Những công trình trọng điểm xóa điểm đen cho giao thông Hà Nội
Sáng 28/8, công trình cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt chính thức thông xe trong sự vui mừng của chính quyền và Nhân dân quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm. Không vui sao được khi “nút thắt cổ chai nổi tiếng” tồn tại hàng thập kỷ tại nút giao Nguyễn Văn Huyên, đoạn nối với Hoàng Quốc Việt giờ đây đã chính thức biến mất. Không còn "nghẹt thở" mỗi khi phải len lỏi trong dòng phương tiện hỗn độn để vượt qua “điểm đen” này, giờ đây người tham gia giao thông vô cùng phấn khởi khi chứng kiến vóc dáng của một trong những cây cầu vượt lớn và đẹp nhất thành phố.
Cây cầu với mặt đường thông thoáng được mở rộng theo quy hoạch đường vành đai 2,5 là 50m, với chiều dài 170m. Toàn bộ mặt cầu chính được thảm mịn với hơn 700 tấn bê tông áp phan để thử tải trước khi đưa vào khai thác; Được đồng bộ với hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, tổ chức giao thông khu vực nút giao. Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt có mức đầu tư 560 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 305 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 185 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 50 tỷ đồng…
Sau khi hoàn thành, cây cầu góp phần giảm tải giao thông cho đường đai 2 và 3, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch được duyệt.
Là công trình giao thông quan trọng, cấp bách, sát ngày thông xe, tranh thủ làm bù cho những ngày mưa, hơn 100 kỹ sư, công nhân của đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội và các nhà thầu liên tục bám trụ trên công trường hoàn thiện nốt những hạng mục cuối cùng để đảm bảo tiến độ.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, thi công trong điều kiện vừa lo giải phóng mặt bằng vừa thi công lại vừa phải duy trì giao thông, đến nay sau hơn 10 tháng thi công, dự án đã “về đích” đúng hẹn, góp thêm những công trình mới đẹp về mỹ thuật, bảo đảm chất lượng, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố.
Ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết thêm, việc 46 hộ dân và 16 cơ quan chưa bàn giao mặt bằng khi xây dựng đường Nguyễn Văn Huyên cũ nay đã chấp thuận bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu, điều này có ý nghĩa quan trọng giúp triển khai thi công công trình đảm bảo tiến độ.
Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt đưa vào khai thác đã giải quyết "nút thắt cổ chai" tồn tại suốt hơn hai mươi năm qua |
Cùng với Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường vành đai 3 là niềm mong mỏi của hàng vạn cư dân sinh sống tại khu đô thị Linh Đàm. Công trình này đang được chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hy vọng sau khi hoàn thành sẽ giải quyết được điểm nóng ùn tắc giao thông từ đường Nguyễn Hữu Thọ ra đường Giải Phóng.
Mặc dù chưa hoàn thiện dải đường phía đầu cầu nhưng vóc dáng cây cầu vắt qua hồ Linh Đàm đi thấp song song với đường trên cao đã thành hình. Ban Quản lý dự án công trình giao thông thành phố Hà Nội và các nhà thầu tham gia thi công đang cố gắng đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình trước ngày 10/10, thiết thực chào mừng kỷ niệm 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm hoàn thành không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà còn là lối dẫn lên đường vành đai 3 trên cao di chuyển hướng Pháp Vân - Cầu Giẽ hoặc đi cầu Thanh Trì, việc đi lại sẽ thuận tiện và đỡ mất thời gian hơn.
Sinh sống tại khu đô thị Linh Đàm, hằng ngày phải chứng kiến cảnh ùn ứ giao thông trầm trọng tại nút thắt từ đường Nguyễn Hữu Thọ ra đường Giải Phóng, nhiều người dân nơi đây trông ngóng từng ngày cây cầu hoàn thành, trả lại sự thông thoáng cho các tuyến đường quanh khu đô thị.
“Nhiều năm nay, người dân muốn di chuyển ra đường Giải Phóng buộc phải di chuyển qua đường Nguyễn Hữu Thọ khiến tuyến đường này thường xuyên ùn tắc, nhất là dịp giáp Tết hoặc giờ cao điểm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân nơi đây khi các phương tiện phải len lỏi vào khu dân cư để tìm lối tắt ra đường Giải Phóng. Chúng tôi mong muốn cây cầu sớm được hoàn thành, đi vào hoạt động, trước mắt là cải thiện tình trạng giao thông, sau là trả lại cảnh quan yên bình cho khu đô thị”, chị Hồ Huyền Trang, sống tại tòa HH2A, khu đô thị Linh Đàm cho biết.
Ngoài 2 cây cầu vượt trên, dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đang dần về đích. Công trình này được khởi công xây dựng từ ngày 6/1/2020 và với tiến độ thi công như hiện nay dự kiến công trình sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối tháng 1/2021.
Tại cuộc kiểm tra các công trình giao thông trọng điểm mới đây, khẳng định công trình giao thông này có ý nghĩa quan trọng, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, thi công 3 ca liên tục nhằm rút ngắn thời gian thi công và hoàn thành trước khoảng 30 ngày so với kế hoạch. Đồng thời, thi công đồng bộ cả cây xanh, chiếu sáng và tổ chức giao thông hợp lý... nhằm tạo dựng công trình kiến trúc đẹp nơi cửa ngõ Thủ đô.
Hà Nội dừng thí điểm mô hình iParking từ ngày 1/9 TTTĐ - Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản kết luận tạm dừng thí điểm mô hình trông giữ xe qua ... |
Khánh thành dự án cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên TTTĐ - Sáng 28/8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ ... |
Chiến sĩ công an giao thông Hà thành lập nhiều chiến công TTTĐ - Yêu màu áo chiến sĩ, Doãn Hữu Văn nhập ngũ vào lực lượng công an. Đại úy cảnh sát giao thông đã nỗ ... |
Hà Nội: Huy động các giải pháp tối ưu đối phó với “điểm đen” úng ngập TTTĐ - Hà Nội còn 15 điểm úng ngập tồn tại từ lâu gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân và tới nay ... |
Hai dự án Cao tốc Bắc Nam và Sân bay Tân Sơn Nhất trở thành công trình trọng điểm TTTĐ.VN - Ngày 17/8, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các ... |