Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Tiêu hủy hơn 10 tấn hàng vi phạm
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính…
Mới đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành tiêu hủy hơn 10 tấn hàng vi phạm. Đây mới chỉ là đợt tiêu hủy hàng vi phạm đầu tiên trong năm nay nhưng đã cho thấy tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được ngăn chặn và kiểm soát.
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội |
Việc tiêu hủy này là cần thiết và bắt buộc nhằm hạn chế các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu hay là hàng cấm lưu hành, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong số đó, nhóm hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng chiếm số lượng nhiều hơn cả, ước tính hơn 2,5 tấn.
Những viên nang thực phẩm chức năng vốn được quảng cáo có tác dụng như thuốc điều trị bệnh, thậm chí công dụng còn được thổi phồng như thần dược mà lại là thứ phải bỏ đi, bị nghiền nát vì không đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm cho người. Vậy mà theo hồ sơ, mức giá chủ hàng bán không hề rẻ, dao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng cho 1 lọ sản phẩm.
Ngoài nhóm thực phẩm, mỹ phẩm còn có vô số nhóm hàng vi phạm khác bị tiêu hủy như thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu. Số lượng tiêu hủy ước tính gần 40kg.
Đối với bình khí N20 hay khí cười có trọng lượng lên đến gần 4 tấn, tương đương 248 bình. Nếu tiêu thụ ra thị trường, ngần ấy bình khí độc khó ai lường trước được hậu quả khi đây được coi là một trong những chất nguy hiểm, có thể gây ngộ độc hoặc gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, thậm chí tử vong nếu sử dụng thường xuyên trong một thời gian ngắn.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành tiêu hủy hơn 10 tấn hàng vi phạm |
Mỗi năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thường sẽ tổ chức 2 đợt tiêu hủy. Tuy số lượng tiêu hủy đợt này so với cùng kỳ năm 2021 ít hơn nhưng trị giá hàng hóa lại lớn hơn, ước tính khoảng hơn 3 tỷ đồng. Để hủy triệt để, hàng hóa sẽ bị nghiền hoặc đưa vào lò đốt.
Mỗi đợt tiêu hủy hàng vi phạm không chỉ để cảnh báo người tiêu dùng cần cảnh giác khi mua bất cứ sản phẩm nào trên thị trường mà còn là dịp để răn đe các gian thương, vì ngoài bị tịch thu toàn bộ hàng hóa, chủ hàng còn bị phạt hành chính số tiền tương đương giá trị lô hàng.
Cần nâng cao ý thức người tiêu dùng
Có thể thấy, đấu tranh phòng chống hàng giả là điều được các cơ quan nhà nước và người tiêu dùng quan tâm, tuy nhiên lượng hàng giả được sản xuất mua bán trên thị trường hiện nay vẫn rất nhiều và ngày càng tăng lên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả tràn lan là khuôn khổ pháp luật điều chỉnh vấn đề này còn một số hạn chế bất cập.
Trong đó có thể kể đến là chế tài xử phạt còn chưa thực sự nghiêm khắc, chủ yếu xử phạt hành chính. Mức xử phạt nhìn vào tưởng cao nhưng thực tế lại rất thấp so với lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả. Các đối tượng sản xuất và bán hàng giả sẵn sàng nộp phạt rồi lại tái diễn vi phạm.
Hiện nay lượng hàng giả được sản xuất mua bán trên thị trường hiện nay vẫn rất nhiều và ngày càng tăng lên |
Căn cứ theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối với hành vi liên quan đến hàng giả, mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, chế tài hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả cũng nghiêm khắc hơn, người phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù đến 15 năm.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường quản lý theo lĩnh vực, địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, trang, thiết bị y tế, thuốc phục vụ công tác phòng, chống, hỗ trợ điều trị COVID-19.
Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, mỗi người dân cần chủ động và tuân theo hướng dẫn của cán bộ y tế khi mua, sử dụng các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị COVID-19. Người dân chỉ nên mua tại các cơ sở uy tín, được cấp phép, không nên mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng để bảo vệ sức khỏe bản thân, góp phần nâng cao hiệu quả ngăn chặn, phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, phải nâng cao ý thức người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng gặp phải hàng giả thường xuyên và trong thời gian dài thành quen và không có ý thức muốn đấu tranh loại bỏ, chấp nhận dùng hàng giả thay cho hàng thật. Ý thức thói quen tiêu dùng của mọi người là điều đặc biệt quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống hàng giả vì có cầu thì mới có cung.