Nhà xuất bản Phụ nữ "xả kho" dịp 8/3
Chỉ với 50.000 đồng, độc giả có thể sở hữu bộ sách "Liêu trai chí dị" với bản dịch được xem là đầy đủ nhất, hay nhất từ trước tới nay của dịch giả Cao Tự Thanh
Bài liên quan
Xuất bản "Những cú nhảy nghề nghiệp"
Hãy thực hành thuyết trình bất kì nơi nào
Những cuốn sách bổ ích và lí thú ra đời trong dịp 20/11
Cùng "Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp"
Từ 2-10/3/2019, Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức Hội sách nhân dịp kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Với chính sách giảm giá sâu trong đợt này, Nhà xuất bản Phụ nữ mong muốn thúc đẩy văn hóa đọc bằng việc hướng độc giả chọn sách làm quà tặng.
Sẽ có những cuốn sách đồng giá 5k, 10k, 15k, 20k... Chính sách hiết khấu 40% được áp dụng cho các đầu sách mới, ngoài ra khách hàng cũng được tặng sổ xé cho đơn hàng từ 300k.
Chương trình được áp dụng tại các cửa hàng giới thiệu sách của Nhà xuất bản Phụ nữ: 39 Hàng Chuối, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội; Gian hàng NXB Phụ nữ tại Phố sách Hà Nội, Q. Hoàn Kiếm; 16 Alexandre De Rhodes, Q.1, TP Hồ Chí Minh; Gian hàng NXB Phụ nữ tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này NXB Phụ nữ cũng gửi tới độc giả nhiều đầu sách mới được xuất bản.
Sau tập hồi kí "Tầm xuân", với PGS.TS Đặng Anh Đào - con gái của GS. Đặng Thai Mai, đó là cái quá khứ, mà "khi đi qua đó, ta chỉ thấy những gì trẻ trung, sống động, có thể đau buồn, nhưng không có sự câm lặng và chết chóc. Dù cho tất cả những gì thuộc về quá khứ của tôi có tầm thường, dù cho tôi chỉ là một nhân chứng nhỏ bé với tầm nhìn hạn chế đi chăng nữa...", hơn mười năm sau, bà lại tiếp tục mạch hồi ức đó trong một cuốn hồi kí mới với một tinh thần mới mang tên: "Hoài niệm và mộng du".
Cuốn hồi kí gồm có bảy phần là hành trình từ những kí ức tuổi thơ Mùa hè-Biển thứ nhất của đời tôi, Từ mùa đông đến mùa thu, Người ra đi đầu không ngoảnh lại, tiếp tục với Đường tản cư qua bao suối lạ sông ngàn, Đường vô xứ Nghệ quanh quanh cho đến khi Hòa bình trở lại và đoạn Vỹ thanh - chu kì của đời người.
"Hoài niệm và mộng du" được Đặng Anh Đào viết bằng lối văn phong hóm hỉnh, duyên dáng và thật sự trong trẻo. Tác giả cứ xưng "tôi" mà dẫn dắt người đọc trải qua từng chặng đường đời của mình với nhiều bất ngờ và thú vị. Đây không chỉ đơn giản là một cuốn hồi kí mà chắc hẳn nó là cuốn tư liệu văn hóa hấp dẫn với tất cả các bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi để nhìn lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước thông qua cuộc đời cụ thể của một người phụ nữ điềm đạm, thông minh và rất mực nhân hậu.
Trong thời đại công nghệ, ai cũng thích sở hữu một chiếc smart phone; và đương nhiên các quý ông chồng hẳn không thể nào kìm lòng trước một bà vợ smart wife. Nhân vật Tùng trong truyện ngắn "Smart wife - Vợ ảo" của tập truyện cùng tên của Kiều Bích Hậu cũng thế.
Đàn ông hãy thôi ngay mơ mộng về một người vợ xinh đẹp, thông minh, nấu ăn ngon, dịu dàng, nhẹ nhàng, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con đi. Kiều Bích Hậu tinh quái cứ nhẹ nhàng mà bóc mẽ sự hoang đường của đàn ông với các truyện "Bạn đời", "Đối tác", "Chọn chồng"...
Tập truyện ngắn như một tiếng nói đanh thép về nữ quyền. Đã đến lúc phụ nữ cần tỉnh táo để lựa chọn bạn đời, lựa chọn tình yêu, lựa chọn bến đỗ hạnh phúc theo cách mà mình muốn và mình thực sự hạnh phúc với lựa chọn đó.
Bên cạnh đó, nữ nhà văn cũng đề cập đến trào lưu những người phụ nữ theo "ngọn gió này mang dòng người Việt thầm lặng đến phương Tây, thèm khát đổi đời" và khi va chạm với nền văn hóa phương Tây thì sẵn sàng biết Ngược gió để "về lại quê nhà, về với khu vườn quen thuộc, nơi chị tha hồ trồng cây cỏ, nơi em tha hồ chạy chơi mà không lo bị tấn công".
"Không khóc ở Seoul" gồm 11 truyện ngắn đặc sắc của Võ Thị Xuân Hà, được một số nhà văn và chuyên gia ngôn ngữ Trung Quốc tuyển chọn và xin phép tác giả dịch sang tiếng Trung. Có những truyện viết đã lâu, có những truyện mới ra gần đây. Đều là những truyện viết về phụ nữ Việt. Có thể trong con mắt của những người nước ngoài, chuyện về nước Việt chính là chuyện của những người đàn bà.
Tuy là những truyện ngắn rời, nhưng tập sách như một cuốn phim thu lại khá đầy đủ các sắc diện lịch sử cận hiện đại Việt Nam, mà trong đó, người phụ nữ luôn là vai chính, dẫu chỉ quan sát hay trực tiếp dự phần, họ hiện lên sống động, rất đời, người đọc có thể nhìn thấy họ ở bất cứ đâu trong cuộc sống quanh mình.
Các bản dịch được chau chuốt kĩ lưỡng và ngữ nghĩa chuẩn xác, cố gắng bảo lưu tối đa hành văn và phong cách của tác phẩm gốc. Trong tủ sách phục vụ việc học tiếng Trung Quốc hiện nay, "Không khóc ở Seoul" không chỉ là một tập truyện ngắn bình thường, mà thực sự là một tài liệu hiếm hoi và hữu ích đối với những người dạy và học tiếng Trung Quốc, bởi từ trước đến nay đa phần chỉ có tác phẩm dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt, mới có rất ít tác phẩm được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung, lại càng chưa có tác phẩm song ngữ nào được xuất bản.
Hi vọng "Không khóc ở Seoul" sẽ được độc giả của cả hai nước đón nhận và trở thành một trong những tác phẩm đi tiên phong trong việc giới thiệu văn học Việt Nam đến với bạn đọc quốc tế.