Nhân lực chất lượng cao đóng góp lớn cho sự phát triển Thủ đô
Góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, anh Trần Thế Nghĩa, học viên Cao học chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, trường Đại học Luật Hà Nội, đánh giá cao sự đóng góp của đội ngũ lao động là nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố trong thời gian qua.
Theo anh Nghĩa, trong bốn thập kỷ sau đổi mới, Hà Nội đã ngày càng khẳng định giá trị của mình với tốc độ tăng trưởng vượt trội trong mọi lĩnh vực đời sống. Sự tăng trưởng ấy có phần đóng góp rất lớn từ đội ngũ lao động là nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Đặc biệt, Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn.
Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn |
Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gia tăng tích cực về số lượng và chất lượng. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả quan trọng trong thực hiện đột phá về phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổng số các trường học trên địa bàn Hà Nội là hơn 2.800 trường, tăng 466 trường so với năm 2010.
Về giáo dục đại học, trên địa bàn Hà Nội hiện có 97 trường đại học, học viện và 33 trường cao đẳng, chiếm 1/3 số trường và 40% tổng số sinh viên cả nước, riêng 4 quận lõi trung tâm thành phố có 26 trường. Với hệ thống các trường đại học, cao đẳng này, Hà Nội có khoảng 660.000 sinh viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thành phố đã xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ trương quan trọng trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Cụ thể, bên cạnh các trường công lập, Hà Nội đã đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc biệt là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút hơn 94 dự án, trong đó 52 dự án đang hoạt động, thu hút gần 9.000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 người lao động tham gia học tập và làm việc.
Đồng thời, thành phố hiện có 4 trường dạy nghề được quan tâm đầu tư với một số nghề trọng điểm hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Trong vài năm qua, trường Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong top 1.000 trường đại học danh tiếng nhất thế giới.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia đạt mức 80-85%. Tính đến tháng 7/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố là 72,5%, nhiều ngôi trường khang trang, hiện đại, đạt chuẩn về mọi mặt.
Thành phố cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đầu tư trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là trường chất lượng cao. Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trên địa bàn thành phố có 362 cơ sở dạy nghề, tăng 110 cơ sở so với năm 2010; số học viên hằng năm đạt trên 200 nghìn.
Số trường cao đẳng là 67 cơ sở, tăng 47 cơ sở so với 2010; đào tạo hàng năm khoảng 50 ngàn sinh viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng tăng, năm 2020 đạt 70,25%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 48,5%.
Ngoài ra, để trọng tâm hóa, chuyên môn hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng với các trường cao đẳng công lập thuộc thành phố Hà Nội đã lựa chọn 29 nghề trọng điểm (14 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ ASEAN, 14 nghề cấp độ quốc gia) để đào tạo, chú trọng hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉ lệ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu việc làm sau đào tạo, bồi dưỡng đã tăng cao. Số lượng tuyển sinh và đào tạo cho 214.550 lượt người, đạt 95,6% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021; có 187.760 học sinh tốt nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Với việc tăng đáng kể các cơ sở dạy nghề chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế đã góp phần thúc đẩy số lượng tuyển sinh hằng năm đạt ngưỡng trên 200.000 học viên, đào tạo hàng năm khoảng 50.000 sinh viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng tăng, năm 2020 đạt 70,25%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 48,5%11.
Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hằng năm, từ 71,1% năm 2021 lên 72,23% năm 2022 (tăng 1,13%). Tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 50,2% năm 2021 lên 52,5% năm 2023 (tăng 2,3%).
Số lượng sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt cao. Các ngành nghề sinh viên ra trường được các doanh nghiệp tuyển dụng 100% là: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ sơn ô tô, tự động hóa.
Bên cạnh đó, nhiều cử nhân tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc từ các trường đại học đã trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đầu vào cho các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và ở thành phố Hà Nội. Đặc biệt là nhóm sinh viên tốt nghiệp từ các chuyên ngành y khoa, sư phạm, luật, quản lý hành chính Nhà nước.
Mô hình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có nhiều đổi mới để phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.
Từ những kết quả đó, anh Trần Thế Nghĩa đánh giá, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao là đặc biệt quan trọng với Thủ đô. Nhìn nhận đến những hạn chế, tồn tại, anh Nghĩa cho rằng nhiều chương trình đào tạo còn chưa sát thực tiễn, xa rời thực tế. Có tới 90% sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc nhưng doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Quy mô đào tạo theo cơ cấu ngành còn chênh lệch, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đa lĩnh vực của Thủ đô.
"Điều 16 về thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước", anh Nghĩa nói.