Nhân rộng mô hình của quận Thanh Xuân trong phòng cháy, chữa cháy
Người dân hưởng ứng mở "chuồng cọp" lối thoát hiểm
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các cấp uỷ Đảng, chính quyền các phường trên địa bàn quận Thanh Xuân đã tích cực phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ gia đình tự dỡ bỏ các lồng sắt (chuồng cọp), nhà tập thể cũ, ban công, lô gia, tầng tum nhà ở riêng lẻ, mở cửa tạo lối thoát nạn thứ 2 trong các hộ gia đình; Tự trang bị dụng cụ chữa cháy…; Đẩy mạnh xây dựng mô hình khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Công chức UBND phường, Công an phường Thượng Đình, bảo vệ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố đi tuyên truyền, kiểm tra và nhắc nhở các hộ dân mở lối thoát nạn, hướng dẫn sử dụng thiết bị chữa cháy |
Ghi nhận của PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, sau khi được tuyên truyền, vận động về công tác PCCC và CNCH, nhiều hộ gia đình trên địa bàn quận Thanh Xuân đã tích cực, chủ động tháo dỡ, mở lối thoát hiểm thứ 2. Những gia đình ở khu tập thể cũ đã thuê thợ đến cắt “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm. Ý thức phòng cháy của người dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ đã tự trang bị phương tiện bình chữa cháy, thiết bị báo cháy, mặt nạ phòng độc…
Bà Nghiêm Thị Việt (56 tuổi, ở khu dân cư số 4, cụm 1, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho biết: "Trong tháng 5 vừa qua, nhờ việc vận động, tuyên truyền của cán bộ phường và Cảnh sát PCCC trên địa bàn, gia đình tôi đã mở cửa thoát hiểm trên tum tầng 5; Lắp đặt 2 thang thoát hiểm đề phòng khi có sự cố sự cố cháy nổ xảy ra có thể thoát qua nhà hàng xóm.
Cùng với việc mở thêm cửa thoát hiểm, lắp thang trên tum, gia đình tôi cũng lắp đặt thêm thiết bị báo cháy, mua thêm bình cứu hỏa mini để các tầng và phòng bếp. Ngoài ra, chúng tôi còn được cán bộ PCCC hỗ trợ vẽ sơ đồ thoát hiểm; Xây dựng phương án chữa cháy, thoát nạn khi có sự cố xảy ra.
Các thành viên trong gia đình cũng đã được tham gia lớp tập huấn kỹ năng PCCC và CNCH và được cấp chứng nhận. Đến nay, gia đình tôi cảm thất rất an tâm, không còn lo lắng mỗi khi nghe thông tin về cháy nổ”.
Hộ gia đình bà Nghiêm Thị Việt ở Khương Đình, Thanh Xuân đã mở lối thoát hiểm, mua thang dự phòng khi sự cố xảy ra |
Chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về công tác tuyên truyền, vận động bà con khu dân cư tự trang bị các phương tiện PCCC, mở lối thoát hiểm, ông Trần Phan Mỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân cho biết: Hàng năm UBND phường đã phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy; Hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy, thoát nạn khi sự cố xảy ra để người dân nhận thức rõ nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.
Công an phường Thượng Đình đi tuyên truyền, kiểm tra và nhắc nhở các hộ dân mở lối thoát nạn |
Trong năm 2020, UBND phường Thượng Đình đã thí điểm, vận động người dân xây dựng được một khu dân cư an toàn phòng cháy, với 8 tiêu chí trong đó mỗi hộ gia đình có 2 lối thoát hiểm, có ít nhất một bình chữa cháy; Tổ chức 13 buổi tuyên truyền PCCC tại khu dân cư…
Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2021, UBND phường Thượng Đình đã phối hợp với toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng cháy. Tiếp tục xây dựng thêm 2 khu dân cư an toàn phòng cháy.
Công an phường Thượng Đình đi kiểm tra, vận động người dân mở lối thát hiểm thứ 2 |
Nhiều hộ dân đã mua thêm bình cứu hoả, lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy trong nhà |
“Cùng với việc vận động các hộ gia đình ở những khu tập thể cũ, nhà ở riêng lẻ chủ động mở lối thoát hiểm, mua sắm trang thiết bị PCCC thì phường Thượng Đình cũng hỗ trợ mỗi khu dân cư 5 triệu đồng để các gia đình khó khăn có thể hoàn thiện hệ thống PCCC. Đồng thời, chúng tôi vận động các hộ dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng đạt các tiêu chí về khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Chúng tôi đã liên hệ, thống nhất một đơn vị làm, từ đó giảm giá thành, đẩy nhanh tiến độ để khu dân cư đạt tiêu chí. Khi người dân thấy việc làm này trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của họ thì mọi người đều hưởng ứng nhiệt tình. Các hộ gia đình đã chủ động mở lối thoát hiểm, mua sắm, lắp đặt thiết bị phòng cháy với tinh thần rất phấn khởi.
Hàng năm Công an quận Thanh Xuân tổ chức tập huấn cho nhiều đội chữa cháy tại chỗ (Ảnh tư liệu) |
Phường Thượng Đình đã tổ chức được 26 đội PCCC cơ sở tại khu dân cư, mỗi đội có 10 người là thành viên đội dân phòng, được trang bị bình bình bọt, câu liêm, búa tạ... Hiện UBND phường Thượng Đình đang đề xuất trang bị thêm mặt nạ phòng độc và một số thiết bị khác để lực lượng dân phòng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phấn đấu năm 2022, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy trên toàn địa bàn phường”, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình cho biết.
Tuyên truyền hay làm thay đổi nhận thức về PCCC
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH do Bộ Công an tổ chức sáng 2/7, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết: Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 16.130 căn hộ, nhà ở riêng lẻ người dân làm “chuồng cọp”. Trong đó: Nhà tập thể cũ có 5.617 căn, nhà ở riêng lẻ có 10.513 nhà. Việc làm lồng sắt của người dân nhằm chống trộm cắp, cũng như cơi nới diện tích sử dụng tại các nhà tập thể cũ; Hàn bịt kín lô gia, ban công, tầng tum tại các nhà ở riêng lẻ nhưng không trổ cửa thoát nạn. Trong khi đó, người dân còn thiếu kiến thức và kỹ năng về PCCC, thoát nạn, chưa chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy...
Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Xuân thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn phòng cháy, xử lý tình huống khi xảy ra cháy (Ảnh tư liệu) |
Thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Nội, đã từng xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến căn hộ, nhà ở không có lối thoát hiểm, để lại hậu quả hết sức thương tâm, do nạn nhân không thoát được ra ngoài. Các lực lượng chức năng mất nhiều thời gian và gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận cứu hộ, tổ chức chữa cháy.
Nhận thức được mức độ nguy hiểm và hậu quả do cháy, nổ gây ra đối với loại hình này, Công an quận Thanh Xuân đã tham mưu cho Quận ủy, UBND quận ban hành chỉ thị, kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ, mở cửa thoát nạn trên “chuồng cọp”. Đồng thời, Công an quận cũng chủ động ban hành kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ, mở cửa tạo lối thoát nạn thứ 2 tại các lồng sắt nhà tập thể cũ (chuồng cọp), ban công, lô gia, tầng tum đang bị bịt kín bằng sắt của nhà ở riêng lẻ và tự trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện dưới nhiều hình thức, nội dung đa dạng nhằm tiếp cận đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Sau thời gian thí điểm trên địa bàn hai phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam kết quả đã có 2.736 hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ 2 trên tổng số 4.217 hộ gia đình có “chuồng cọp”, đạt 65% và 2.635 hộ gia đình tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và CNCH.
Diễn tập phòng cháy tại khu chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân (Ảnh tư liệu) |
Đến nay trên toàn địa bàn quận đã có 7.953 nhà có ban công, lô gia, lối lên mái rào kín đã được mở cửa tạo lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp (đạt 49,31%). Nhiều hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc, phương tiện phá dỡ, thiết bị cảnh báo cháy sớm, thang dây, thang rút...
Đáng chú ý, nhiều phường có cách làm hay như: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung, Thượng Đình, Hạ Đình hỗ trợ kinh phí cho người dân mua sắt làm khung cửa, trả tiền thuê thợ cơ khí để hàn cắt mở lối thoát nạn thứ 2; Tổ chức các nhóm thợ đi mở cửa cho từng khu dân cư, biểu dương khen thưởng các hộ gia đình tiên phong, đi đầu trong phong trào.
Hiện tại phong trào đã được nhân rộng và lan tỏa ra toàn quận đến nhiều người nhất là người dân sống tại các chung cư, tập thể cũ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh làm thay đổi nhận thức của người dân, từ đó họ trở thành các tuyên truyền viên tiếp tục vận động các hộ khác thực hiện.
Ngày 30/6 vừa qua, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an gửi thư biểu dương Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã có cách làm hay trong thực hiện cao điểm về “Tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh” do Bộ Công an phát động toàn quốc từ ngày 15/4 đến 15/10/2021. Lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu Công an quận Thanh Xuân phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục nhân rộng phong trào đều khắp toàn địa bàn quận. Công an TP Hà Nội chỉ đạo sơ kết rút kinh nghiệm phong trào của Công an quận Thanh Xuân và phát động, nhân rộng toàn thành phố. Cục Cảnh sát PCCC và CHCN có trách nhiệm giúp Bộ Công an phát động, nhân rộng phong trào này trên toàn quốc, góp phần làm giảm thiểu cháy, nổ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. |