Nhóm ngành “chỉ 2 thí sinh đăng ký” và mối lo thiếu hụt chuyên gia chất lượng
Điểm chuẩn tăng mạnh, thí sinh choáng váng Hà Nội: Hơn 49.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng 79.000 thí sinh thực hành điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến |
Có nhóm ngành chỉ 2 thí sinh đăng ký
Trường Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) hiện đã tuyển sinh xong, có nhiều nhóm ngành số lượng tuyển sinh cao hơn một chút so với chỉ tiêu ban đầu nhưng có những nhóm ngành chỉ tuyển được dưới 10 thí sinh, thậm chí có nhóm ngành chỉ tuyển được 2.
Các nhóm ngành như: Chất lượng cao Địa chất học, Địa chất học, chất lượng cao Hải Dương học, Chất lượng cao Khí tượng và Khí hậu học… của trường ĐH Khoa học Tự nhiên rất ít thí sinh đăng ký. Đặc biệt, những thí sinh điểm cao hầu như vắng bóng.
Một giờ dạy trực tuyến của giảng viên Khoa Địa chất (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) |
Tại trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, theo số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào 26 ngành học trong năm 2021, các ngành Lâm học, Lâm sinh, Lâm nghiệp Đô thị có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tương đối ít.
Theo số liệu thống kê của Vụ Giáo dục đại học tại Hội nghị tuyển sinh năm 2021, các ngành khoa học khối nông lâm nghiệp và thủy sản thuộc nhóm ngành có tỷ lệ tuyển sinh thấp với tỷ lệ nhập học trung bình năm 2019 là 32,6% và năm 2020 là 43,91%.
Năm 2021, mặc dù số liệu tuyển sinh chính thức chưa được công bố nhưng có nhiều cơ sở giáo dục tiếp tục thông báo tuyển sinh bổ sung. Điều này cho thấy những nhóm ngành này đang gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Thực trạng một số nhóm ngành ít thí sinh đăng ký cũng đang diễn ra ở nhiều trường đại học hiện nay và toàn rơi vào những ngành quan trọng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản dẫn tới các ngành học này chưa được người học lựa chọn bao gồm: Thiếu chính sách thu hút người học ở cấp vĩ mô; Người học có xu hướng lựa chọn các ngành thuộc khối kinh tế thay vì các ngành học thuộc khối kỹ thuật đặc thù.
Thực trạng một số nhóm ngành khó tuyển sinh đang diễn ra ở nhiều trường đại học (Ảnh minh hoạ) |
Có một thực tế là những nhóm ngành này, điểm đầu vào tương đối thấp nhưng đòi hỏi nhân lực về kiến thức, nghiên cứu, chất lượng lại cao, có những thí sinh đăng ký vào chỉ để chống trượt đại học. Còn một nghịch lý nữa đang diễn ra là một số nhóm ngành như Địa chất học, Khí tượng và Khí hậu học… là những ngành cực ít thí sinh đăng ký nhưng lại có nhiều doanh nghiệp đặt hàng đào tạo.
Được biết, năm học 2020-2021, ngành Địa chất (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) có 5 sinh viên ra trường và cả 5 em đều có việc làm ngay. Nhiều công ty đang rất cần nhân lực ngành này nhưng không có sinh viên.
Đào tạo theo hướng “xã hội cần”
Việc lựa chọn ngành học là quyền của người học và xu hướng người học chọn ngành “hot” sẽ khó thay đổi. Vì vậy, để duy trì hoạt động, nhiều cơ sở đào tạo có ngành học chưa “hot” là phải tự thay đổi bằng việc mở thêm các ngành học thuộc nhóm ngành khác theo nhu cầu xã hội để lấy ngành “hot” nuôi những ngành ít thí sinh đăng ký…
Vì thế, những nhóm ngành khoa học cơ bản từ vài năm nay đang kêu cứu. Theo PGS. TS Đinh Xuân Thành, Trưởng khoa Địa chất, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): “Địa chất là ngành quan trọng, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển đất nước nhưng khi tuyển sinh lại thu hút rất ít thí sinh. Ngành địa chất rất cần nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao nhưng điểm sàn không được cao như ngành “hot”. Chất lượng đầu vào không được tốt, đầu ra sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy là thiếu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của đất nước.
Tôi cho rằng, cần bổ sung thêm kiến thức cho học sinh phổ thông vì các em hiện nay chủ yếu là học về địa lý, gần như hoặc rất ít kiến thức khoa học trái đất, đặc biệt là kiến thức về hải dương học... Vì thế, học sinh chưa nhận thức được các ngành nghề ngay từ khi học phổ thông”.
GS.TS. Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề tuyển sinh |
GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Những ngành khoa học cơ bản là những ngành nền tảng của khoa học quốc gia. Đối với các nước phát triển, những ngành khoa học này luôn là trụ cột, muốn hội nhập và sánh vai với các nước phát triển, không còn cách nào khác là phải phát triển những ngành khoa học cơ bản này.
Tuy nhiên hiện nay xu hướng thí sinh và phụ huynh chọn ngành “hot”, vì thế những ngành khoa học cơ bản này ít thí sinh lựa chọn. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cố gắng duy trì những ngành đào tạo này nhưng về lâu dài, nhà nước cần có chính sách đặt hàng, tôi nghĩ như thế sẽ thu hút người học, sau này đóng góp cho sự phát triển của quốc gia”.
Dự báo thiếu hụt chuyên gia có chất lượngNGND.GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: “Với ngành Lâm nghiệp - một ngành kinh tế, xã hội đặc thù có địa bàn hoạt động trên phạm vi 42% diện tích lãnh thổ và gắn sinh kế của hơn 25 triệu đồng bào vùng miền núi thì nhu cầu nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng rất lớn. Sự sụt giảm về nguồn tuyển sinh và chất lượng nguồn tuyển đã và đang gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp về lực lượng chuyên gia có chất lượng phục vụ cho ngành trong 10 năm tới”. GS.TS Trần Văn Chứ cũng cho rằng, ở cấp vĩ mô, cần có cơ chế đặt hàng đào tạo với các ngành học đặc thù; Xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho người học và đảm bảo việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Với các cơ sở đào tạo, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về ngành học; Tập trung xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo; Tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, từ đó mới có thể từng bước thu hút được người học có chất lượng. “Tôi nghĩ rằng, Chính phủ và các bộ ngành trong đó có Bộ GD&ĐT ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo hiện có, xây dựng và triển khai các chính sách mang tính chất vĩ mô như đã đề cập ở trên, cần nghiên cứu xây dựng các đề án đào tạo nguồn nhân lực một số lĩnh vực trọng điểm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội quốc gia và của vùng nông thôn miền núi, hải đảo. Chỉ có như vậy mới thu hút được người học, tiến tới là người học có chất lượng và việc “khát nhân lực” mới dần được giải quyết”, GS.TS Trần Văn Chứ cho biết. |