Nhà báo và mạng xã hội: Sự thật luôn là nguyên tắc tối thượng
Ảnh minh họa: Vương Đức
Bài liên quan
Thủ tướng gửi thư chúc mừng nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không để tiêu cực chi phối
Tôn vinh những khoảnh khắc báo chí đặc sắc
140 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Giải báo chí quốc gia
Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn năm 2020
Tuy nhiên, mạng xã hội cung là một mảnh vỡ của thông tin và những tin giả, tin độc, việc bắt nạt trực tuyến, truyền thông bất lương trên thế giới số cũng mang lại những hậu quả khôn lường. Dưới đây là quan điểm của nhiều nhà báo, phóng viên về ứng xử với mạng xã hội.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Dân Việt):
Mạng xã hội là nền tảng cho sự phát triển của báo chí hiện đại
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến tác nghiệp điều tra về buôn lậu ngà voi và tê giác |
Hiện nay, con người lướt mạng xã hội mỗi giờ mà ít vào những trang báo chính thống để đọc khiến cho báo chí có phần mờ nhạt. Tuy nhiên, báo chí vẫn có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong lòng công chúng. Không thể nào người ta chỉ dùng mạng xã hội mà không đọc báo. Bởi vì, báo chí không chỉ có tính định hướng về chính trị, đảng phái mà báo chí còn có phân tích, có nguồn tin chính xác, có căn cứ luật pháp và nhà báo chịu trách nhiệm trước ngòi bút của mình nên bạn đọc sẽ theo dõi một nhà báo, theo dõi một tờ báo chứ không thể tin vào mạng xã hội nói chung được.
Chẳng hạn như xảy ra một vấn đề nào đó ầm ĩ trên mạng xã hội được dư luận quan tâm, thì bạn đọc lại tìm đọc xem báo chí chính thống nói gì, nhà báo tên tuổi nói gì, có tham gia phân tích hay tìm căn nguyên cho vấn đề đó hay không. Để báo chí giữ vai trò tốt của mình thì phải có tính phân tích, định hướng, tính dự báo và quan trọng nhất là thể hiện trí tuệ của một nhà báo bằng tác phẩm có kỹ năng, nghệ thuật và định hướng đi lên. Nếu không thể hiện được nó thì chắc chắn sẽ thua mạng xã hội.
Mạng xã hội và báo chí cần có sự kết hợp uyển chuyển. Chẳng hạn như việc một bài báo hay được đăng ở tờ báo quy mô, bài bản sẽ được chắp cánh bởi mạng xã hội, hoặc một thông tin lan truyền trên mạng xã hội thì báo chí dựa trên thông tin đó để tiếp tục viết. Có những vụ việc mà trên mạng xã hội chưa có, khi nhà báo đưa lên mạng xã hội thì nó phát tán lên, chắp cánh cho bài báo được lan truyền tới bạn đọc.
Mạng xã hội có thể đưa ra những thị phi, xuyên tạc khủng khiếp nhưng mạng xã hội lan truyền cái tốt thì cũng mang lại thành quả cực kỳ to lớn. Đơn cử vụ việc đăng 14 kỳ trên báo Tuổi trẻ Thủ đô về bảo vệ trẻ trai ở Việt Nam bị lạm dụng tình dục bởi người nước ngoài. Sau đó Công an TP Hà Nội có làm việc với tôi và lãnh đạo cơ quan báo Tuổi trẻ Thủ đô cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu để củng cố hồ sơ bắt tất cả các đối tượng trong nhiều năm liền. Đặc biệt hơn, Luật Hình sự ở Việt Nam đã thay đổi một số điều, khoản liên quan đến vấn đề mà tôi điều tra được đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Những điều đó chứng tỏ, sự phát triển của mạng xã hội và báo chí sẽ càng giúp bạn đọc đến gần với thông tin chính thống hơn, nhanh nhạy và đa chiều hơn chứ không phải làm cho báo chí mất đi vị thế bởi “công chúng sẽ quan tâm báo chí qua mạng xã hội hơn là mạng xã hội đơn thuần”.
Nhà báo Trần Hòa (Ban Thể thao, Đài Truyền hình Việt Nam):
Mạng xã hội như ''con dao hai lưỡi''
Nhà báo Trần Hòa (bên phải) trong lần tác nghiệp tại thành phố Vinh, Nghệ An |
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội, đặc biệt là việc cập nhật những thông tin thời sự. Ngoài việc chia sẻ thông tin cá nhân, tôi còn sử dụng mạng xã hội làm công cụ thu thập thông tin, kết nối với bạn đọc một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Trên mạng xã hội, báo chí có thể tiếp cận hình ảnh, video, ý kiến của người dùng về các vấn đề họ đang quan tâm, phản ánh phần nào dư luận xã hội và đó là các “dữ kiện” hữu ích giúp nhà báo xem xét, kiểm chứng, xác minh và khai thác dưới góc độ báo chí trong thời buổi chạy đua công nghệ như hiện nay.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi, nó có thể khiến những người làm báo rơi vào thế ''việt vị'' bởi những thông tin giả. Những thông tin nóng, thời sự về xã hội nếu không được kiểm chứng, xác nhận từ cơ quan chức năng vô tình sẽ trở thành những tin xấu, tin độc khiến độc giả và dư luận hoang mang.
Về việc sử dụng mạng xã hội, tôi cho rằng những nhà báo, phóng viên phải đi đầu trong việc thực hiện nghiêm các ''Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam'' của Hội Nhà báo Việt Nam. Trước khi chia sẻ một vấn đề nào đó phải nghĩ đến sự ảnh hưởng cũng như tác động của nó. Bởi khi chia sẻ một vấn đề tích cực sẽ mang tính lan tỏa, học hỏi; Trong khi vấn đề tiêu cực sẽ gây những hệ lụy nghiêm trọng mà chính chúng ta cũng sẽ phải gánh hậu quả.
Khi nhà báo tham gia mạng xã hội, họ không chỉ là một thành viên bình thường của cộng đồng mạng mà còn là những người góp phần định hướng, chính thống hóa thông tin. Vì vậy, trước khi đưa các thông tin xã hội, người làm báo phải thận trọng, có trách nhiệm.
Nhà báo Thân Nguyệt Nga (Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn):
Đừng biến mình thành “mồi ngon” của mạng xã hội
Nhà báo Thân Nguyệt Nga - Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn |
Công tác trong ngành truyền hình được 30 năm, có “thâm niên” viết báo 20 năm, tôi đến với mạng xã hội Facebook, Zalo một cách tự nhiên từ năm 2012. Ban đầu chỉ là sự tò mò, muốn khám phá cái mới lạ từ một ứng dụng công nghệ, sau đó thấy trên mạng xã hội có ưu điểm là thông tin nhanh, ai cũng có thể cập nhật được và có tương tác lớn nên bản thân tôi cảm thấy hứng thú hơn.
Tuy nhiên, thông tin trên mạng xã hội dù nhanh chóng được chia sẻ nhưng lại không có kiểm chứng bằng nguồn tin cậy, phần lớn do người tham gia tự chia sẻ và coi đó là cuốn “nhật ký trực tuyến”. Cũng không ít người “lợi dụng” mạng xã hội để gây sự chú ý đến trang mạng của mình nhằm mục đích được nhiều người biết đến hoặc có những động cơ không trong sáng, thậm chí là chống phá, gây mất đoàn kết…
Với tôi, việc lựa chọn nội dung gì để “up”, bình luận ra sao, chia sẻ “tâm trạng”, “suy nghĩ”, “ảnh” như thế nào, nhằm truyền tải nội dung gì và cập nhật tin tức gì từ mạng xã hội đều phải suy nghĩ, đắn đo nhiều bởi đằng sau những thông tin ấy có rất nhiều người đọc. Hơn thế, bản thân mình làm công tác thông tin tuyên truyền, nên nếu không khéo léo có thể là “mồi ngon” của chính sản phẩm mình tạo ra.
Nhà báo, Trung tá Nguyễn Văn Chiển (báo Quân đội nhân dân):
Có hiện tượng lợi dụng “quyền lực” câu chữ viết theo đặt hàng trên mạng xã hội
Nhà báo, Trung tá Nguyễn Văn Chiển trong chuyến công tác Trường Sa năm 2019 |
Tôi nghĩ hiện nay với rất nhiều quy định của pháp luật, các quy tắc nghề nghiệp ra đời, trong đó quy định về phát ngôn của phóng viên, nhà báo thì việc đưa ra quy định trách nhiệm sử dụng mạng xã hội với phóng viên là không cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, các cơ quan cũng nên có cơ chế cụ thể để nhắc nhở, định hướng, thậm chí điều chỉnh việc sử dụng mạng xã hội hoặc các phát ngôn của phóng viên do mình quản lý trên mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, hiện có nhiều trường hợp, cùng một sự việc nhưng tờ báo của cơ quan thể hiện quan điểm, góc nhìn một kiểu, phóng viên cơ quan đó lại phát ngôn, suy nghĩ theo một hướng khác, thậm chí đối lập. Điều đó vô hình trung khiến độc giả cảm thấy ở cơ quan đó không có sự thống nhất, đồng quan điểm trong cách nhìn cùng một vụ việc; Hoặc có những vấn đề liên quan đến “nhạy cảm chính trị”, với những phóng viên trẻ, mới vào nghề, không được quán triệt kỹ, họ sẽ thiếu thông tin và sự tỉnh táo cần thiết. Khi được nhắc nhở, các phóng viên trẻ sẽ tránh được những hệ lụy đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến cơ quan và bản thân mình.
Hiện nay, một số phóng viên, KOLs sử dụng mạng xã hội như một công việc để kiếm tiền, tôi nghĩ đó cũng là điều hết sức bình thường, bởi “có cung thì có cầu”. Cái đó không hề xấu mà còn thể hiện sự nhạy bén, năng động, tài năng của phóng viên. Tuy nhiên, nếu lợi dụng danh nghĩa nhà báo, lạm dụng mạng xã hội, biến đây thành một “quyền lực” để trục lợi, đe dọa, tống tiền, gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thì không thể chấp nhận được. Điều đó vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức người làm báo. Gần đây, có hiện tượng, một số phóng viên, KOLs lợi dụng “quyền lực” câu chữ của mình mà viết bài theo “đặt hàng” để đăng tải trên trang cá nhân nhằm mục đích “đánh đấm” một bên khác. Thường thì những thông tin viết theo kiểu “đặt hàng” ấy khó mà khách quan, chân thật, bởi nó bị chi phối quá nhiều từ mức tiền đối tác đưa ra. Tiếc rằng, hiện tượng này ngày càng nhiều hơn và điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín người làm báo cũng như người sử dụng mạng xã hội thuần túy.
Nhà báo Nguyễn Đình Đoàn Bổng (báo điện tử VietNamNet):
Phóng viên cần đủ tỉnh táo để dùng mạng xã hội chuẩn mực
Nguyễn Đình Đoàn Bổng chụp cùng chiến sĩ Trường Sa trong chuyến đi công tác năm 2019 |
Dù dùng mạng xã hội trước cả làm báo nhưng tôi chỉ chọn một số nội dung để đưa trên mạng. Đó thường là những nội dung về cuộc sống gia đình, việc học tập, công việc và những dấu mốc đáng nhớ hay sẻ chia một số hoàn cảnh cần giúp đỡ, nhờ cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ.
Bất kỳ ai đưa thông tin lên mạng xã hội đều có trách nhiệm với phát ngôn hay nhận định của mình. Phóng viên cũng vậy, họ không phải trường hợp ngoại lệ. Ngoài ra, bản thân là người làm báo, tiếp cận thông tin bằng sự kiểm chứng nên tôi nghĩ hơn ai hết, phóng viên đủ tỉnh táo để kiểm chứng và sử dụng mạng xã hội một cách chuẩn mực. Hơn thế nữa, các quy định chung về thông tin trên mạng xã hội đã bao trùm cả hoạt động sử dụng mạng xã hội của phóng viên. Ví dụ như hàng loạt trường hợp bị xử phạt hành chính vì đưa tin sai về đại dịch Covid-19 vừa qua.
Việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cũng có cái lợi và hại. Nếu đó là một thông điệp tích cực, truyền cảm hứng thì tăng niềm tin trong xã hội, có tính giáo dục, noi gương; Hoặc những thông tin về các vụ án tham nhũng bị phanh phui sẽ tăng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của chính quyền. Bên cạnh đó, nhiều thông tin mang tính phản cảm, quy chụp, thiên lệch hoặc úp mở, tạo sự hồ nghi sẽ gây hoang mang xã hội. Đây là thời điểm báo chí chính thống phát huy vai trò trên không gian mạng.
Phóng viên Nguyễn Thượng (chuyên trang Pháp luật Plus, báo Pháp luật Việt Nam):
Đừng để việc chia sẻ thông tin tiếp tay cho tội ác
Phóng viên Nguyễn Thượng trong một chuyến công tác miền núi |
Là một phóng viên, bản thân tôi ý thức được rằng nên sử dụng mạng xã hội một cách đúng mực, văn minh và chuẩn xác, có trách nhiệm trong phản biện; Không vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, thói hư tật xấu của người Việt Nam. Khi tham gia mạng xã hội, chúng ta cần phải tự ý thức rằng mỗi hình ảnh, thông tin, lời lẽ mình đưa ra đều có thể ảnh hưởng tới bản thân và người khác. Việc đưa thông tin sai sự thật hay những lời bình luận ác ý, thiếu khách quan trên mạng xã hội dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Đã có không ít trường hợp nữ sinh phải bỏ học, tự tử còn cha mẹ suy sụp tinh thần, không dám bước chân ra khỏi nhà chỉ vì những bức ảnh, lời quy kết, chửi bới, lăng nhục trên mạng xã hội xuất phát từ những thông tin ban đầu thiếu căn cứ.
Việc đưa các đường link của bài báo lên mạng xã hội là cách để tăng lượt tương tác, tăng lượng độc giả cho tác phẩm cũng như tờ báo. Tuy nhiên, khi chia sẻ, chúng ta cần suy nghĩ các thông tin đó tác động tiêu cực hay tích cực tới cộng đồng. Cùng với đó, chúng ta không tùy tiện chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội, thậm chí an ninh quốc gia.