Nhạc sĩ Hồng Đăng - Người “định vị” hoa sữa với Hà Nội
Hoa sữa, loài hoa đặc trưng cho mùa thu Hà Nội
Bài liên quan
Công tác dân vận được Hà Nội thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực
Hà Nội – cầu nối tiêu thụ nông sản đặc sản của cả nước
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo đời sống người dân quanh khu xử lý chất thải Nam Sơn
Phương Oanh cùng Ngọc Thanh Tâm trở thành quán quân “Mỹ nhân hành động”
Viết hoa sữa khi chưa nhìn thấy… hoa sữa
Dù ở nhiều nơi trên đất nước mình đều có hoa sữa, thậm chí nhiều nơi phải chặt đi vì “nạn hoa sữa”, thế mà ở Hà Nội hoa sữa vẫn cứ là “đặc sản”. Mỗi mùa hoa sữa về Hà Nội như lãng mạn hơn, dịu dàng hơn.
Người có công đầu trong việc tôn vinh hoa sữa, tôi đồ rằng, không ai khác ngoài nhạc sĩ Hồng Đăng. Sở dĩ nói Hồng Đăng là người “định vị” loài hoa sữa cho Hà Nội bởi trước ông, cây hoa sữa đã tồn tại như muôn vàn loài cây khác nhưng chưa ai đưa nó vào nhạc, lại càng chưa có ai gắn hoa sữa với đất rồng bay.
Chỉ đến khi Hồng Đăng viết về hoa sữa và bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” phát sóng, thì loài hoa ngạt ngào hương ấy mới chợt trở nên quyến rũ đến mức ám ảnh người ta như thế. Điều đặc biệt là, khi nhận lời viết nhạc cho phim, trong đầu Hồng Đăng chưa hề có ý tứ rõ ràng. Thậm chí Hồng Đăng còn chưa biết tới hoa sữa màu sắc, mùi vị ra sao.
Nhạc sĩ Hồng Đăng |
Lúc này ông cũng lo lắng lắm nhưng âm nhạc nói riêng và sáng tạo nghệ thuật nói chung đều không thể gò ép, và thường nó đến vào những lúc mình không ngờ nhất. Bởi vậy, ông không cố tình làm ra những sản phẩm mình không ưng ý cho xong việc.
Ông mủm mỉm thú nhận: “Tôi nhận lời viết nhạc cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” của đạo diễn Đức Hoàn nhưng cho tới lúc phim quay gần xong mà tôi vẫn chưa tìm được tứ nhạc. Bỗng một hôm có bạn nhà thơ tới chơi, gợi ý rằng ở Hà Nội có loài hoa sữa rất thơm nhưng ít người để ý”.
Trong tâm hồn nhạc sĩ thoảng gợi lại hình ảnh đẹp về những nam thanh nữ tú đất Hà thành, cũng thoảng gợi chút nhớ nhung về những mối tình đã trở thành dĩ vãng… “Trong đêm ấy, tôi ngồi vừa hình dung loài hoa này, vừa chắp cánh cảm xúc và viết xong nhạc cho toàn bộ bộ phim, trong đó bài “Hoa sữa” nói về đôi nam nữ yêu nhau rồi xa nhau nhưng không thể quên được mùi hoa kỉ niệm” – nhạc sĩ Hồng Đăng tâm sự.
Bản tình ca “Hoa sữa” đã ra đời vào khoảng cuối năm 1978. Người đầu tiên thể hiện ca khúc này là nghệ sĩ Lê Dung, sau này thì “danh sách” các ca sĩ thể hiện “Hoa sữa” còn dài: Nhã Phương, Thanh Hoa, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương,… Có điều thú vị, phải nhiều năm sau khi ca khúc đã trở nên phổ biến, nhạc sĩ Hồng Đăng mới biết “mặt mũi” cây hoa sữa.
Loài hoa đặc trưng của mùa thu Hà Nội
Sau khi phim được khởi chiếu, sự thành công của "Hoa sữa" đã khiến nó có sức sống riêng, tách ra khỏi bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” và được phổ biến rộng rãi. Sau này, nhiều ca sĩ cũng đánh dấu tên tuổi của mình với “Hoa sữa” như Nhã Phương, Thanh Hoa, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung…
Tuy nhiên, nhạc sĩ Hồng Đăng cũng rất thành thực rằng đây không phải là đỉnh cao nghệ thuật của ông nhưng ông hài lòng vì nó đã sống cùng thời gian. Kỳ diệu hơn nữa, nó đã khai sinh ra một loài hoa đã trở thành biểu tượng của Hà Nội, loài hoa của những đôi tình nhân người Hà Nội: hoa sữa, dù rất nhiều nơi trên đất nước mình có trồng loài hoa này.
Nhiều người xa Hà Nội, vẫn hát bài hát này như một kí ức không thể nào quên về Thủ đô. Điều đặc biệt là “Hoa sữa” được xếp vào trong số các ca khúc hay nhất viết về Hà Nội mặc dù không hề có bất cứ một danh từ, một địa điểm nào của Hà Nội.
Hoa sữa- loài hoa biểu tượng cho mùa thu Hà Nội |
Đã thành thói quen, cứ mùa thu đến, người Hà Nội và cả người ở phương xa lại mặc định trong đầu rằng đã đến mùa hoa sữa. Thậm chí, các cô cậu sinh viên lãng mạn còn phải chở nhau lên phố Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Du, nơi trồng nhiều cây hoa sữa để được là người reo lên những tiếng đầy phấn khởi khi phát hiện ra những chùm hoa và mùi hương đầu tiên của mùa thu.
Đã có một thời, một số người “than trời” vì cứ đến cuối thu đầu đông, hoa sữa đậm đặc đến nỗi ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của họ. Đến độ, có người còn lén chặt hạ cây hoa sữa đi.
Âu đó cũng là mặt trái của tình yêu. Khi thấy hoa sữa là loài hoa biểu tượng của Hà Nội, người ta đã quá yêu mà muốn nhân lên thật nhiều hình ảnh ấy nên đã vô tình làm hại hoa sữa và làm hại chính người dân.
Sự điều chỉnh kịp thời về quy hoạch cây xanh trong thành phố cũng đã cải thiện được rất nhiều hình ảnh, để loài hoa này vẫn là đặc trưng của mùa thu xứ này.
Trong khi đó, năm nay, mùa thu Hà Nội lại có vẻ như “mất mùa” hoa sữa. Bởi lẽ, tháng 5 vừa qua hoa đã lác đác, rải rác nở trái mùa khiến cho bao người sững sờ, ngỡ ngàng. Chính vì thế, năm nay, đã cuối thu rồi hoa sữa vẫn chưa về rầm rộ khiến mọi người càng ngóng đợi.
Trong vô vàn cách ngóng, hát lại bài hát khi xưa cũng là cách để hoa sữa gần hơn với mình.
Người nhạc sĩ tài hoa
Bài hát tuy ngắn nhưng người ta có thể hát đi, hát lại không chán. Càng hát, lại phục người nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác ra tác phẩm này. Hồng Đăng tài hoa và nhiều tài lẻ thực sự.
Những năm 1950, ông là học sinh kháng chiến ở liên khu IV và đã sáng tác những ca khúc đầu tay như “Nắng về Tây Bắc”, “Nhớ ơn cụ Hồ”, “Đời học sinh”...
Sau hoà bình lập lại, về Hà Nội, ông học lớp Sáng tác khoá đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Thời gian này ông đã có nhiều ca khúc nổi tiếng như “Đường đi có nắng mặt trời”, “Giữa mùa sa nhân”, “Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn” (lời cùng Nguyễn Liệu)... và một số tác phẩm khí nhạc.
Từ đó đến nay, ông đã sáng tác hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Đặc biệt, ông đã sáng tác nhạc được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: “Lênh đênh”, “Nỗi nhớ đêm đại dương” (phim “Những hạt muối của biển”), “Biển và cô gái tôi chưa quen” (phim “Những ngôi sao nhỏ”), “Không gian xanh” (phim “Vùng trời”)...
Mùa thu Hà Nội lãng mạn cùng hoa sữa |
Cũng chính bởi “có duyên” với nhạc phim như vậy, Hồng Đăng còn lập một kỷ lục thú vị khác: là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam!
Nhạc sĩ Hồng Đăng năm nay đã qua tuổi 83, vui vẻ với hạnh phúc tuổi già của mình. Tôi vẫn nhớ, cuộc trò chuyện với ông chục năm về trước, Hồng Đăng đã ấp iu một mong ước, sẽ có ai đó tinh chế từ hoa sữa để làm thành một thứ nước hoa – một thứ nước hoa mang phong vị Hà thành.
“Hoa sữa”, hẳn nhiên không chỉ là chút kỷ niệm hay ký ức cá nhân về thời trai trẻ nồng nàn yêu đương, mà một cách nhớ thương theo kiểu Hồng Đăng với Hà Nội – mảnh đất không phải là quê hương “chôn nhau cắt rốn” nhưng đã gắn bó với ông, nâng đỡ và làm nên tên tuổi ông như bây giờ.
Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại Yên Thành, Nghệ An. Ông nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV và V; Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc (từ 1989) và tờ Thế giới Âm nhạc (từ 1996).
Ông còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn Nghệ Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Giao lưu Văn hoá Việt - Nhật.
Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy''.