Những đóng góp quý báu của cuốn sách "Dòng tranh dân gian Đông Hồ"
Cuốn sách với nhiều tư liệu quý
Bài liên quan
Hai nhóm nhạc đa quốc tịch lại khiến fan Kpop quốc tế chao đảo với MV mới toanh
Ra mắt tác phẩm được trao tặng Huy chương Newbery "Đếm sao"
Nhà văn Dương Thụy cùng con đi khắp thế gian
VTV trân trọng nữ quyền thông qua "Hoa hồng trên ngực trái"
Cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (Chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích; do NXB Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp xuất bản.
Cuốn sách dày gần 300 trang, ngoài Lời nói đầu, sách được chia thành 3 chương: Chương 1: Làng Đông Hồ, Chương 2: Các dòng tranh dân gian sản xuất tại Đông Hồ, và chương 3: Tranh dân gian khắc gỗ và vẽ tay.
Cuốn sách được thực hiện công phu, kéo dài gần 10 năm, với hơn 500 hình ảnh đa số được chụp mới), mô tả khá chi tiết về làng Đông Hồ, các bước làm tranh, các bức tranh Đông Hồ nổi tiếng và những bức tranh Đông Hồ ít được du khách biết tới, đồng thời chân dung nghệ nhân tiêu biểu cũng được khắc họa.
Theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Chủ biên cuốn sách, không chỉ mang vẻ đẹp mỹ thuật dân dã, tranh Đông Hồ còn nổi tiếng bởi mỹ cảm trong ca dao và thi ca.
Thi sĩ Hoàng Cầm đã từng viết câu thơ: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Chính cái “màu dân tộc” và “giấy điệp” đã làm nên thần thái của dòng tranh này, cũng là cái “chất Đông Hồ” khác với các dòng tranh dân gian khác, để rồi cùng làm giàu cho kho tàng di sản mỹ thuật của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa phát biểu tại buổi ra mắt sách "Dòng tranh dân gian Đông Hồ" |
“Để làm nên cuốn sách, chúng tôi đã tham khảo những công trình nghiên cứu về tranh dân gian nói chung và tranh dân gian Đông Hồ nói riêng của các tác giả đi trước. Các tác phẩm đó đã giúp chúng tôi có được cái nền móng để đi sâu thêm nghiên cứu về dòng tranh này”- bà Thu Hòa chia sẻ.
Đồng thời bà cho biết, từ nền cốt đó, các tác giả cuốn sách đã thực hiện hàng trăm chuyến đi thực tế, về làng Đông Hồ gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ nhân. Nhiều tư liệu mới được các nghệ nhân hoặc đại diện gia đình các nghệ nhân chia sẻ đã giúp cho cuốn sách này có những nét khác biệt so với nhiều cuốn sách tranh Đông Hồ từng xuất bản trước đây.
“Hy vọng cuốn sách có những đóng góp mới trong việc nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, dân tộc học… Nhưng trước hết nó công bố các tư liệu được hệ thống hóa của dòng tranh nổi tiếng này”- bà Thu Hòa gửi gắm.
Bà cũng gửi lời cám ơn đến các cơ quan và cá nhân đã giúp đỡ nhóm trong quá trình thực hiện cuốn sách: các nghệ nhân cùng gia đình và bà con làng tranh dân gian Đông Hồ, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, họa sĩ Vũ Đình Tuấn, thư họa gia Xuân Như- Vũ Thanh Tùng, chuyên gia nghiên cứu đồ họa cổ Vũ Thị Hằng, các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa, Bảo tàng Mỹ thuật đã cung cấp tư liệu và góp những ý kiến phản biện quý báu trong quá trình hoàn thiện cuốn sách.
PGS.TS Trịnh Sinh - một trong ba tác giả phát biểu tại buổi ra mắt sách |
Đông Hồ có tên dân gian là làng Mái. Đã có những câu ca dao về nghề làm tranh ở làng Mái, chắc là phải lâu lắm rồi, vì dường như ngày nay ít người biết được cái tên thuần Việt như vậy của làng.
Tranh Đông Hồ đã chứng tỏ có sức sống mãnh liệt, kinh qua mọi thăng trầm, để tồn tại cho đến ngày hôm nay. Đây là dòng tranh dân gian lâu đời nhất, đa dạng nhất và có số lượng sản phẩm nhiều nhất của Việt Nam. Tranh Đông Hồ một thời còn vượt không gian để đi đến những nước châu Âu xa xôi, khi mà đây là một trong những mặt hàng văn hóa đại diện cho di sản dân tộc sớm được xuất khẩu đi nước ngoài.
Chính vì vậy mà tranh Đông Hồ đã được nhà nước xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 27 tháng 12 năm 2012 (Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL số 32 trong danh mục do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ký) và đang đệ trình hồ sơ lên tổ chức UNESCO để xếp hạng di sản văn hóa toàn cầu.
Nằm giữa một vùng văn hiến Kinh Bắc, dòng tranh này đã hội tụ được tâm thức ngàn năm của người Việt chất phác, đáng yêu với những ước vọng nho nhỏ quanh cuộc sống bình dị. Chủ yếu họ là những người nông dân trồng lúa nước, một nắng hai sương nhưng rất đỗi lạc quan yêu đời. Tranh là phương tiện để họ miêu tả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mình, cũng là phương thức để họ giao cảm với thần linh, thể hiện đời sống tín ngưỡng.
Không những thế, tranh Đông Hồ còn là những tác phẩm nghệ thuật thực sự với cách phối màu độc đáo, cách in nét, in mảng đặc trưng. Đấy là những bức tranh quê với một chút sặc sỡ để làm nổi bật trong khung cảnh các nếp nhà tranh thâm trầm giản dị. Bức tranh Đông Hồ như tín hiệu rõ nét báo mùa Xuân đã xông đất vào từng nhà.
Tranh Đông Hồ thực sự là một món ăn tinh thần không thể thiếu được của mọi gia đình, được coi là hằng số của Tết Việt bên cạnh những “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.