Nhiều tín hiệu tích cực cho đổi mới giáo dục
Đó là những thông tin được trao đổi Hội nghị sơ kết một năm thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp THPT do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 16/5 tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Tỉ lệ học sinh yếu kém giảm mạnh
Năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội có 235 trường trung học phổ thông với hơn 103.000 học sinh lớp 10 học Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh một số môn học bắt buộc, đây là lần đầu tiên học sinh lớp 10 được chọn môn học.
Đồng chí Trần Thế Cương - Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Trong số 9 môn học lựa chọn của chương trình, theo thống kê của Sở, môn Vật lý có nhiều học sinh chọn nhất với tỷ lệ 68,2%; Tiếp đến là môn Tin học với 62,8%; Tỷ lệ học sinh chọn học môn Địa lý là 56,3%; Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật có 55,4% học sinh chọn…
Đây cũng là năm đầu tiên các nhà trường được chọn sách giáo khoa, đề xuất hội đồng lựa chọn sách giáo khoa danh mục sách để đưa vào giảng dạy. Báo cáo từ các nhà trường cho thấy, giáo viên đã kịp thời nắm bắt và làm chủ được ưu điểm của các bộ sách.
Nhờ hệ thống tài liệu phong phú, đa dạng về đa dạng về nội dung, hình ảnh và đồ họa, đi kèm với các công cụ giáo dục điện tử, giáo viên đã có thêm giải pháp giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sinh động và hiệu quả.
Việc làm quen và sử dụng thật hiệu quả các bộ sách giáo khoa mới rất cần có thêm thời gian nhưng với việc nắm bắt và kịp thời làm chủ những ưu điểm của các bộ sách giáo khoa mới đã cho thấy nỗ lực rất cao từ các nhà trường, các thầy cô giáo. Trong bối cảnh còn thiếu giáo viên ở một số môn học mới (âm nhạc, mỹ thuật), nhiều trường đã chủ động khắc phục bằng việc sử dụng giáo viên hợp đồng.
Theo đánh giá chung của các nhà trường, năm đầu tiên thực hiện Chương trình ở cấp trung học phổ thông đã có những tín hiệu tích cực. Được học các môn học theo nguyện vọng, sở trường, chất lượng học tập của học sinh có sự thay đổi rõ rệt. Kết quả sơ kết học kỳ I cho thấy, tỷ lệ học sinh yếu, kém ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học giảm, chỉ còn 0,1% - mức thấp nhất từ trước tới nay.
Báo cáo từ các nhà trường cùng đều khẳng định đã có sự thay đổi trong ý thức và thái độ học tập của học sinh. Học sinh được chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức, được khuyến khích phát huy năng lực sở trường của mình đã đem đến cho các giờ học một sinh khí mới: Chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo.
Các thầy cô giáo là hiệu trưởng các trường THPT tham dự hội nghị |
Đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Thông tư 22 có nhiều thay đổi so với Thông tư 58, tỉ lệ học sinh lớp 10 xếp loại tốt ở học kỳ I năm học 2022-2023 tuy không bằng so với cùng kỳ năm học trước, nhưng tỷ lệ học sinh không đạt đã thấp hơn hẳn.
Chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ giáo viên
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu mỗi thầy cô giáo chuyển từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" hoạt động học của học sinh, thực hiện hiệu quả, triệt để yêu cầu về phương pháp dạy học "học qua làm", trong khi vẫn phải tiếp tục thực hiện Chương trình hiện hành 2006.
Qua công tác kiểm tra giám sát, các cuộc hội thảo, các buổi sinh hoạt chuyên môn, Sở GD&ĐT ghi nhận sự chuyển đổi tích cực trong nhận thức, sự cố gắng nỗ lực của từng thầy cô giáo trong việc đổi mới để đáp ứng triển khai Chương trình GDPT 2018.
Công tác bồi dưỡng, tập huấn chuẩn bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng cũng như làm quen với các bộ sách giáo khoa mới đã được Thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện từ rất sớm, nhưng khi bắt tay thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng.
Từ phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn, giúp nhau cùng khắc phục những khó khăn về đội ngũ trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã được thực hiện.
Rất nhiều trường đã có những sẻ chia đáng quý: trường THPT Việt Đức cử đoàn giáo viên tham gia hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tại trường THPT Minh Phú trong thời gian 1 tháng; trường THPT Trần Phú cùng trường THPT Yên Lãng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; trường THPT Cầu Giấy, THPT Bất Bạt chia sẻ kinh nghiệm giờ dạy qua các bài giảng trực tuyến…
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An tham luận tại hội nghị |
Cũng từ Chương trình GDPT 2018, lần đầu tiên giáo viên toàn thành phố được cùng dự giờ, cùng góp ý trao đổi kinh nghiệm qua tiết dạy của đồng nghiệp, các buổi sinh hoạt chuyên môn tổ chức trên phạm vị toàn thành phố đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức của giáo viên, thúc đẩy quá trình đổi mới trong mỗi giáo viên, tạo được bầu không khí học thuật trong mỗi nhà trường, góp phần định hướng lại sinh hoạt chuyên môn trên phạm vi toàn thành phố.
Đặc biệt với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, chủ biên sách giáo khoa trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, nhiều vướng mắc, băn khoăn của giáo viên đã được chia sẻ, tháo gỡ.
Sự chuyển biến tích cực của đội ngũ giáo viên thể hiện rõ nét nhất qua Hội thi giáo viên dạy giỏi. Từ số liệu bài dạy, hội thi đã cho thấy có sự chuyển mình mạnh mẽ của toàn ngành trong việc tiếp nhận và sẵn sàng cho đổi mới toàn diện Giáo dục theo Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Trong số 102 tiết dạy tại Hội thi, đã có 50 tiết dạy theo Chương trình GDPT 2018. Dù dạy lớp 10 hay lớp 11, 12 các thầy cô giáo tham gia Hội thi đều đã thể hiện sự đổi mới theo yêu cầu của Chương trình GDPT mới.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến đến từ Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố cũng đã làm rõ những kết quả 1 năm thực hiện chương trình cũng như khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Trong đó, một số khó khăn nổi cộm như thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên để triển khai một số môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật; Hạn chế của công tác giáo dục hướng nghiệp ở cấp học dưới khiến học sinh khi vào lớp 10 chưa thể định hướng nghề nghiệp rõ ràng mà chọn môn “theo cảm tính”.
Nhiều nhà trường chưa thể đồng bộ được nhu cầu dạy học với cơ cấu giáo viên hiện có dẫn đến thừa thiếu giáo viên cục bộ…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thế Cương - Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của các nhà trường trong 1 năm đầu triển khai chương trình GDPT 2018. Năm học 2023-2024 là năm thứ hai cấp trung học phổ thông thành phố thực hiện Chương trình, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; Chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh lớp 10. Các nhà trường đặc biệt lưu ý đến việc rà soát cơ sở vật chất, chủ động sửa chữa, nâng cấp những hạng mục nhỏ, trong điều kiện, khả năng của đơn vị để cải thiện môi trường học tập cho học sinh. Với kế hoạch sửa chữa lớn, các đơn vị có báo cáo để Sở báo cáo lên thành phố. Các nhà trường lưu ý đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp; hướng dẫn và hỗ trợ tích cực cho học sinh, phụ huynh chọn môn học phù hợp với tinh thần đáp ứng cao nhất nguyện vọng học tập của học sinh. Đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đề nghị các nhà trường đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng lộ trình chuyển đổi số trong dạy và học; Nâng cao hiệu quả chương trình “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, tăng cường sự giao lưu, kết nối. Các trường học có điều kiện, lợi thế ở khu vực nội thành tích cực hỗ trợ các trường ở ngoại thành chia sẻ những kinh nghiệm trong dạy học để cùng nâng cao chất lượng giáo dục. |