Nhạc sĩ Hoàng Dương - người lưu giữ một Hà Nội sang trọng và thơ mộng
Hà Nội xưa đẹp thơ mộng hiện lên trong tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Dương (ảnh internet)
Bài liên quan
Hà Nội: Người đàn ông tử vong sau khoảng 30 phút chui vào bể nước ngầm thau rửa
Hà Nội sẽ rà soát quy trình quản lý an ninh nguồn nước
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nhà phân phối phải chịu trách nhiệm với chất lượng nước sạch
Cùng bảo vệ môi trường với “Đổi rác lấy quà” của tuổi trẻ Hai Bà Trưng
Tinh hoa để lại cho đời
Chính vì sự kì diệu ấy, ca khúc “Hướng về Hà Nội” suốt bao nhiêu năm qua luôn nằm sâu trong trái tim người yêu nhạc, dù họ đang sống ở nơi đây hay đi xa, hoặc chưa bao giờ được đặt chân đến Hà Nội. Cũng với chỉ một ca khúc ấy, nhạc sĩ Hoàng Dương đã có chỗ đứng không thể thay thế trong làng âm nhạc Việt Nam.
Những ngày này, khi Hà Nội đang chuẩn bị bước vào mùa đông thứ 1009 thì nhạc sĩ Hoàng Dương đã rời xa Thủ đô và người yêu nhạc được 2 năm. Người đã về cõi nhớ nhưng tinh hoa còn lại mãi với đời.
Bởi, ca khúc “Hướng về Hà Nội” của ông vẫn là một trong những giai phẩm về Thủ đô. Khi nào người ta còn hát nó thì cái tên Hoàng Dương vẫn còn được vang lên. Nghệ sĩ và người nghe vẫn nhớ đến nhạc sĩ đã sáng tác nên tác phẩm để đời ấy.
Trái tim người nhạc sĩ, người con của Thủ đô gắn bó cả đời với mảnh đất này luôn rung lên những xúc cảm chứa chan để viết nên những ca khúc ngợi ca quê hương mình như “Quân về Hà Nội”, “Hà Nội mến thương”, “Hà Nội, mùa xuân tình yêu”…
Tuy vậy, “Hướng về Hà Nội” vẫn là đỉnh cao trong suốt cuộc đời sáng tác của Hoàng Dương. Còn nhớ, chục năm về trước, một sớm mùa thu, đi trên đường Bà Triệu ở Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Dương nói với tôi rằng, ông viết ca khúc này vào năm 1954, “ghi lại nhiều tâm sự với Hà Nội trong những ngày trẻ trung và đa cảm”.
Nhạc sĩ Hoàng Dương |
Khi ấy, Hoàng Dương mới hơn 20 tuổi, phải rời Hà Nội, rời người con gái Hà Nội mà ông yêu tha thiết, sơ tán về một làng quê ven đô. Ông bảo đó không chỉ là kỷ niệm, là cảm xúc của ông khi phải xa nhà những ngày kháng chiến mà với ông, dường như thuở ấy có tiếng gọi vô hình nào đó dẫn lối.
Ông kể, lúc đó, bản thân luôn bị ám ảnh bởi "quầng sáng" khi đứng dõi về Hà Nội. Trong một đêm nghe pháo dội về nội thành, cảm xúc lo lắng, bồi hồi, nhớ nhung khôn xiết dâng tràn khiến ông ngồi viết một mạch:
“Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi… Hà Nội ơi! Biết người còn có trông mong/ Hướng về ai nữa hay không/ Những ngày xa vắng bên sông/ Hà Nội ơi! Kiếp người muôn hướng mây trôi/ Nhớ về người những đêm rơi/ Nhắn theo ngàn cánh chim trời...”
Như một dòng suối nhỏ được tuôn ra từ nỗi nhớ nhung khôn xiết, mọi cảnh sắc rất Hà Nội được lướt qua đầy yêu mến. Đó là hàng liễu rủ, là tiếng guốc trên vỉa hè, là mái trường phượng vĩ dâng hoa, là những khi lửa khói trùm lên thành phố, hay cả khi tàn hương chinh chiến trong ước mơ của người nhạc sĩ…
Ca từ giản dị mà vẽ nên được một Hà Nội đầy sang trọng, hào hoa, thơ mộng và lãng mạn cho người nghe mãi mãi về sau còn được biết đến một Thủ đô một thời chưa xa.
Ở “Hướng về Hà Nội”, chiến tranh được đề cập đến ở khía cạnh chia phôi “chim đã xa bầy, mịt mờ phương trời bay” cứa sâu vào lòng người cảm xúc rưng rưng, thê thiết nhưng chính trong hoàn cảnh đó, Hà Nội vẫn toát lên nét kiêu sa, huyền hoặc rất đô thị của mình.
Nhạc phẩm có sức hút lớn
Bài hát đến với công chúng qua giọng hát của nữ ca sĩ Kim Tước trong ban nhạc Hoàng Trọng. Sau đó, ca khúc được lan truyền rộng rãi trên cả nước và cả ở nước ngoài.
Ca khúc được NXB Tinh Hoa ở Huế ấn hành và tái bản nhiều lần. Một thời gian dài, các giọng ca Mai Hương, Duy Trác đã chinh phục người nghe bằng giai điệu trữ tình của “Hướng về Hà Nội”.
Sau đó, có rất nhiều ca sĩ trong và ngoài nước đã thể hiện thành công bài hát này như Thu Hà, Ánh Tuyết, Trần Hiếu, Lê Hằng, Khánh Hà, Thanh Hằng, Hồng Nhung… Đặc biệt, khi nghe tài tử Ngọc Bảo thể hiện ca khúc này, nhà thơ Quang Dũng đã nhắn Ngọc Bảo rằng muốn gặp bằng được tác giả ca khúc.
Khi Hoàng Dương đến, Quang Dũng đã ôm chầm lấy ông mà nói rất chân thành rằng: "Cảm ơn Dương, mặc dù mới được gặp cậu lần đầu nhưng tâm hồn của chúng ta đã rất giống nhau. Tớ cảm nhận được rất nhiều sự đồng điệu trong đó".
Tôi đã hỏi ông, rằng ai là ca sĩ thể hiện ca khúc “Hướng về Hà Nội” mà ông thích, nhạc sĩ Hoàng Dương tâm sự chân tình: “Vợ tôi vẫn thích nghe Khánh Hà hát. Còn tôi, Hồng Nhung hát tôi cũng thích. Ca sĩ Lan Anh gần đây nữa. Lê Dung cũng hát “Hướng về Hà Nội”. Đó là một giọng hát chỉn chu, âm sắc thì hay rồi, sang trọng lắm. Chỉ tiếc, chị ấy đã ra đi, không còn gặp lại được nữa…”
Đã có nhiều người cho rằng “Hướng về Hà Nội” là một ca khúc hay vào loại nhất trong các ca khúc trữ tình viết về Hà Nội. Chắc hẳn không ít người – trong đó có tôi cũng đồng tình với nhà thơ Ý Nhi để mà “vào những chiều muộn, những đêm, những ban mai yên tĩnh” muốn được một mình lắng nghe những giai điệu ấy “như lắng nghe tiếng gọi hồn Hà Nội, lắng nghe lời cầu ước, lắng nghe chính lòng mình”.
"Với tôi Hà Nội mãi mãi là một giấc mơ đẹp mà biết đâu đến giờ mình vẫn chưa tỉnh", nhạc sĩ Hoàng Dương đã từng tâm sự với Ánh Tuyết như vậy.
Nghệ sĩ Ánh Tuyết, một trong những người thể hiện rất thành công ca khúc "Hướng về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Dương |
Để viết nên “Hướng về Hà Nội”, ngoài cảm xúc thăng hoa, Hoàng Dương còn có một nền tảng văn hóa vô cùng vững chắc.
Ông là con trai của một nhà văn hóa Thủ đô: nhà văn Trúc Khê Ngô Văn Triện. Bên cạnh các ca khúc, ông còn viết nhiều tác phẩm cho đàn violoncelle, piano, accordéon, clarinette… được biểu diễn và dùng trong giáo trình các khoa của Nhạc viện, như “Vũ khúc mùa xuân”, “Tây Nguyên tươi đẹp” (accordeon), sonatine “Bài thơ Hạ Long”, “Mơ về trái núi Thiên Thai (cello và piano), tổ khúc “Tiếng hát sông hương” (cello và dàn nhạc).
Nữ nghệ sĩ Ánh Tuyết từng viết về kỉ niệm của mình với nhạc sĩ Hoàng Dương đầy xúc cảm: “Khoảng 40 năm trước, thuở mới theo nghiệp ca sĩ, tôi hát Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương với sự hình dung mơ hồ về một không gian đẹp, thâm trầm và nỗi buồn mênh mang, bảng lảng sương khói.
Năm 1994, tôi ra Hà Nội quay video tác phẩm này. Khi đó, tôi hát với tâm thế hoài cổ, vọng về những thời khắc xưa đồng hiện giữa cuộc sống đương đại. Còn bây giờ, sau nhiều năm từng có cơ hội gặp gỡ "cha đẻ" tác phẩm, tôi nhận ra bài hát là sự kết hợp tuyệt vời giữa cảm xúc và lý trí, giữa ký ức và nỗi niềm hiện thực, giữa những điều đã qua và những gì còn lại của Hà Nội, của tâm cảm một người nhạc sĩ lão thành đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp văn nghệ”...
Ánh Tuyết cũng cho biết, rất nhiều người đã tâm sự với chị cảm xúc của họ về bài hát. Họ nói nhạc phẩm có một sức hút lớn, tạo nên khoảng lặng riêng biệt mà bất cứ ai đã chạm vào cứ bị hút vào vòng xoáy vô hình ấy. Vòng xoáy đưa con người ta về thật sâu miền tiềm thức để mỗi người yêu Hà Nội có thể ấp ủ một dư ảnh riêng cảm về Thủ đô trong trái tim.
Nhạc sĩ Hoàng Dương sinh năm 1933 tại Từ Liêm, Hà Nội. Ông là hội viên của Hội nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc Hà Nội, là Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, công tác nhiều năm tại Nhạc viện Hà Nội.
Ông cũng là người có công đầu trong việc xây dựng bộ môn đàn Violoncelle hơn 40 năm, kể từ ngày đầu của trường Âm nhạc Việt Nam, góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn violoncelle.