Nhức nhối tình trạng trẻ hóa tội phạm
Thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng
Thời gian qua, tại nhiều địa phương xảy ra không ít vụ án mà thủ phạm là thanh, thiếu niên. Điều đáng nói là những hành vi này không chỉ xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội, thủ đoạn thực hiện được tính toán kỹ lưỡng, thậm chí hình thành các băng nhóm.
Chỉ với vài thao tác đơn giản tìm kiếm trên internet, ai cũng có thể tìm thấy và tham gia các hội nhóm “đen”, như: Hội những người đi tù (hơn 275.000 thành viên); Hội thanh niên thích đua xe (hơn 10.000 thành viên), Hội vỡ nợ muốn làm liều (hơn 12.000 thành viên); Hội túng quẫn làm liều (8.000 thành viên)...
Trong các hội nhóm này, những chủ đề như rủ nhau đi cướp, sử dụng chất cấm, rủ nhau đi đòi nợ... được nhiều thanh, thiếu niên hưởng ứng, đồng ý tham gia. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một số vụ việc thanh, thiếu niên lôi kéo, rủ nhau tham gia các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra thời gian qua.
Mới đây, gần 80 thanh, thiếu niên tổ chức hỗn chiến trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên, Hà Nội) đã bị lực lượng chức năng khống chế và xử lý. Nhóm đối tượng này đem theo ống tuýp sắt gắn dao phóng lợn đi đánh nhau với một nhóm khác chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội.
Điều đáng nói là, trong nhóm có rất nhiều đối tượng chỉ tầm 12-14 tuổi, nhiều đối tượng khi được hỏi về lý do tham gia thì chỉ nói rằng “cháu không biết” hay “bạn rủ thì đi”. Một câu trả lời có phần đơn giản và ngây ngô nhưng hậu quả vô cùng lớn.
Tình trạng trẻ hóa tội phạm ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại các địa phương |
Các vụ án do các đối tượng trong độ tuổi vị thành niên gây ra hầu như đều tự phát. Theo số liệu từ Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2022 và sáu tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã điều tra, xử lý 99 vụ, làm rõ 1.458 đối tượng, trong đó có ba vụ với 31 đối tượng có hành vi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, di chuyển tốc độ cao; xử lý hình sự 19 đối tượng.
Đáng chú ý, có 34,8% đối tượng vi phạm dưới 16 tuổi, 46% từ đủ 16 đến dưới 18; đối tượng chủ yếu là học sinh THPT; có 23,5% trong số đó là học sinh đã bỏ học; hơn 96%, đối tượng chưa có tiền án, tiền sự. Cũng theo thống kê, 84% các vụ xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân từ trước, sau đó các đối tượng lên mạng xã hội Facebook chửi bới, thách thức nhau.
Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội, được coi là những "chiến tích" để khoe khoang, thách thức pháp luật.
Ngoài ra, các đối tượng còn thông qua mạng xã hội thành lập các hội, nhóm để lôi kéo nhau tham gia thực hiện các hành vi phạm pháp. Đáng buồn, độ tuổi vi phạm pháp luật của các đối tượng này ngày càng trẻ, thậm chí nhiều em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Rõ ràng, đây là thách thức lớn trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục từ phía gia đình, nhà trường cũng như với các cơ quan chức năng.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình và xã hội
Trung tá Bùi Nhật Quang, Phó trưởng Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, từng gia đình, từng sự quan tâm của bố mẹ đến các em là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp các em phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần hướng đến những giá trị thiện lành, để các em đi đúng hướng thì phụ thuộc vào rất nhiều vào gia đình và xã hội nơi các em sinh sống.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các em học sinh trong giờ ngoại khóa |
Phần lớn những người dưới 18 tuổi vi phạm đều sống hoặc trải qua cảnh gia đình tan vỡ, không nhận được sự quan tâm từ cha mẹ. Nhiều trường hợp cũng do gia đình chiều chuộng và đáp ứng quá đủ đầy khiến nhiều em cảm giác bị o bế, muốn thoát ra bằng cách đi ngược lại với kỳ vọng của gia đình, dễ sa vào tệ nạn và phạm tội. Môi trường xã hội quanh các em không văn minh, thường xuyên xảy ra bạo lực và có nhiều bạn bè xấu.
Việc chứng kiến nhiều cảnh bạo lực hằng ngày từ môi trường sống đến các trò chơi, mạng xã hội dần sẽ để lại những mầm mống phạm tội trong suy nghĩ của các em. Một khi bị cuốn theo những lời rủ rê của bạn bè xấu tham gia phạm tội một lần, các em sẽ hình thành tâm lý coi thường pháp luật.
Theo các chuyên gia, các hành vi vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên đều đã có quy định xử phạt như cảnh cáo, phạt tiền và các hình thức, biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở giáo dục... Đặc biệt, Bộ luật Hình sự cũng quy định hình phạt cho từng nhóm tuổi vị thành niên.
Tuy nhiên, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật thì công tác giáo dục, quản lý phải có sự đồng bộ giữa nhà trường và gia đình. Trong đó vai trò của gia đình là rất quan trọng. Cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con em mình.
Với các nhà trường, ngoài việc giáo dục kiến thức, cần tăng thời lượng, chất lượng đào tạo kỹ năng sống, lối sống văn hóa, đặc biệt là ứng xử theo quy định của pháp luật. Chỉ khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội thì mới có thể tạo sự chuyển biến tích cực.