản sắc, vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam, khu vực và thế giới.
Với ý chí kiên cường, sự sáng tạo, khát vọng vượt lên hoàn cảnh được minh chứng suốt ngàn năm văn hiến, được khắc họa rõ nét thêm trong hai năm đại dịch vừa qua, cùng với sự chuẩn bị kĩ càng, có tầm nhìn, tin rằng, như cánh hoa đào Nhật Tân bung mình sau đông tàn giá rét, trong năm mới Nhâm Dần 2022 này, Hà Nội tiếp tục phát huy thế mạnh, nguồn lực nội sinh của mình để mở ra những mùa xuân mới của thành công, hi vọng và phát triển hơn nữa.
NTK Thạch Linh “vẽ” cả vườn hoa xuân với BST áo dài “Mùa Tết” |
Khép lại những lo toan, mở ra nhiều hy vọng |
"Xuân yêu thương" chào Tết Nhâm Dần 2022 |