Những điều đắt giá thu được qua mùa dịch Covid-19
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng chống dịch Covid-19 |
Chưa bao giờ cả thế giới phải vật lộn, đảo điên trước một kẻ thù vô hình và biến hình – một con virus mắt thường không nhìn thấy đã làm thay đổi nhịp sống của cả thế giới trong suốt gần 2 năm qua.
Thời điểm này đã có hơn 205 triệu người trên thế giới mắc Covid-19. Đại dịch cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,3 triệu người. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, với làn sóng dịch bệnh lần thứ tư phức tạp này, đến đầu năm 2022, con số mắc Covid trên toàn cầu sẽ vào khoảng 300 triệu ca.
Đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) vắng lặng trong những ngày giãn cách tháng 8/2021 |
Việt Nam chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước đợt dịch thứ tư đầy phức tạp, cam go này. Số ca mắc hằng ngày là 4 con số, số ca tử vong lên tới 3 con số. Nếu hỏi mọi người mong muốn điều gì nhất lúc này, câu trả lời chắc chắn là an toàn, là sức khỏe cho bản thân mình, gia đình và cộng đồng. Có lẽ, chúng ta chưa bao giờ quan tâm tới sức khỏe nhiều như bây giờ.
Bên cạnh các biện pháp phòng dịch 5K và chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, mối quan tâm sức khỏe đang khiến người người, nhà nhà thay đổi thói quen theo hướng tích cực.
Trong từng gia đình, sự chuyển biến tích cực đã được thấy rõ. Các thành viên dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho nhau. Trước kia, theo thống kê, bố mẹ dành cho con cái mỗi ngày chỉ khoảng 30 phút thì nay, thời gian quý báu đó lên tới gần như suốt cả ngày.
Nhịp sống đô thị vốn như một cơn lốc, nay trở nên tĩnh hơn. Với những ai hay chiêm nghiệm, đây là khoảng lặng để nhìn nhận lại sự phát triển hạ tầng đô thị và những chuyển động bên trong nó.
Dường như các thói quen xấu đã được loại bỏ. Nhiều người dân khi ra đường là đeo khẩu trang, không còn khạc nhổ nơi công cộng và việc rửa tay trước khi ăn đang dần hình thành ý thức chung, lan rộng...
Đường Thanh Niên (Hà Nội) lung linh về đêm |
Ở các thành phố lớn, vì mọi người không đi chơi, tụ tập nên đường sá thông thoáng, không còn cảnh kẹt xe, tiếng ồn động cơ, còi xe và số ca tai nạn giao thông giảm đi rõ rệt.
Để phòng dịch, nhiều tỉnh thành tiếp tục giãn cách xã hội, hàng loạt dịch vụ đóng cửa. Nhiều tuần nay, các gia đình ăn cơm ngày 3 bữa cùng nhau, điều mà nhiều bà vợ hiếm thấy ở các chồng mình trước kia. Đến ngay như việc cắt tóc, nhiều người mua kéo, tông đơ về nhà, bố con cắt tóc cho nhau.
Nhiều ngày nay, chị Quỳnh Hương, 44 tuổi, ở phố Phúc Tân (Hoàn Kiếm) mua đỗ xanh về ủ làm giá đỗ tại nhà. Giá mọc nhanh, ăn không hết, chị Hương cho bớt bạn bè, hàng xóm. Ai cũng thấy thích bởi giá tự làm đảm bảo an toàn, vệ sinh. Những người biến mình thành nhà nông bất đắc dĩ như chị Hương không thiếu. Họ tận dụng những khoảnh đất nho nhỏ nơi ban công, sân thượng nhà mình, những chiếc thùng xốp đựng đất được gieo những hạt giống rau, lá thơm, chanh, gừng, ớt… phục vụ nhu cầu ăn uống của gia đình khi chợ búa không còn được phong phú như trước.
Phố xá, hàng quán vắng bóng người nhưng trong mỗi mái nhà, tiếng cười và niềm vui lại nhiều hơn. Chị Hoài Linh, 43 tuổi, ở phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), kể từ khi lấy chồng cho tới bây giờ đã có 2 mặt con nhưng gia đình chị hãn hữu mới bật bếp nấu đồ ăn. Giờ đây, thói quen cả nhà suốt ngày đi ăn ở hàng quán hoặc gọi ship đồ ăn đã phải thay đổi.
Kể từ khi thành phố Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg (năm 2020) và Chỉ thị 17/CT-UBND (năm 2021) tạm thời cấm mở quán ăn, nhà hàng, chị Linh đã phải mày mò nấu nướng các món đơn giản cho chồng, con. Chị Linh chia sẻ: “Năm ngoái, tôi xác định là chỉ nấu tạm thời cho đến khi trên phố bán hàng trở lại nhưng khi vào nấu thấy cũng không khó, hơn nữa đồ ăn do mình nấu lại sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Sang đến năm nay, tay nghề nấu nướng của tôi đã khá lên rất nhiều”.
Những người vào bếp và thấy thích thú với việc này như chị Linh không hiếm, thậm chí còn có rất nhiều ông chồng, thấy vợ tất bật cũng vào phụ giúp, qua đó tình cảm vợ chồng cũng thắm thiết hơn.
Các nghệ sĩ cũng đã dùng âm nhạc như một liều thuốc tinh thần, cổ vũ mọi người sớm vượt qua đại dịch. Nổi bật như ca khúc kết hợp cùng vũ điệu rửa tay “Ghen Cô Vy” với thông điệp động viên người dân cùng nâng cao ý thức tự giác phòng dịch nhận được sự yêu thích của bạn bè quốc tế bởi sự sáng tạo trong cách tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Đây cũng là một trong những sản phẩm nghệ thuật nhận được Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.
Các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ cho ra mắt hàng loạt ca khúc lấy chủ đề về cuộc sống trong đại dịch với giai điệu trẻ trung, sôi động và ca từ gần gũi, hóm hỉnh nhưng cũng đậm tính giáo dục về ý thức phòng dịch, nhận được sự đón nhận nhiệt liệt từ khán thính giả. Có thể kể đến ca khúc “Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn” của nhạc sĩ Khắc Việt và ca sĩ Tuấn Hưng hay ca khúc “Hồi sinh” của ca sĩ Kyo York với nội dung cổ vũ người dân thành phố mang tên Bác cùng chung sức chiến đấu với đại dịch; ca khúc “Bài ca khu cách ly” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói về những vui buồn và tinh thần đùm bọc lẫn nhau của người dân trong các khu vực cách ly như một liều thuốc xoa dịu tinh thần người dân trong “tâm dịch”.
“Dịch bệnh khiến cuộc sống của người dân Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, không khỏi khiến nhiều người có suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt là trong lúc thực hiện giãn cách tại nhà. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ lúc này, theo tôi, chính là sử dụng tài năng của mình, thông qua những lời ca, câu hát lan truyền thông điệp tích cực để mọi người thoải mái hơn và có thêm động lực để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm sự.
Covid-19 khiến người dân trên khắp đất nước thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất đến những quan niệm mang tính nguyên tắc, bảo thủ. Tự do cá nhân cũng được đánh đổi để ưu tiên cho lợi ích cộng đồng, chấp nhận sự giám sát và cách ly. Qua mùa dịch, nhiều người đã học được rằng phải tiết kiệm phòng lúc nguy cấp, không tiêu xài phung phí những gì mình có. Trong những ngày giãn cách, họ tập và làm việc online tại nhà, chúng ta đã học cách sống chậm lại, tự tạo cho mình cách tiêu khiển thời gian có ích như tham gia các khóa học online, đọc sách, xem phim…
Qua những hình ảnh, clip về những ca tử vong bởi Covid-19, chúng ta cảm nhận được rõ hơn 2 chữ Vô thường, hiểu được sự sống chết mong manh, qua đó cần dành thời gian cho cha mẹ già nhiều hơn bởi có thể một biến cố không may ập tới, chúng ta sẽ không kịp nói lời từ giã người thân yêu.
Qua đại dịch, tinh thần tương thân tương ái của người Việt lại càng được nhân lên gấp bội. Các tổ chức xã hội, các cá nhân đã đóng góp vật chất, công sức để giúp đỡ những mảnh đời éo le bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi Covid-19. Đó là sự đóng góp vào quỹ vắc xin lên tới hàng nghìn tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cũng có khi chỉ đơn giản là sự năng động, tích cực của các bác tổ trưởng tổ dân phố đi đến từng nhà để phát phiếu đi chợ, cũng như nhắc nhở bà con thực hiện tốt thông điệp 5K.
Charles Darwin có câu nói nổi tiếng: Trong lịch sử lâu dài của loài người (và cả loài vật nữa), những ai học được cách cộng tác và ứng biến tài tình nhất sẽ sinh tồn. Như vậy, thay vì nằm một chỗ than thở bi quan trước những áp lực của cuộc sống trong thời đại dịch, chúng ta nên lạc quan và tìm cách cân bằng, thích nghi với nó.