Nhạc sĩ Phú Quang đã rời xa những mùa đông Hà Nội
Nhạc sĩ Văn Ký qua đời ở tuổi 92 |
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, quê ở Thạch Thất, Hà Nội. Ông sinh ra ở Phú Thọ nhưng lớn lên ở Hà Nội. Sinh thời, nhạc sĩ không biết chính xác ngày sinh của mình, sau khi sinh ông được 3 tháng, mẹ ông mới đi làm giấy khai sinh. Ngày 13/10/1949 là ngày bà mẹ Phú Quang làm khai sinh cho ông.
Nhạc sĩ Phú Quang đã rời xa những mùa đông Hà Nội |
Khi đã trở thành nhạc sĩ, ông sáng tác bài "Sinh nhật đen" để nói về ngày sinh nhật của chính mình. Ông tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor tại Nhạc viện Hà Nội, sau đó công tác tại một số đơn vị như: Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Phòng Ca Múa Nhạc Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM…
Năm 1986 ông vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Ông từng chia sẻ, chính thời gian xa Hà Nội này nỗi nhớ Hà Nội chưa từng nguôi ngoai trong ông, đặc biệt vào mùa đông. Đây là lý do nhiều ca khúc hay về Hà Nội ra đời.
Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội, chẳng vậy có người nói ông chính là "người thư kí của Hà Nội". Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như "Em ơi, Hà Nội phố" (thơ Phan Vũ), "Hà Nội ngày trở về" (thơ Thanh Tùng), "Im lặng đêm Hà Nội" (thơ Phan Thị Ngọc Liên), "Một dại khờ, một tôi" (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Ngoài ra, ông có series "Chuyện bình thường" lấy cảm hứng từ một người yêu cũ.
Nhạc sĩ từng chia sẻ ông chỉ sáng tác khi trái tim thực sự rung động. Nhạc phẩm của ông giàu cảm xúc nhưng có cơ sở nhạc lý vững chắc. Ông thần tượng các ông hoàng nhạc cổ điển như Chopin, Mozart, Tchaikovsky... Trong nước, ông ngưỡng mộ nhạc sĩ Hoàng Vân. Thanh Lam, Ngọc Anh 3A, Tấn Minh, Đức Tuấn, Lê Anh Dũng, Minh Chuyên... là những giọng ca gắn bó với ông.
Ngoài ra, ông còn sáng tác khí nhạc và nhạc phim "Khi mùa thu đến" trong phim "Vị đắng tình yêu", bài hát phim "Bao giờ cho đến tháng mười"...
Hàng năm, nhạc sĩ Phú Quang đều đặn tổ chức hai liveshow vào mùa xuân và mùa đông, thu hút đông đảo khán giả. Năm 2008 ông về lại Hà Nội. Từ khi lâm bệnh nặng, ông ít xuất hiện trước công chúng. Theo gia đình kể lại, dù sức khoẻ không tốt nhưng ông vẫn miệt mài làm việc. Đôi lúc đãng trí nhớ nhớ quên quên chuyện thường nhật nhưng ông nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc. Đặc biệt, nhạc sĩ là người kỹ tính, rất ghét ai hát sai lời, nhạc của mình.
Kể từ khi lâm bệnh nặng vào giữa năm ngoái, ông phải dùng máy thở, nằm phòng vô trùng. Con gái ông cho biết trước khi mất, nghệ sĩ phải ăn qua ống xông, yếu sức nhưng ông vẫn nhận ra người thân. Hồi tháng 7, gia đình tổ chức tiệc sinh nhật cho ông, ông vui vì được nhận hoa và quà.
Nhiều đồng nghiệp, bạn bè bàng hoàng trước tin buồn. Ca sĩ Đức Tuấn nói thời gian qua, nghe bệnh tình Phú Quang trở nặng, anh hy vọng có phép màu xảy ra nhưng theo thông báo của gia đình, sức khỏe ông ngày một yếu đi. Lần cuối anh trò chuyện với ông vào đầu năm, lúc đó cả hai bàn về đĩa nhạc Phú Quang thứ hai, sau đĩa "Hà Nội và em khi thu chớm đông sang" họ làm chung, ra mắt năm 2018. "Ông đang viết nhạc thì bệnh lâm nặng hơn, mọi thứ đến giờ đã vĩnh viễn dang dở", anh nói.
Ca sĩ Cẩm Vân lặng người khi được báo tin. Ca sĩ nói trong tâm tưởng chị giờ vang lên giai điệu "Em ơi, Hà Nội phố" - một trong những ca khúc Phú Quang đầu tiên chị thu. Dù cơ duyên làm việc trực tiếp không nhiều, Cẩm Vân hát khá nhiều nhạc phẩm của ông, Dạ khúc là một trong những bản thu chị tâm đắc. Trong ký ức của Cẩm Vân, nhạc sĩ hiền lành, kiệm lời, kỹ tính trong nghề, đối đãi với đồng nghiệp hào sảng.
Thời gian mới quen ông, dù lúc đó chồng chị - ca sĩ Khắc Triệu - chưa đi hát, ông vẫn mời thu âm, ghi hình để làm kỷ niệm. Lần cuối chị gặp ông vài năm trước, trong đêm nhạc "Duyên dáng Việt Nam" ở Hà Nội. "Lúc đó, anh đã yếu, nắm tay tôi mà run run, nhưng ánh mắt vẫn sáng rực khi kể về chuyện nghề", Cẩm Vân cho biết.
Ca sĩ Tấn Minh nói trong thời gian nhạc sĩ nằm viện, anh thường ghé thăm. Chiều 30 Tết năm ngoái, khi anh vào, ông không còn nói được. Khi anh cầm tay trò chuyện, mắt ông ngấn nước. "Sự ra đi của chú là mất mát lớn lao với tôi. Tôi hạnh phúc và biết ơn cuộc đời này đã cho gặp chú để tôi được thăng hoa với những tác phẩm âm nhạc. Cám ơn chú đã tin tưởng tôi gần như tuyệt đối", anh cho biết.
Tấn Minh lần đầu được nhạc sĩ mời tham gia chương trình vào năm 1993. Khi nghe anh hát thử, ông gật gù: "Mày hiểu chú đấy". Từ đó, cả hai song hành trong nhiều dự án âm nhạc và cả đời sống. Khi nhạc sĩ thực hiện liveshow, album, ông đều gọi anh. Năm 2013, anh phát hành album Vol.3 Những tình khúc Phú Quang, nhận được nhiều lời khen ngợi của công chúng.