Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long dí dỏm "Trách ông Nguyệt Lão" bằng album
Album xẩm "Trách ông Nguyệt Lão" của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long
Bài liên quan
Ca sĩ Triệu Trang ra mắt 9 album đúng ngày 9/9/2019
Ca sĩ Đinh Trang ra mắt album nhạc cách mạng mừng Quốc khánh 2/9
Thạc sĩ thanh nhạc Phạm Mai Hiền Xuân trình làng album đầu tay về tình mẹ
Đoan Trang hé lộ lý do 10 năm không ra album mới
Những sáng tác chọn lọc của Nguyễn Quang Long
Album gồm 9 bài xẩm, đều là những sáng tác của Quang Long. Trong đó, có 3 bài được khai thác từ thơ của hai thi sĩ thuộc hai thế hệ mà anh cảm thấy đồng điệu về tâm hồn đó là Nguyễn Bính và Hồng Thanh Quang để lồng điệu xẩm trở thành những bài hoàn chỉnh là "Chân quê" (Nguyễn Bính), "Thôi em cứ việc lấy chồng" và "Nghĩ kỹ mà xem" (Hồng Thanh Quang).
Sáu bài còn lại trong album thì có Xẩm "Bốn mùa hoa Hà Nội" (sáng tác cùng Hồ Điệp) nhóm Xẩm Hà Thành phát hành MV vào mùa xuân năm 2016 và trở nên quen thuộc với khán giả.
Bài Xẩm "Phố thu" được Nguyễn Quang Long sáng tác dành riêng cho nữ danh ca Thu Phương và chị đã thể hiện bài Xẩm "Tàu điện" này đầy ấn tượng trong liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát của mình vào 11/11/2016 tại Hà Nội.
Sau đó Xẩm "Phố thu" được khai thác vào các gameshow âm nhạc truyên truyền hình nên bài xẩm đã đến với đông đảo công chúng yêu âm nhạc nói chung, chứ khổng chỉ công chúng yêu xẩm.
"Duyên phận tơ vòng" là bài xẩm đa tính cách, vừa trữ tình nội tâm lại vừa tươi mới và pha chút dí dỏm. Đây là bài xẩm Nguyễn Quang Long sáng tác chỉ hơn 3 tuần trước khi album được phát hành.
Bài xẩm này được sáng tác dành tặng riêng cho nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, đồng sáng lập nhóm Xẩm Hà thành và là người bạn đồng hành quan trọng với anh trên con đường âm nhạc truyền thống.
Cũng chỉ chừng 1 tháng trước, bài xẩm "Ơ này, em gì đấy ơi!" trẻ trung, tươi vui được Nguyễn Quang Long sáng tác sau khi chứng kiến tình cảm của một người bạn trẻ dành cho tình yêu của mình. Anh dự định sẽ tách riêng bài này để giới thiệu cùng công chúng trong dịp Valentine 14/2/2020 tới đây.
Các nghệ sĩ tham gia trình diễn tại buổi họp báo album "Trách ông Nguyệt Lão" của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long |
Cũng đề tài về tình yêu, "Trách ông Nguyệt Lão" là một bài xẩm trữ tình có giai điệu và lời ca đẹp nói về tình yêu. Lời ca bao gồm hai phần, phần đầu được Nguyễn Quang Long khai thác từ vốn thơ ca dân gian và và phần sau anh tự sáng tác để trở thành một bài xẩm hoàn chỉnh theo cảm xúc của mình.
Có một bài tương đối đặc biệt, Xẩm "Dặn con" được sáng tác theo điệu "Thập ân". Đây là cảm xúc của Nguyễn Quang Long với tư cách là một người cha dù công việc có bận rộn đến thế nào thì cũng luôn lo lắng cho những đứa con thân yêu của mình.
Cũng như biết bao người cha người mẹ khác, thông qua bài xẩm Quang Long gửi gắm thông điệp dù sau này có thế nào thì điều quan trọng nhất là phải thành người, phải sống tử tế và phải luôn sống lương thiện.
Điều đặc biệt, album “Trách ông Nguyệt Lão” này bênh cạnh giọng của Nguyễn Quang Long còn góp mặt những giọng ca danh tiếng, điều này tạo nên sự đa dạng trong phong cách âm nhạc của album.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ về album "Trách ông Nguyệt Lão" của mình |
Đó là nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa (thể hiện "Duyên phận tơ vòng"), NSND Thúy Ngần – một người mặt của làng Chèo thể hiện Xẩm "Dặn con" và nữ danh ca Thu Phương thể hiện Xẩm "Phố thu". Ngoài ra, Mai Tuyết Hoa, Khương Cường và Quang Long cùng nhóm Xẩm Hà Thành thể hiện bài Xẩm "Bốn mùa hoa Hà Nội".
Như vậy, 9 bài xẩm nằm trong album là những sáng tác chọn lọc của Nguyễn Quang Long trong giai đoạn từ 2016 cho tới 2019. Thông qua album cũng nói lên được phần nào bức tranh âm nhạc mà Nguyễn Quang Long không ngừng cống hiến cho đời sống âm nhạc trong hơn hai thập niên qua.
Một album nhạc cổ truyền phù hợp người nghe giai đoạn hiện nay
Đó chính là mong muốn của Nguyễn Quang Long khi thực hiện album này. Đồng thời cũng là quan điểm âm nhạc của anh.
Nguyễn Quang Long quan niệm: Dù là nghệ thuật nào thì cũng không thể sống được nếu không tiếp tục khơi nguồn dòng chảy để nó phù hợp với nhu cầu mang tính thời đại. Chính vì thế muốn nối dài sự sống cho âm nhạc truyền thống nói chung, xẩm nói riêng càng cần phải tạo nên những sản phẩm mang tính nghệ thuật tích hợp nhiều yếu tố khác nhau, hài hòa giữa nghe và xem.
Nhiều MV của nhóm Xẩm Hà Thành thực hiện có hình ảnh vừa đậm tính truyền thống lại vừa được sử dụng kỹ thuật làm MV phổ biến của âm nhạc đại chúng hiện nay đã thu hút được sự quan tâm của công chúng ít nhiều nói lên được điều này.
Ngay như album "Trách ông Nguyệt Lão", toàn bộ phần hình ảnh do nhà thiết kế Cao Minh Tiến thực hiện. Đảm nhiệm phần thiết kế bìa đĩa cùng Cao Minh Tiến còn có Nguyễn Hữu Thắng.
Trong khi âm nhạc, bên cạnh những giọng hát được nhiều người yêu mến thì còn là các nghệ sĩ tài năng tham gia dàn nhạc như: NSƯT Xuân Hải, Phạm Dũng, Hải Đăng, Phạm Trang… của nhóm Xẩm Hà Thành, cùng các nghệ sĩ cộng tác viên như: NSƯT Trọng Thủy, NSƯT Phạm Văn Chính, NSƯT Nguyễn Thanh Hùng…
Phần thu âm được thực hiện tại phòng thu của nghệ sĩ Phạm Trường Linh và Ninh Kiên studio; phần mix và master do Ninh Kiên đảm nhận.
Có một điểm khá đặc biệt và độc đáo của những bản thu âm đó là do đặc thù của hát xẩm nên toàn bộ các bản thu âm này đều được thu theo lối mộc, người hát và nhạc cụ chính cùng thể hiện và thu âm trực tiếp chứ không hòa âm trước để tạo thành bản nhạc beat sau đó nghệ sĩ mới thu phần hát như cách thu phổ biến hiện nay.
Chính đặc điểm này là nên nét riêng tạo cho người nghe cảm giác như đang được nghe nhóm xẩm trình diễn trước mặt.
Ngay sau buổi họp báo ra mắt album “Trách ông Nguyệt Lão”, Nguyễn Quang Long cùng nhóm Xẩm Hà Thành và ekip quay phim đạo diễn bắt tay vào thực hiện một MV mới cùng tên album tại Hà Nội và Bắc Ninh để chào đón năm 2020, năm thứ 1010 của Thăng Long – Hà Nội.
Album “Trách ông Nguyệt Lão” được giới thiệu đúng những ngày tháng cuối cùng của năm 2019 mang ý nghĩa đặc biệt đối với Nguyễn Quang Long đó là ghi dấu ấn hành trình 25 năm đi theo âm nhạc chuyên nghiệp, 20 năm theo nghiệp nghiên cứu, lý luận âm nhạc.
Trong ấn phẩm đặc biệt này, Nguyễn Quang Long đã dành không gian để tri ân 3 người thầy đã dẫn lối anh đến với âm nhạc, đó chính là người cha Nguyễn Ngọc Tưởng thân yêu đã đưa anh đến với những nốt nhạc lời ca đầu tiên; nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh (Bắc Ninh) - người đã nâng cánh cho anh những tháng ngày đầu tiên ở Học viện Âm nhạc và PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh - người đã khuyến khích anh đi theo con đường lý luận âm nhạc.