Nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được bán mang về
Cụ thể, văn bản của UBND quận Hai Bà Trưng nêu rõ, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn quận trong tuần qua có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện các khu vực dân cư có số ca mắc tăng nhanh tại các phường Phố Huế, Bạch Mai, Cầu Dền, Đống Mác, Đồng Nhân, Lê Đại Hành, Thanh Nhàn, Thanh Lương.
Tại Thông báo số 844/TB-UBND ngày 17/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội đã đánh giá quận Hai Bà Trưng ở cấp độ 3, cụ thể có 1 phường thuộc quận ở cấp độ 3, 11 phường cấp độ 2 và 6 phường cấp độ 1.
Để kịp thời triển khai các biện pháp an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn quận, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, UBND quận Hai Bà Trưng yêu cầu các phòng, ban, đơn vị thuộc quận, UBND 18 phường và các các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức, người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm một số nội dung sau:
Từ 12h hôm nay (19/12), UBND quận Hai Bà Trưng áp dụng thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 của dịch COVID-19.
Cụ thể, quận siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt; Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố và quận.
Quận Hai Bà Trưng áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 |
Quận hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; Khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin; Các đơn vị căn cứ số lượng công việc và mức độ lây lan dịch bệnh để tổ chức phương án làm việc phù hợp, khuyến khích các đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc luân phiên (trừ các lực lượng vũ trang, y tế và các lực lượng khác theo quy định) nhưng không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Phòng họp phải thông thoáng và khử khuẩn trước khi tổ chức, hạn chế dùng điều hòa trung tâm, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách...
Học sinh lớp 12 các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy - học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Còn các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về. Đồng thời, dừng các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời.
Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự thực hiện các hoạt động trực tuyến, trong trường hợp thực hiện bằng hình thức trực tiếp cần tuân thủ điều kiện: Có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Không tập trung quá 20 người. Tuân thủ nghiêm ngặt “5K”, cài đặt và quét mã QR. 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Những người thuộc diện cách ly, theo dõi sức khỏe, có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 không tham gia hoạt động trực tiếp; Có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Các đơn vị tập trung tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khu vực có nguy cơ cao: Khu chung cư, cơ sở khám, chữa bệnh, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở giao nhận hàng hóa, nơi tập trung đông người…; Chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cơ sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ; Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm các quy định.