Thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị và TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo |
Sức mạnh chi phối bước tiến của nền kinh tế
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Thuý, Đại học Luật Hà Nội, Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu đến 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho Thủ đô, đặc biệt là đảm bảo bộ máy chính quyền tinh gọn, phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền Thủ đô thì phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC), trọng dụng nhân tài là việc làm cần thiết.
Làm rõ vai trò của việc phát triển nguồn NLCLC đối với sự phát triển của Thủ đô, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Thuý cho rằng: Việc thu hút, phát triển nguồn NLCLC có ảnh hưởng, tác động lớn đến sự phát triển của cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật của Thủ đô bởi giúp dịch chuyển cơ cấu lao động, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Thuý tham luận tại hội thảo |
Theo bà Thuý, với các điều kiện thế mạnh để phát triển về công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao, Thủ đô Hà Nội càng cần đến chất lượng cao từ trí tuệ, công sức đóng góp, năng lực, trình độ, phẩm chất của người lao động, tạo sức hút lớn từ các nhà đầu tư cho đến khách du lịch... giúp tăng GDP xứng tầm với vị trí, vai trò là trung tâm phát triển về kinh tế, xã hội của cả nước.
“Nguồn NLCLC được xác định là yếu tố trung tâm trong hệ thống các nguồn lực phát triển, như tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài chính, nguồn lực khoa học - công nghệ. Do đó, nguồn NLCLC có vai trò quan trọng trong việc thực hiện những bước nhảy vọt, giúp Thủ đô Hà Nội có thể rút ngắn về thời gian, ứng dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ của thế giới. Trên cơ sở đó hướng đến phát triển nền kinh tế tri thức giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá, đạt được các mục tiêu đề ra” - Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Thuý nêu.
Nhấn mạnh, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa vấn đề chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn NLCLC là một chính sách đúng đắn, cần thiết đối với Hà Nội hiện nay, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Thuý đề xuất bổ sung 4 nội dung. Trong đó, dự thảo cần quy định rõ hơn khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn NLCLC...
TS. Trần Thị Quyên tham luận tại hội thảo |
Cùng đó, quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn NLCLC, ít nhất là ở 3 chế độ: Thu nhập, nhà ở, vị trí việc làm phù hợp.
“Hiện nay, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa quy định rõ nội dung về chế độ, chính sách riêng cho NLCLC, mới chỉ có chế độ tiền lương thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói chung. Cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác mới có thể giữ NLCLC làm việc lâu dài tại Thủ đô”- Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Thuý nhấn mạnh.
Đảm bảo quyền lợi với các chính sách khả thi
Đưa ra thực trạng chính sách thu hút nguồn NLCLC trong khu vực công tại Việt Nam, TS Trần Thị Quyên cho rằng: Pháp luật về thu hút nguồn NLCLC cần mở rộng đối tượng thuộc diện thu hút, đó là những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.
TS. Trần Thị Quyên cũng nhấn mạnh, việc thu hút được các tài năng làm việc trong khu vực công chỉ là điều kiện cần nhưng để giữ chân người tài thì cần phải có môi trường làm việc phù hợp với năng lực của họ.
Quang cảnh hội thảo |
Theo TS Quyên, trong các quy định hiện nay, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước về vấn đề này chưa được đề cập hoặc đề cập nhưng chưa rõ ràng.
Trong dự thảo Nghị định về thu hút nhân tài, Khoản 1 Điều 19 chỉ nêu khá chung chung: “Căn cứ vào quy định của Nghị định này, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cụ thể hóa tiêu chí xác định người có tài năng theo ngành, lĩnh vực; chương trình đào tạo, bồi dưỡng người có tài năng thuộc ngành, lĩnh vực; các chế độ trọng dụng, đãi ngộ khác đối với người có tài năng phù hợp với quy định của pháp luật”.
Vì vậy, nếu Nhà nước không đặt ra các quy định cụ thể cho việc bảo đảm quyền lợi về môi trường làm việc (yếu tố quyết định cho sự tồn tại bền vững của nguồn NLCLC) thì chính sách thu hút nhân tài khó có tính khả thi.
Về giải pháp, theo TS Quyên, ngoài việc cần xây dựng bảng lương riêng cho các nhân tài cao hơn từ 3 đến 5 lần so với bảng lương của những người cùng vị trí việc làm tương tự; thì pháp luật cần quy định quy trình thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao sao cho đơn giản, tập trung vào bước làm rõ “yếu tố nhân tài”.
Về việc giữ chân nhân tài, Nhà nước cần đầu tư mũi nhọn cho giáo dục thay vì chỉ chủ yếu đầu tư theo chiều rộng như hiện nay.
Rõ hơn các tiêu chuẩn, điều kiện
Tham luận tại hội thảo, TS Tạ Quang Ngọc nêu, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới nhất đã thể hiện nhiều điểm mới, khắc phục nhiều hạn chế, bất cập của Luật năm 2012; đặc biệt trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao được thể hiện thông qua Điều 16 dự thảo.
Tuy nhiên, TS Tạ Quang Ngọc cho rằng dự thảo cần làm rõ hơn một số từ ngữ như “năng lực vượt trội”, “cống hiến đặc biệt”, “tài năng đặc biệt” để làm rõ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện của nhân tài, nhân lực chất lượng cao, tăng tính khả thi của chính sách, định hướng cho việc quy định chi tiết về nội dung này.
TS Tạ Quang Ngọc tham luận tại hội thảo |
Bên cạnh đó, chính sách thu hút NLCLC của Thủ đô cần rõ về: Vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần và chính sách ưu đãi khác về lương và thu nhập bảo đảm ổn định của nhân lực chất lượng cao so với cán bộ, công chức, viên chức khác; quyền và nghĩa vụ của nhân tài, nhân lực chất lượng cao khi trở thành cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô.
TS Tạ Quang Ngọc nhấn mạnh, chính quyền Thủ đô Hà Nội cần phải xây dựng và thực hiện một quy trình khoa học trong việc tuyển dụng thu hút nguồn NLCLC, trọng dụng nhân tài. Quy trình này phải hướng tới việc xây dựng được nguồn NLCLC, trọng dụng nhân tài cho cả thời kỳ dài, đảm bảo tính kế thừa, tính liên tục...
Ngoài ra, chính sách thu hút nguồn NLCLC, trọng dụng nhân tài cần phải linh hoạt, chủ động, kịp thời, dân chủ, công minh; không phân biệt loại hình đào tạo, lý lịch cá nhân hay dân tộc, tôn giáo, giới tính... ; bảo đảm tạo đột phá và tăng sức hấp dẫn đối với NLCLC, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta. Thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 29/1/2024 của UBND TP Hà Nội về đẩy mạnh thông tin, truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Chủ đề của Hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực để các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ quan báo chí truyền thông thảo luận, đóng góp các ý kiến khoa học về vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; từ đó giúp các cơ quan báo chí truyền thông thông tin sâu hơn về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. |