Những cô gái chăm sóc rạn san hô dưới đáy biển
Hai cô gái có niềm đam mê biển ăn sâu vào máu… |
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có diện tích hơn 33.000 ha. Hệ sinh thái biển phong phú về thành phần loài và đa dạng nhóm thực vật trong hệ san hô, thảm cỏ biển.
Tuy nhiên, việc bùng phát một lượng quá lớn khách du lịch sẽ dẫn đến khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Cù Lao Chàm. “Ít nhất hơn 30ha cỏ biển đã bị phá hủy trong hơn 10 năm qua do việc khai thác quá mức cũng như việc quá tải lượng du khách”, bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ.
Vì vậy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường sẽ là chìa khóa xây dựng Cù Lao Chàm trở thành thương hiệu quốc gia trong bối cảnh của một điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng giàu có về đa dạng sinh học.
Để làm tốt công tác này, những vườn ươm dưới đáy biển có ý nghĩa quan trọng. Nó góp phần đa dạng hệ sinh thái vùng biển Cù Lao Chàm. Do đó, hai bóng hồng Trần Thị Phương Thảo và Nguyễn Thị Hồng Thúy rất tự hảo về những đóng góp thầm lặng của mình để tạo nên những vườn ươm dưới đáy biển..
Lặn tìm những vùng san hô, cỏ biển, rong biển; đo đạc, ghi chép tập quán, nơi sinh sống các loại sinh vật biển… phục vụ công việc khiến thời gian ở đáy biển của Thảo và Thủy có lúc nhiều hơn trên bờ. Họ thuộc lòng vùng đáy biển như những con đường mòn thường đi qua mỗi ngày.
Hai nữ kỹ sư Trần Thị Phương Thảo (đeo kính) và Nguyễn Thị Hồng Thúy |
Với bộ thiết bị lặn chuyên dụng dành cho chuyên gia biển, hai cô gái có thể lặn dưới biển mỗi ngày trên 8 giờ đồng hồ. Mỗi bình khí lặn được gần 3 giờ đồng hồ, sau mỗi ca lên thay bình, họ nghỉ vài chục phút rồi xuống nước tiếp tục công việc.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, chuyên viên Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nói về hai cô gái mê đáy biển với giọng nể phục: “Các em đam mê nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu về bảo tồn da dạng sinh học ở đáy biển. Đó là công việc rất khó khăn nhưng sự đam mê đã giúp các em vượt qua thử thách, nhất là sức khỏe. Bởi lặn ở đáy biển phải đòi hỏi sức khỏe tốt, kỹ năng, mới đến khoa học. Phụ nữ mà đam mê nghiên cứu bảo tồn biển ở như hai cô gái này, ở Việt Nam rất hiếm”.
Thảo quê ở Hội An. Cô tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, sau đó về làm việc tại Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đến nay hơn 5 năm.
Thúy là người con gái xã đảo Cù Lao Chàm. Học xong chuyên ngành Quản lý nguồn lợi thủy sản, Khoa Thủy sản – Đai học Nông lâm Huế năm 2017, cô về “đầu quân” tại Ban. Công việc chính của 2 nữ kỹ sư là giám sát hệ sinh thái gồm san hô, cỏ biển, rong biển ở khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Với phần việc này, mỗi người có thể hoàn thành báo cáo ở trên bờ, thông qua những số liệu được gửi về. Tuy nhiên, cả hai đã không chọn cách đó.
“Ra trường về đây công tác, tụi em về làm công tác bảo tồn, chủ yếu là vận động cộng đồng cùng bảo vệ môi trường biển. Em hay lặn biển, nhận thấy cảnh vật dưới nước quá đẹp, có lúc ngẩn ngơ, không thể cưỡng được… Thế rồi, hai đứa quyết định rủ nhau vào Nha Trang học lặn bài bản. Sau đó, chúng em gắn bó luôn với nghề bảo tồn biển. Đến giờ, tụi em không chỉ xem đó là công việc mà con coi đó là cuộc sống ưa thích của mình”, Thúy và Thảo cùng chung tâm sự.
Phương Thảo thu thập thông tin về hệ sinh thái |
Theo bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, lặn biển là công việc không dễ dàng ngay cả với các đấng mày râu chứ đừng nói tới phụ nữ. Vì thế, lúc nhận Thúy và Thảo về làm việc, chúng tôi chi giao hai bạn thực hiện nghiên cứu, đề xuất các giải pháp. Tuy nhiên, trên thực tế công việc, nếu làm bảo tồn biển mà không lặn biển, không khám phá được đáy đại dương sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, cả hai bạn trẻ mạnh dạn đăng ký được đi học khóa lặn biển. Họ đã rất nỗ lực để có trong tay chứng chỉ lặn biển xuất sắc. Sau đó, họ lặn cùng đội thợ lặn chuyên nghiệp.
Thực tế không ít lần cả hai bạn trẻ gặp những pha “nghẹ thở” khi lặn. Thảo chia sẻ: “Có lần đang lặn ở độ sâu 6 mét thì em gặp sự cố nước trồi. Một dòng nước đục ngầu lạnh sống lưng trôi ngang khiến em không nhìn thấy gì. Em rất sợ nhưng cũng kịp trấn tĩnh, thả lỏng cơ thể. Khoảng 10 phút sau dòng nước trôi qua. Tụi em vẫn còn may vì nếu gặp sự cố này ở độ sâu hơn sẽ rất nguy hiểm”.
Nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, hiện là cố vấn Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tiến sĩ Lê Xuân Ái chia sẻ thêm rằng: “Hơn 30 năm theo nghề bảo tồn biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo nay tôi về Bảo tồn biển Cù Lao Chàm công tác. Đi nhiều nơi, gặp nhiều người nhưng lần đầu tiên tôi biết hai cô gái mê biển, mê nghề như Thảo và Thuý. Có lẽ trong ngành Bảo tồn biển, các em là những phụ nữ đầu tiên. Các em đang âm thầm bảo vệ những gì đẹp nhất ở vùng biểu Cù Lao Chàm, góp phần đáng kể trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây trước nguy cơ suy thoái…”.
Cù Lao Chàm là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và cũng là điểm sôi động về du lịch những năm gần đây. Số lượng khách đông tạo ra những áp lực vô hình. Theo lãnh đạo BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, bên cạnh những mặt tích cực thì việc du lịch phát triển mặt trái cũng nhiều như rác, nước thải, ô nhiễm tiếng động... Đặc biệt là dịch vụ lặn biển ngắm rạn san hô tăng cao dù muốn hay không cũng làm xáo trộn môi trường sinh vật biển. Những du khách không biết lặn thậm chí còn giẫm đạp gãy, chết các rạn san hô.
Năm 2015, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện dự án phục hồi hệ sinh thái san hô, cỏ biển bằng phương pháp tách chiết. Hiện hai vườn ươm san hô rộng 4.000m2 giờ đã lớn có thể sử dụng để cấy phục hồi ở những nơi san hô bị chết mà không tác động đến san hô tự nhiên.
Từ giữa năm 2019 đến nay, nhiều tập đoàn san hô cứng mọc và phát triển tương đối tốt. Hai khu vực có san hô mới mọc gồm: Vùng nước chân bờ kè trước nhà ông Huỳnh Trí (thôn Bãi Làng), có 5 tập đoàn san hô cứng, kích thước tập đoàn lớn nhất đo được có đường kính 40cm, nhỏ nhất 10cm; vùng nước khu vực phía bắc cầu cảng thôn Bãi Hương, san hô mới mọc với mật độ dày đặc, đường kính lớn nhất của các tập đoàn lên đến 1m.
Tính đến nay, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phát triển được 30 khung ươm trồng san hô phục vụ đắc lực cho việc trồng phục hồi thành công 165 ha diện tích rạn san hô bị hư hại. Đặc biệt, từ kết quả trồng phục hồi thành công các rạn san hô bị hư hại, các cán bộ và nhà khoa học của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiến hành thành công việc trồng mới 146 ha diện tích rạn san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm, nâng tổng diện tích các rạn san hô ở đây lên 311 ha diện tích mặt nước.
So với những điểm du lịch khác, hiện nay tình trạng ô nhiễm tại Cù Lao Chàm chưa cao nhưng các hoạt động của con người nếu không cẩn trọng hệ sinh thái biển rất dễ bị tổn thương, do đó cần ý thức và chung tay từ cộng đồng. Đó cũng là mong muốn của hai bạn trẻ Thúy và Thảo. Vì thế họ vẫn hằng ngày sống và làm việc với đam mê của mình, truyền cảm hứng cải tạo, phát triển môi trường biển.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |