Nhân vật nhí của năm: Nếu em làm được, bất kỳ ai cũng làm được
Nhân vật nhí của năm
Gitanjali Rao đến từ Denver, Colorado, Mỹ. Mới ở lứa tuổi teen nhưng cô bé đã có những phát minh công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực.
Cô bé thực hiện phát minh đầu tiên của mình khi mới 10 tuổi vào năm 2014 đó là phát triển thiết bị đo hàm lượng chì trong nước uống. Đến tháng 5/2019, Gitanjali tiếp tục cho ra mắt một thiết bị khác cho phép phát hiện chứng nghiện Opioid. Nhóm thuốc giảm đau Opioid có tác dụng giảm và cắt nhanh những cơn đau một cách hiệu quả song nếu lạm dụng sẽ gây nghiện và phụ thuộc thuốc.
Chưa dừng lại, nhà phát minh nhí còn đưa ra một ứng dụng và tiện ích mở rộng của Chrome, sử dụng trí thông minh nhân tạo để phát hiện hành vi bắt nạn trên mạng xã hội.
Cô bé đã xuất sắc vượt qua 5.000 ứng cử viên nhí khác ở Mỹ (độ tuổi từ 8 - 16) để trở thành một trong 5 người cuối cùng được đề cử. Vào ngày 11/12 tới đây, Gitanjali và 4 ứng viên còn lại sẽ được vinh danh trong một chương trình truyền hình đặc biệt.
Gitanjali hy vọng cô bé có thể truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Mọi người hãy dám ước mơ, dám nghĩ về những ý tưởng giúp giải “quyết các vấn đề của thế giới” (Ảnh: Time) |
Trong một cuộc phỏng vấn với nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood và là nhà hoạt động nhân đạo Angelina Jolie, cô bé Gitanjali Rao chia sẻ: “Em trông không giống một hình mẫu nhà khoa học trong mắt mọi người. Những gì em thấy trên truyền hình thì nhà khoa học là những người đàn ông lớn tuổi, thường là người da trắng. Mục tiêu của em đã thực sự thay đổi. Không chỉ từ chuyện tạo ra các thiết bị của riêng mình để giải quyết những vấn đề của thế giới, em còn muốn truyền cảm hứng cho người khác”.
Gitanjali Rao cũng cho biết, theo kinh nghiệm cá nhân, khác biệt với những người xung quanh khiến mọi chuyện trở nên không dễ dàng. Vì vậy, cô bé thực sự muốn đưa ra thông điệp đến mọi người: “Nếu em làm được, mọi người cũng làm được, bất kỳ ai cũng làm được”.
Tạp chí Time bắt đầu trao danh hiệu “Nhân vật của năm” vào năm 1927 nhưng đây là lần đầu tiên tạp chí này vinh danh “Nhân vật nhí của năm”. Năm ngoái, nhà hoạt động khí hậu người Thuỵ Điển, Greta Thunberg đã trở thành người trẻ nhất được nhận danh hiệu nhân vật của năm. Cô bé được vinh danh ở tuổi 16.
Những nhân vật nhí truyền cảm hứng
Ngoài Gitanjali Rao, danh sách 5 người cuối cùng được đề cử “Nhân vật nhí của năm” đều có một câu chuyện truyền cảm hứng rất riêng.
Cậu bé da màu Tyler Gordon, 14 tuổi, đã gặp nhiều biến cố trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Cậu bé phải sử dụng xe lăn trong gần hai năm sau khi bị gãy xương chân và hông vì thiếu vitamin D. Gordon còn bị điếc bẩm sinh. Đến khi lên 5 tuổi, cậu bé đã được phẫu thuật để có thể lấy lại một chút thính giác nhưng lại mắc chứng nói lắp. Ở trường tiểu học, cậu bé bị bắt nạt đến mức hầu như không nói được.
Cậu bé Tyler Gordon muốn truyền cảm hứng qua những bức tranh (Ảnh: Time) |
Đến năm 10 tuổi, Gordon đã tìm thấy tiếng nói của mình trong nghệ thuật. Sau khi xem mẹ vẽ tranh, cậu bé quyết định thử sức và giành giải nhất trong cuộc thi nghệ thuật của trường với bức chân dung vẽ thầy hiệu trưởng. Trong bốn năm kể từ đó, cậu bé đã vẽ hơn 500 bức chân dung khác nhau, gần đây nhất là bức tranh về bà Kamala Harris và được Phó Tổng thống đắc cử gọi điện khen ngợi.
Gordon chia sẻ: “Kể từ khi bắt đầu vẽ tranh, cháu không còn là đứa trẻ im lặng nữa. Cháu cũng không còn sợ nói lắp nữa”. Giờ đây, bằng cách bắt đầu tạo nền tảng trực tuyến của riêng mình với các video hướng dẫn có tên là Tongue Tye'd, cậu bé hy vọng có thể hướng dẫn những bạn trẻ khác cách vượt qua thử thách với nghệ thuật như cậu đã từng làm.
Trong top 5, cũng có một trường hợp đặc biệt là Ian McKenna - một thiếu niên 16 tuổi ở Austin bang Texas. Khi đang học lớp 3, cậu bé đã quan sát xung quanh và nhận ra rằng, gần một phần tư số bạn học ở trường không đủ thực phẩm để ăn. Cậu đến tìm sự giúp đỡ ở các tổ chức tình nguyện địa phương nhưng họ đã từ chối vì nói rằng Ian còn quá trẻ. Vì vậy, cậu bé quyết định tự tìm giải pháp riêng.
Ian McKenna rất đam mê với công việc làm vườn (Ảnh: Time) |
Từ chỗ thường xuyên làm vườn cùng mẹ và phân phát những luống rau không dùng hết cho hàng xóm, Ian chợt nảy ra ý tưởng tại sao không tạo ra một khu vườn ngay tại trường để các học sinh hoàn cảnh khó khăn có thể mang thực phẩm về nhà.
Ian đã thuyết phục trường học của mình dành không gian cho một khu vườn. Sau đó, cậu kêu gọi cộng đồng quyên góp hạt giống và các thiết bị. Một số học sinh khác thì đóng góp thời gian và công sức lao động. Chỉ trong vài tháng, khu vườn của Ian đã sản xuất rau diếp, rau bina, cà chua, dưa chuột và bí cho học sinh và gia đình của họ. Bây giờ, bảy năm sau, dự án “Khu vườn cho đi của McKenna” đã được nhân rộng ra năm trường học trong thành phố.
Đại dịch Covid-19 tấn công nước Mỹ, Ian McKenna đã nỗ lực gấp đôi, nấu tới 100 suất ăn để phân phát cho những nguời gặp khó khăn vào dịp cuối tuần. Khi các biện pháp cách ly xã hội được áp dụng nghĩa là các tình nguyện viên không thể làm việc trên các mảnh vườn cộng đồng, cậu bé bắt đầu cung cấp tài liệu hướng dẫn trực tuyến và đường dây nóng về làm vườn để các gia đình có thể tự trồng tại nhà.
Trong hầu hết trong các hoạt động làm vườn của mình, McKenna mặc một chiếc áo phông với màu sắc khác nhau, được tô điểm bằng phương châm cá nhân: “Hãy là một con người tốt”. Đối với cậu, điều đó có nghĩa là giúp đỡ bằng mọi cách bạn có thể, bất kể tuổi tác. Cậu chia sẻ ngay cả một nụ cười cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của một ai đó: “Nó cho họ biết rằng họ quan trọng. Nó có thể thay đổi một ngày của họ”.
Những cây thông Noel đang giữ kỷ lục thế giới TTTĐ - Từ lâu cây thông đã là hình ảnh không thể thiếu trong mỗi mùa Giáng sinh ở nhiều nơi trên thế giới. Cùng ... |
Phát triển du lịch gắn với Outlet TTTĐ - Outlet là mô hình thương mại, bán lẻ thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại các khu Outlet Mall, khách ... |
Tạp chí Time danh tiếng về tay tỷ phú công nghệ với giá 190 triệu USD TTTĐ -Tập đoàn truyền thông khổng lồ Meredith Corporation vừa đồng ý bán tạp chí TIME với giá 190 triệu USD cho cặp vợ chồng ... |