Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ: Giải pháp hiệu quả giúp người dân ứng phó với thiên tai
“Đai an toàn” của người dân
Đợt thiên tai mưa lũ, bão lịch sử diễn ra vào tháng 9, 10 tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Song hành cùng việc tổ chức tìm kiếm người mất tích và cứu trợ thì việc khôi phục, phục hồi sau thiên tai đang được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, các Bộ ngành, nhất là chính quyền địa phương và Nhân dân khẩn trương thực hiện.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hội nghị khẩn cấp phục hồi sản xuất nông nghiệp cũng như cử nhiều đoàn công tác cùng nhiều chuyên gia về hướng dẫn trực tiếp cho các địa phương phục hồi, tái thiết sau thiên tai.
Bộ cũng đã tiến hành hướng dẫn việc khôi phục lại nhà cửa để đảm bảo an toàn trong bão, lũ, ngập lụt cũng như đưa ra các giải pháp phòng tránh đảm bảo an toàn trong lũ quét, sạt lở đất và khôi phục, phòng chống sạt lở bờ biển bị tàn phá trong đợt mưa, bão vừa qua...
Việc xây dựng công trình nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ là hết sức cần thiết |
Tiếp nối các hoạt động đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội thảo khoa học về “Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ”; “Giải pháp đảm bảo an toàn trong lũ quét, sạt lở đất”; “Phòng chống sạt lở ven biển”, do ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng chủ trì, cùng sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, trường Đại học Khoa học tự nhiên; Quỹ nhà, Quỹ Cộng đồng phòng chống thiên tai; Một số tổ chức quốc tế và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Miền Trung là khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ. Cứ sau mỗi đợt thiên tai chúng ta tiến hành sửa chữa tái thiết nhà cửa nhưng cơn bão sau vào, lũ xảy ra lại làm tan hoang, cuốn trôi. Do vậy, việc xây dựng công trình nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ là hết sức cần thiết.
Hiện nay, ở miền Trung còn 223.008 nhà không an toàn trước bão; 152.820 nhà không an toàn trước lũ. Giải pháp quan trọng nhất là người dân tích cực xây dựng nhà cửa, chủ động gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước thiên tai và khôi phục nhà cửa sau thiên tai.
Từ chương trình chính sách theo Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, người dân 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn với mức hỗ trợ 12 - 16 triệu đồng/hộ; Vay tối đa 15 triệu đồng/hộ trong 10 năm.
Nhà ở phải đảm bảo sàn cao hơn mức ngập lụt cao nhất, diện tích tối thiểu 10m2; Kết cấu kiên cố, mái bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão. Đến tháng 10/2020, Nhà nước đã hỗ trợ 19.350/21.600 hộ.
Hội thảo khoa học về “Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ” do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức |
Bên cạnh đó, nhà ở an toàn từ dự án quốc tế (dự án GCF cho nâng cao năng lực hứng chịu của người dân ven biển miền Trung) hỗ trợ 1.700 USD, đối ứng theo mức hỗ trợ của Quyết định 48 và kinh phí người dân. Mỗi địa phương thiết kế, ban hành 6 mẫu nhà ở an toàn để người dân lựa chọn. Kết quả đã hỗ trợ hơn 3.440 nhà cho các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Ngoài ra, còn có 795 nhà ở an toàn từ các tổ chức xã hội (Sống Foundation). Đại diện Quỹ Sống Foundation giới thiệu các mẫu nhà với từng cấp bão, ngập lũ với định mức xây dựng phù hợp với khả năng của nhiều người dân…
“Nhà an toàn trước bão, lũ phải đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đủ chỗ ở và sinh hoạt (nghỉ ngơi, ăn ngủ, vệ sinh); Có chuẩn bị thực phẩm, nước uống, bếp ăn, thuốc men; Đảm bảo an toàn công trình trước thiên tai”, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
Mở rộng đối tượng thụ hưởng
Nhờ việc mang lại hiệu quả cao trong công tác ứng phó với bão lũ, những mô hình nhà an toàn cho vùng bão, lũ được triển khai rộng rãi ở khắp các địa phương trong đó có tỉnh Quảng Bình.
Thôn Mỹ Hòa, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là địa phương bị ngập lụt nặng nhất, cũng là nơi nước rút muộn nhất của tỉnh sau trận bão lũ kinh hoàng vừa qua. Hầu hết tài sản của người dân trong vùng lũ bị nước cuốn trôi. Bên cạnh đó, hàng nghìn hộ gia đình vẫn an toàn, tự bảo vệ được tính mạng, tài sản. Ðó là nhờ những ngôi nhà được xây dựng theo phương châm "Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp" từ Quyết định 48/2014/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người nghèo ở 14 tỉnh miền trung xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
Một căn nhà an toàn của người dân vùng lũ Quảng Bình |
Trong trận bão vừa qua, gia đình chị Dương Thị Trình ở thôn Mỹ Hòa, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy đã an toàn nhờ căn nhà vượt lũ. Từ 15 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với chút tiền dành dụm, gia đình chị cất được căn nhà vượt lũ. "Cũng may có căn nhà này mà ở không thì gia đình chẳng biết nương tựa vào đâu", chị Trình chia sẻ.
Khi lũ về, cả thôn có tới 90% số gia đình bị ngập, toàn xã bị cô lập nhiều ngày. Căn nhà của chị còn mở cửa cho nhiều bà con làng xóm thôn Mỹ Hòa, xã Sơn Thủy cùng trú ngụ. Thực tế, không riêng các gia đình nêu trên được bình an, gần 2.500 ngôi nhà vượt lũ khác ở Quảng Bình vẫn trụ vững sau trận lũ lịch sử vừa qua.
Đánh giá cao chủ trương đúng đắn của Chính phủ và sự triển khai hỗ trợ quyết liệt từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện chính quyền địa phương khẳng định, trận lũ lụt lịch sử vừa qua càng cho thấy rõ tính hiệu quả của những căn nhà vượt lũ. Việc xây những căn nhà này giúp các hộ nghèo yên tâm sản xuất.
“Đây là mô hình có thể nhân rộng để mở rộng diện hỗ trợ nhà vượt lũ cho bà con, bảo đảm chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tai”, ông Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy nói.
Liên quan đến việc hỗ trợ nhà ở cho người dân vùng bão, lũ miền Trung, ông Hà Quang Hưng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần phân biệt rõ 2 nhóm đối tượng, đó là nhóm đủ điều kiện kinh tế để xây dựng nhà ở an toàn cho gia đình (chỉ cần làm sổ tay hướng dẫn); Nhóm không đủ điều kiện xây dựng nhà ở an toàn cần phải có sự hỗ trợ của Nnhà nước, đặc biệt là vấn đề cơ chế, chính sách.
Về mặt chính sách, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định 48 trình Chính phủ ban hành theo hướng: Mở rộng đối tượng cho hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn mới; Mở rộng phạm vi điều kiện hỗ trợ trên 28 tỉnh ven biển; Nghiên cứu đề xuất tăng mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương cũng như vốn vay từ ngân hàng chính sách; Nâng cao điều kiện tối thiểu về nhà ở phù hợp với sự phát triển, vệ sinh môi trường… bổ sung mô hình nhà tránh bão cộng đồng theo hướng mỗi xã có một nhà ở tránh bão cộng đồng.