Nhật Bản: GDP có thể giảm 25% vì già hoá dân số
Chính phủ Nhật cần có những chính sách phù hợp để giải quyết tình trạng già hóa dân số. Ảnh: AFP
Bài liên quan
Sau siêu bão Jebi, Nhật Bản lại oằn mình hứng chịu động đất
Nhật Bản mở cửa cho lao động nhập cư
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời báo chí Nhật Bản về quan hệ hai nước
Dân số Nhật Bản hiện nay là hơn 127 triệu người. Nhưng theo Liên Hợp Quốc dự tính đến năm 2065 số người trên lãnh thổ Nhật Bản sẽ chỉ còn lại khoảng 90 triệu dân, tương đương với mức giảm 22%.
Tờ Ashahi Shimbun (Nhật Bản) công bố hiện có 896 huyện tại đất nước mặt trời mọc có nguy cơ bị xoá sổ, tại những nơi số lượng phụ nữ trong tuổi có thể sinh đẻ đã giảm 50%.
Dân số Nhật Bản không những giảm mà còn già đi nhanh chóng. Theo các báo cáo, đến năm 2040, cứ ba người Nhật lại có hơn một người trên độ tuổi 65. Đây là tỷ lệ già hoá dân số cao nhất thế giới. Dân số giảm đồng nghĩa với một thị trường nội địa nhỏ hơn vì có ít người mua sắm hàng hóa và dịch vụ hơn, số nhà cửa mới được xây dựng cũng ít hơn. Già hóa dân số không phải là gánh nặng, nhưng nó sẽ làm cho kinh tế, xã hội trở nên trầm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị, thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng.
Nhật Bản là một trong nhưng quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Ảnh Reuters |
Theo số liệu mà Văn phòng nội các Nhật Bản công bố cho thấy GDP của nước này tăng trưởng âm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng 8 quí liên tục và cũng là dòng tăng trưởng dài nhất kể từ năm 1989. Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới khởi đầu năm 2018 với mức tăng trưởng âm. Năm ngoái, Nhật Bản là nền kinh tế tăng trưởng kém thứ hai trong khối các nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới G7, chỉ đứng trên Italia. Năm nay, Nhật Bản đang hướng đến mức tăng trưởng kém nhất trong số các nước G7.
Hàng năm, IMF sẽ có báo cáo về các chính sách và kinh tế của các quốc gia thành viên để từ đó mỗi quốc gia cái nhìn tổng quan về các quyết sách của mình. Theo IMF, nếu Nhật Bản tiếp tục không có những chính sách cụ thể để cải thiện tình trạng già hóa dân số nhanh chóng như hiện nay sẽ gây cản trở cho tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới. Cụ thể, tổng sản lượng quốc nội (GDP) của đất nước mặt trời mọc có thể giảm hơn 25% trong vòng 40 năm tới do dân số già.
Để giải quyết tình trạng này, IMF đã đưa ra một số khuyến nghị như: Chính phủ Nhật cần tiến hành các cải cách về mặt cơ cấu và điều chỉnh các quy định về thuế, phúc lợi xã hội và các dịch vụ công…để thúc đẩy tỷ lệ sinh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra những chính sách khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động hay cho phép công nhân nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực thiếu hụt lao động.
Cũng trong báo cáo này, IMF dự đoán rằng nền kinh tế của Nhật Bản sẽ tăng 1,1% trong năm 2018 nhưng sẽ chỉ đạt mức 0,9% vào năm 2019, do việc tăng thuế tiêu thụ lên 10% vào hồi giữa tháng 10 vừa qua. IMF cũng ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Shinzo Abe về việc cắt giảm thuế ô tô và nhà ở để làm dịu mức tăng này.