Nhà cao tầng cũng lo... ngập lụt
Ở nhà cao tầng vẫn... tát nước
Thời gian qua, để giảm ngập khi có mưa, đơn vị chức năng tại TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều công trình duy tu, sửa chữa hệ thống cống, kênh rạch, cửa xả... và vận hành trạm bơm cố định để tăng cường khả năng thoát nước.
Để chuẩn bị ứng phó mùa mưa năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã duy tu sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước.
Nhiều tuyến đường của TP HCM có nhiều chung cư, khu căn hộ cao cấp nhưng vẫn rơi vào cảnh ngập lụt |
Việc kiểm tra khả năng thoát nước của các cao ốc có tầng hầm trên địa bàn thành phố được giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước và UBND các quận, huyện trước mùa mưa phải hoàn tất công tác kiểm tra khả năng thoát nước của các tòa nhà cao tầng có tầng hầm để có giải pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập khi gặp trời mưa lớn.
Đối với các công trình nhà cao tầng có tầng hầm phải có biện pháp chống ngập tầng hầm. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát lại hoạt động của các máy móc, thiết bị nhằm đảm bảo cho việc bơm tiêu nước trong tầng hầm, công tác an toàn sử dụng điện, công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy trong tầng hầm.
Nỗ lực chống ngập thời gian qua của thành phố đã từng bước giảm được số lượng điểm ngập, một số điểm không còn tái ngập. Tại các điểm điểm ngập đang tồn tại cũng giảm được độ sâu khi xảy ra ngập, thời gian ngập được kéo giảm.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ năm 2008 đến tháng 5/2022, đã giảm từ 126 tuyến đường thường xuyên ngập nước, còn 19 tuyến đường ngập do mưa, mưa kết hợp triều cường.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng ngập vào mùa mưa và ngập do triều cường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là bài toán chưa có lời giải.
Sau những trận mưa lớn kéo dài không chỉ khiến nhiều tuyến đường và nhà dân tại TP Hồ Chí Minh bị ngập, mà với những cư dân sống tại các căn hộ cao tầng cũng phải thức trắng đêm để “tát nước”.
Mưa lớn tạt vào các cửa kính vào đến trong căn hộ. Để tạm thời ứng phó với tình trạng này, các hộ dân phải dùng vải, quần áo… để chèn cửa, lấy xô để hứng nước, thậm chí có nhà còn dùng keo silicon để bịt các khe hở và luôn túc trực để tát nước ra ngoài, tránh hư hại nội thất trong nhà.
Đáng lo ngại nhất là tình trạng nước mưa tràn xuống gây ngập hầm gửi xe. Bên cạnh đó, cư dân tại các khu nhà cao tầng còn thêm nỗi khổ khi trời mưa bão là tháng máy ngưng hoạt động. Sau mỗi trận mưa bão kèm với gió lốc lớn nên nước mưa tạt vào, gây nên nguy hiểm vì thế nhiều chung cư bộ phận kĩ thuật buộc phải cho khóa thang máy.
Ứng phó với thiên tai tại các khu đô thị mới
Mưa ngập ở TP Hồ Chí Minh là vấn đề lớn không chỉ với khách hàng, mà còn đối với các chủ đầu tư. Điều này đặt ra hàng loạt vấn đề về hạ tầng, trong đó thách thức dành cho các chủ đầu tư là chất lượng và tiêu chuẩn của các tầng hầm các cao ốc có đảm bảo hay không.
Việc nước mưa tràn vào trong nhà là những lỗi kỹ thuật không phải lớn, không ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng công trình, cũng như tuổi thọ của công trình. Tuy nhiên, việc này sẽ làm hư tường, hỏng lớp sơn vôi, thấm trần, gây bẩn nhà… thậm chí, nếu sàn nhà được lát bằng gỗ thì sẽ bị hư hỏng.
Lực lượng chức năng cứu hộ trong trường hợp ngập nước tại các tầng hầm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh |
Do đó, chủ đầu tư nên có khuyến cáo với cư dân mỗi khi mùa mưa bão. Khi thấy trời mưa lớn kéo dài, thấy có khả năng nước sẽ tràn vào nhà thì phải di chuyển ngay các đồ đạc quan trọng dễ bị hư hỏng lên chỗ cao. Đặc biệt, đồ điện, các thiết bị điện, đồ vật có giá trị, giấy tờ, tài liệu quan trọng… và tốt nhất là nên ngắt ngay các thiết bị điện, ga, nước trước khi nước tràn vào.
Hầu hết các chuyên gia quy hoạch, xây dựng đều chỉ ra nguyên nhân dẫn đến ngập úng mỗi khi trời mưa và đáng buồn là tình trạng này lại đang xảy ra tại nhiều khu đô thị mới là do chủ đầu tư không tuân thủ chuẩn cốt nền chung mà lựa chọn các cốt nền khác nhau.
Cụ thể, những khu vực muốn tôn tạo cảnh quan, chủ đầu tư có thể muốn tôn nền cao thì phải tính toán đến việc thoát nước sao cho không ảnh hưởng xấu đến các khu vực xung quanh. Ngược lại, có những khu vực có cao độ thấp hơn, thì nên chọn giải pháp xây dựng đê bao hoặc trạm bơm.
Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ngập lụt còn do hệ thống thoát nước tại các khu đô thị chưa thực sự đồng bộ. Do đó, để dự phòng khi trời mưa lớn hay sự cố xảy ra, các chung cư phải có máy bơm dự phòng, hệ thống hầm chứa nước dự phòng để thu nước mưa.
Ngoài ra còn có vách ngăn di động để “khóa” các cửa hầm, thậm chí còn phải dùng bao cát để ngăn nước. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhiều chủ đầu tư không tiên liệu hết những tình huống phức tạp khi mưa lớn, nên nhiều trường hợp có trang bị cũng như không.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia khuyến cáo, các chủ đầu tư cần có những thay đổi hợp lý trong thiết kế công trình có sẵn để phòng chống ngập.
Ngoài ra, các giải pháp tạm thời khi mưa lớn xảy ra như dùng bao cát chắn miệng hầm, thiết kế ron cao su chắn nước, kéo hệ thống cửa ở miệng hầm để hạn chế nước vào, lắp đặt hệ thống bơm để bơm ngược nước ra ngoài… là những giải pháp tình thế giảm thiểu thiệt hại. Từ thực tế này bắt buộc các chủ đầu tư, đơn vị thiết kế phải xem lại công tác thiết kế để đáp ứng tình hình mới.