Những bài toán cần lời giải của Việt Nam
Các container tại cảng Tân Cảng (Hiệp Phước, Nhà Bè, Hồ Chí Minh). Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg, dòng tiền đầu tư vẫn đang đổ vào Việt Nam. Các số liệu thống kê của Chính phủ Việt Nam cho thấy, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân tăng 6.3% lên 12 tỷ USD trong tám tháng qua so với cùng kỳ năm 2018. Số dự án mới đăng ký tăng vọt 25% lên 2.046 dự án.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều doanh nghiệp phàn nàn về sự tắc nghẽn cảng và đường bộ, chi phí đất đai cũng như các quy định không được nới lỏng kịp thời. Tapestry Inc, công ty chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang nổi tiếng Coach và Kate Spade, than phiền về cơ sở hạ tầng không được đầu tư đầy đủ đã khiến một số container hàng hóa của họ bị kẹt rất lâu trên biển. Công ty dệt Eclat - một nhà cung cấp cho Nike, cho biết, ngoài Việt Nam họ sẽ đa dạng hóa thị trường, hướng đến các khu vực chi phí rẻ hơn.
Ông Gerry Mattios, Phó Chủ tịch chi nhánh của Bain & Co (công ty tư vấn quản lý hàng đầu thế giới) tại Singapore cũng phản ánh, nếu Việt Nam không thể tiến bộ nhanh trong việc xóa bỏ khoảng cách về cơ sở hạ tầng thì quốc gia này sẽ có nguy cơ đánh mất vị thế “Trung Quốc mini” của mình. Chi phí có thể vượt mức lợi nhuận khiến các nhà sản xuất tìm đến những thị trường tương tự như Sri Lanka hoặc Campuchia.
Vấn đề cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng là thách thức chủ yếu đối với Việt Nam, đặc biệt là các cảng biển. Trung Quốc có sáu trong 10 cảng vận tải container hàng đầu trên thế giới, trong đó cảng Thượng Hải giữ vị trí số một. Việt Nam có hai cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), lần lượt đứng thứ 25 và 50 thế giới. Lưu lượng container toàn cầu của Việt Nam chỉ đạt 2,5% trong năm 2017 so với 40% của Trung Quốc.
Theo nhận định của các chuyên gia Bloomberg, công suất vận tải container cần phải tăng ít nhất hai lần so với mức tăng 10 - 12% hiện tại. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải tăng cường hoạt động hậu cần và gửi hàng qua bên thứ ba để bắt kịp nhu cầu mới.
Chính phủ Việt Nam ước tính sẽ mất khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng để phát triển các cảng biển. Việc xây dựng các cảng biển mới hoặc cải tạo các cảng biển cũ hiện vẫn chưa đem lại kết quả tích cực.
Sự tắc nghẽn tại các cảng thường đồng nghĩa với việc tăng chi phí lưu kho và các dây chuyền sản xuất kém đa dạng hơn. Một giải pháp ban đầu cho vấn đề này có thể là đầu tư lớn cho nhà xưởng, cảng biển, ga tàu hỏa và các kho bãi container trong đất liền.
Nhu cầu chắc chắn đang gia tăng. Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, năm ngoái, hơn 530 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua các cảng biển của Việt Nam, tăng 20% so với năm trước đó. Lượng hàng hóa xuất khẩu tăng 15% lên con số 142,8 triệu tấn và 18,1 triệu TEU (đơn vị đo lường của một container tiêu chuẩn) container được vận chuyển năm ngoái, tăng 26% so với năm trước.
Ông Tsai We Jui, Chủ tịch hãng sản xuất yên xe đạp DDK có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), cho biết: “Với tình hình hiện nay, Việt Nam chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu của làn sóng các công ty chuyển đến”. Ông cũng nhận định, ngay cả khi chỉ 5% các công ty của Đài Loan tại Trung Quốc chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam thì cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng sẽ bị quá tải.
Tập đoàn DDK cũng đã ký kết với liên doanh Warburg Pincus-backed Becamex IDC để quản lý một khu vực rộng 200 mẫu tại khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, độc quyền cho các công ty Đài Loan. Mặc dù Tsai nói ông hài lòng với chất lượng đường sá trong khu công nghiệp nhưng cũng kêu ca về việc thiếu đường cao tốc để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Giá đất ngày một tăng
Ông Tsai cho biết, giá đất cũng là một hạn chế. Chi phí đất đai tại khu công nghiệp Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) đã tăng gấp đôi, lên 80 USD/m2 cách đây ba năm. Giá đất tại một số khu công nghiệp khác tại Bình Dương cũng đã tăng từ 65 USD/m2 lên mức 150 USD/m2 năm 2016.
Một nhà máy đang được xây dựng tại khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Bloomberg |
Không chỉ Bình Dương trải qua cơn sốt đất mà theo số liệu của nhà môi giới dịch vụ bất động sản Savills, giá thuê đất công nghiệp tăng gần gấp đôi so với cùng thời gian nửa đầu năm 2019 tại một số tỉnh. Đơn cử như tăng 54,6% tại Bình Dương, 31,1% tại Tây Ninh và tại Hải Dương giá tăng 29,4%.
Chi phí đất ở cũng đã tăng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, giá nhà chung cư tăng 20% kể từ quý II năm ngoái; tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá cùng thời điểm tăng 4%.
Việt Nam đã có những bước tiến dài trong chỉ số Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới và chỉ số Cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới. Danh tiếng thương mại thân thiện đã được nâng tầm nhờ các cải cách đầu tư, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và các chính sách tự do thương mại. Tuy nhiên, theo Bloomberg Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc giải quyết tận gốc nạn tham nhũng có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước nước ngoài muốn đầu tư
vào Việt Nam. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ mạnh mẽ trong việc đấu tranh với tội phạm tham nhũng.
Nguồn nhân công chất lượng cao
Về nhân khẩu học, Việt Nam vẫn còn điểm lợi. Theo thống kê từ Cơ quan Dân số Liên hiệp quốc, tỷ lệ dân số Việt Nam đang ở độ tuổi lao động từ 15 - 64 sẽ bỏ xa con số trung bình châu Á và toàn thế giới đến năm 2025. Chính phủ Việt Nam cũng cam kết nâng cao tay nghề cho công nhân từ trường học đến các nhà máy.
Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu của Việt Nam khá cạnh tranh so với nhiều nước khác trong khu vực. Theo hai nhà phân tích Suan Teck Kin và Manop Udomkerdmongkol tại United Overseas Bank, mức lương tối thiểu của Việt Nam năm 2018 là 180 USD/tháng, rẻ hơn nhiều so với 274 USD ở Thái Lan và có thể cạnh tranh được với 170 USD ở Campuchia (đã tăng lên 182 USD đầu năm 2019 và có thể tiếp tục tăng vào tháng tới).
Tuy nhiên, ông Huang Yung Cheng, Chủ tịch hội đồng Phòng thương mại Đài Loan tại tỉnh Bắc Ninh cho biết, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp công nhân có trình độ kỹ thuật cao cho các công ty công nghệ, mặc dù việc đào tạo đã được cải thiện. Các công ty Đài Loan cũng cho biết, họ cần thêm 20 - 30% công nhân tay nghề cao để đáp ứng các mục tiêu sản xuất.
Bài liên quan
Thiên đường né thuế Mỹ của các công ty Trung Quốc
iPhone có thể “made in Vietnam”
Bất chấp căng thẳng, Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng
Mỹ và Trung Quốc: Cuộc "chiến tranh lạnh" chưa có từng có trong lịch sử