Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam "bất tuân" quy định của Chính phủ?
Nhà xuất bản lý giải nguyên nhân 2 bộ sách giáo khoa lớp 2 “biến mất” Nhà xuất bản Giáo dục công bố giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình "Đọc xuyên mùa hè 2021" |
"Ngó lơ" nghĩa vụ công bố thông tin doanh nghiệp
Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (trước đây là Nhà xuất bản Giáo dục) là doanh nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn. Đơn vị này hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học; Giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác thiết bị giáo dục và thư viện trường học trên toàn quốc.
Là doanh nghiệp Nhà nước, theo quy định, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải công bố thông tin định kỳ về chiến lược phát triển; Kế hoạch sản xuất, đầu tư; Báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng...
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước và Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp của Chính phủ, việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước phải đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp; Bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan Nhà nước và xã hội.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam "ngó lơ" nghĩa vụ công bố thông tin doanh nghiệp |
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải định kỳ công bố thông tin mục tiêu tổng quát, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch kinh doanh hằng năm đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt theo nội dung quy định của pháp luật.
Cùng với đó, là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải định kỳ công bố báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm và ba năm gần nhất tính đến năm báo cáo theo nội dung quy định của pháp luật.
Đồng thời, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng phải định kỳ công bố báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích được giao theo kế hoạch hoặc đấu thầu (nếu có) và trách nhiệm xã hội khác theo nội dung quy quy định của pháp luật; Báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, công ty cũng phải định kỳ công bố thông tin báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức 6 tháng của doanh nghiệp theo nội dung quy định của pháp luật. Công ty cũng phải công bố báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức hằng năm của doanh nghiệp theo nội dung quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn cũng phải định kỳ công bố báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có) theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng phải có trách nhiệm công bố thông tin báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có) theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp.
Về hình thức và phương tiện công bố thông tin doanh nghiệp Nhà nước có thể được thể hiện bằng văn bản hoặc dưới dạng dữ liệu điện tử và phải được công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cổng thông tin doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Mập mờ nguồn thu từ sách giáo khoa?
Theo ghi nhận của phóng viên, trong nhiều năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không công bố báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh hằng năm trên website của công ty lẫn cơ quan quản lý vốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo dù có tóm lược số liệu tài chính. Về báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thực hiện công bố nhưng không đầy đủ, năm có năm không.
Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đâu khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam "phớt lờ" Nghị định của Chính phủ? |
Đáng nói, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không công bố thông tin doanh nghiệp đầy đủ, đặc biệt là các báo cáo tài chính hằng năm khiến dư luận đặt nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh sách giáo khoa của đơn vị này. Trong khi việc tăng giá sách giáo khoa đang là vấn đề gây bức xúc với phụ huynh học sinh cũng như công chúng trong thời gian qua.
Trong một báo cáo tóm tắt, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, doanh thu từ sách giáo khoa năm 2017 đạt 704 tỷ đồng, năm 2018 là 734 tỷ đồng và năm 2019 là 967 tỷ đồng. Năm 2020 dù chưa công bố nhưng đơn vị này ước thu từ kinh doanh sách giáo khoa là 1.010 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, vừa qua, trả lời báo chí, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng có những vấn đề cần kiểm tra, làm rõ.
Do đó, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nói chung và quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng.
"Tôi đã chỉ đạo triển khai việc này từ 2021 và hiện nay các cơ quan liên quan đang thực hiện nhiệm vụ", ông Sơn chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 26/5 vừa qua.
Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không công bố thông tin doanh nghiệp đầy đủ là trái với Nghị định 81/2015/NĐ-CP và Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp của Chính phủ. Trách nhiệm thuộc về ban lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/12/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có nội dung về Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo đó, bên cạnh những ưu điểm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 - 2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện quy chế làm việc; Công tác tổ chức cán bộ; Tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; Biên soạn sách giáo khoa...
Để tìm hiểu về việc không công bố thông tin doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc này, phóng viên đã liên hệ trao đổi với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua phóng viên không nhận được phản hồi từ các đơn vị trên.