Những ngày tác nghiệp “mùa COVID-19” không quên
Tự cách ly với gia đình để phòng dịch
Công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng và công tác truyền thông y tế nói chung được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế góp phần đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Nếu gọi bác sĩ là chiến sĩ tuyến đầu chống đại dịch COVID-19 thì phóng viên phụ trách mảng y tế cũng giống như những người lính xông pha trên chiến tuyến thông tin.
Trong suốt thời gian từ năm 2020 - 2022, thông tin về dịch COVID-19 luôn được đưa tin đậm nét trên các báo nói chung và báo Tuổi trẻ Thủ đô nói riêng.
Phóng viên Phương Thu (báo Tuổi trẻ Thủ đô) phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 thường xuyên trước các cuộc họp khẩn liên quan đến công tác phòng dịch |
Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu thông tin của người dân tăng cao về diễn biến tình hình dịch bệnh, các hoạt động phòng, điều trị, khuyến cáo, thông điệp phòng dịch… thì các bài viết tuyên truyền trên báo đòi hỏi độ chính xác, tin cậy để đẩy lùi những luồng thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Đến bây giờ, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, những phóng viên y tế vẫn không thể quên những ngày tháng “cao điểm” đó.
Nghề báo có lẽ là một trong số ít nghề nghiệp không vì dịch COVID-19 mà ngừng lại. Thậm chí, các phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí còn phải làm việc với cường độ công việc cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường.
Đứng trước nỗi lo lắng mình có thể không may nhiễm bệnh nhưng chúng tôi vì đặc thù công việc vẫn phải có mặt tại các “điểm nóng”, khu cách ly, vùng dịch hay các bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thời điểm dịch bùng phát đúng mùa hè nắng nóng, mặc bộ đồ bảo hộ mới nửa tiếng mà chúng tôi đã không thể chịu nổi; Lúc đấy thấy xót thương các y, bác sĩ, những người cả ngày phải mặc bộ đồ đó, không biết sẽ khó chịu và khổ như thế nào.
Bởi vậy trong quá trình tác nghiệp, bản thân các phóng viên y tế phải luôn coi trọng vấn đề an toàn lên hàng đầu; Tránh nguy cơ lây nhiễm để không trở thành gánh nặng cho xã hội và tiếp tục góp sức trên mặt trận chống dịch.
Các phóng viên sau khi rời “điểm nóng” hay bệnh viện, khu vực là “tâm dịch” thời điểm đó đều phải tuân thủ khai báo y tế và tự cách ly với gia đình, người thân, hàng xóm… Nhiều người mẹ trẻ không dám tiếp xúc với con nhỏ trong nỗi nhớ khôn nguôi.
Trước khi tham gia những cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp bất kể ngày đêm, việc xét nghiệm COVID-19 cũng được thực hiện thường xuyên để đảm bảo phòng dịch. Đến giờ, nhiều nhà báo vẫn “quen” với cảm giác “bị chọc mũi”.
Dịch COVID-19 đã làm đảo lộn nếp sinh hoạt của rất nhiều người, trong đó có gia đình các phóng viên y tế.
Chúng tôi phải trực các bản tin “nóng” từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Hễ thấy điện thoại báo có tin nhắn là lại lao vào chiếc máy tính để cập nhật những dòng tin tức “nóng” hổi. Số liệu nhảy múa liên tục khiến chúng tôi nhiều phen hoa mắt, đau đầu... bỏ dở những bữa cơm chiều.
Những “chiến binh” trên tuyến đầu thông tin
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ: “Y tế là ngành đặc thù, công tác truyền thông tốt sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân; Từ đó không chỉ bảo vệ, nâng cao sức khỏe mà còn góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với hệ thống an sinh xã hội”.
Ngành Y tế đã thiết lập, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ công tác truyền thông y tế với các cơ quan, đơn vị ngoài ngành; Tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và tầm ảnh hưởng của cơ quan báo chí truyền thông. Cùng với đó, truyền thông y tế hướng đến sự đổi mới nội dung, phương thức cung cấp thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, sử dụng triệt để thế mạnh của mạng xã hội, truyền thông số.
Nhóm phóng viên y tế tác nghiệp tại các điểm nóng dịch COVID-19 |
Các văn bản chỉ đạo, điều hành đã được mềm hóa bằng nhiều hình thức như: Infographic, video clip, audio clip, MV ca nhạc, poster, phim hoạt hình, vũ điệu nhảy…
Bên cạnh đó, phân khúc sản phẩm truyền thông tính đến từng nhóm đối tượng theo đặc điểm về độ tuổi, giới tính, vùng miền, văn hóa khác nhau để tạo nên nhiều chiến dịch truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, Zalo, YouTube, Viber, TikTok…
"Do đó, những thông tin y tế chính thống cần phải chiếm ưu thế và chủ đạo trong các luồng thông tin xã hội nhằm tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân; Góp phần tạo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò của truyền thông chính thống lớn và quan trọng như thế nào.
Khi nói đến truyền thông chính thống, tất nhiên báo chí đứng ở vị trí trung tâm nhưng bên cạnh đó còn có những kênh truyền thông khác cũng phát huy kết quả. Ví dụ như kênh thông tin cơ sở: Hệ thống loa đài phường, xã đến tận thôn, xóm, bản tuyên truyền về kỹ năng phòng chống dịch, cập nhật thông tin để nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong Nhân dân, từ đó góp phần quan trọng vào thành công của công tác chống dịch”.
Giờ cuộc sống đã bình yên nhưng những phóng viên y tế vẫn không thể quên những ngày “chiến đấu” vất vả, đầy ắp những thông tin về đại dịch COVID-19.