Những ngôi nhà màu vàng
Những ngôi nhà màu vàng là một trong những vẻ đẹp đặc trưng của Hà Nội
Bài liên quan
Ca sĩ Triệu Trang ra mắt 9 album đúng ngày 9/9/2019
Việt Nam được đánh giá cao về năng lực cạnh tranh du lịch
Vui chương trình Trung thu “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn”
Vẫn còn đó một Hà Nội thong dong xe đạp
Cho đến khi, một người thân ở phương Nam ra thăm Hà Nội và một người ở miền núi phía Bắc cũng xác nhận là thực sự thích những ngôi biệt thự cổ của Pháp để lại với màu vàng đặc trưng thì tôi tin, đây đích thị là một trong những vẻ đẹp đặc trưng của nơi này.
Không phải là một nhà nhiếp ảnh chuyên săn tìm những góc nhìn lộng lẫy của Hà Nội thời hiện đại để thu vào ống kính nhưng từ lâu tôi vẫn có thói quen như một sự thú vị của riêng mình. Vào những lúc rảnh rỗi tôi thường đi bộ quanh khu trung tâm của Hà Nội, len lỏi vào cả các ngõ nhỏ để ngắm nhìn những ngôi nhà, vườn cây.
Cũng có khi tôi đi xe máy vào các khu phố cổ, phố cũ như Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Tràng Tiền, Hàng Đào, Đồng Xuân… Không gian mang vẻ gần gũi thiên nhiên nơi đây khiến tôi thường thấy lòng mình như dịu lại.
Những điểm nhấn kiến trúc của Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội), Trường Đại học Dược, Ngân hàng Nhà nước...; hoặc giản dị hơn, những ngôi biệt thự cổ màu vàng ẩn dưới bóng hoàng lan cổ thụ luôn khiến tôi có được cảm giác của sự bình yên.
Sống giữa một đô thị đang phát triển như ở Hà Nội, nhiều người cảm thấy tự hào bởi những mảng kiến trúc của những khu phố Pháp được thiết kế theo các nguyên tắc của một “thành phố vườn” còn sót lại. Đó thực sự là những điểm nhấn kiến trúc, là khoảng nghỉ thật sự thú vị.
Phần lớn những biệt thự cổ hiện nay ở Hà Nội được các kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng từ đầu thế kỷ 20 cho tới khoảng năm 1945. Dường như ai cũng nhận ra rằng, khu phố Pháp thực sự là tài sản kiến trúc vô cùng quan trọng của Hà Nội, thậm chí lối kiến trúc độc đáo này đã trở thành một quỹ di sản kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, kết hợp hài hòa với các thành phần kiến trúc và cảnh quan đô thị truyền thống. Tuy nhiên, thời gian chảy trôi, đến giờ nhiều dấu ấn kiến trúc độc đáo ấy đang bị mai một.
Nhiều năm về trước, tôi ở nhờ nhà người thân ở khu tập thể 16 Trần Hưng Đạo một thời gian. Dù ngắn thôi nhưng cũng để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Đối diện khu tập thể là biệt thự số 13, bên trong sân có hai cây chuối cảnh được trồng lâu lắm rồi, nên cao vút và phía trên có cái tổ chim to sụ.
Đó là tòa nhà có màu vàng nhạt rất đẹp, tường rào xây bằng gạch chùm giàn hoa giấy và dây leo xanh mướt. Ngôi nhà thâm u, cánh cổng thường khép chặt ấy luôn có một sức hút mãnh liệt với tôi. Có nhiều buổi sáng, hay những khuya đêm, tôi ngồi lặng yên bên này đường nhìn ngắm ngôi biệt thự cổ, gửi gắm một mơ ước xa vời.
Một ngày nọ, thấy diễn viên Trần Lực cùng êkíp quay phim ghi hình. Tôi không rõ là bộ phim gì, nhưng dường như đó cũng là khoảnh khắc cuối cùng tôi thấy ngôi nhà ấy trong không gian sống nguyên sơ, chưa bị xô đẩy bởi nền kinh tế thị trường. Bây giờ mỗi khi có dịp ngang qua đây, tôi lại xao xác những hồi ức mong manh của mình về ngôi nhà ấy. Giờ đây, biệt thự số 13 này đã trở thành nhà hàng sang trọng…
Nói tới những biệt thự cũ trong lòng thành phố, chắc chắn người ta đã, đang và còn sẽ bàn khá nhiều quanh việc bán các ngôi biệt thự. UBND Thành phố Hà Nội lập danh mục 1.253 nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954, phân loại thành các nhóm 1, 2, 3 để quản lý. Theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý sẽ không được tự ý phá dỡ.
Trường hợp biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND thành phố và HĐND thành phố (đối với biệt thự nhóm 1) và UBND thành phố (đối với biệt thự nhóm 2) cho phép phá dỡ, xây dựng lại.
Đối với biệt thự thuộc nhóm 2, chủ đầu tư phải có dự án xây dựng lại nhà biệt thự đảm bảo theo kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao) trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép phá dỡ công trình.
Nhìn trên thực tế thì thấy phần đa các biệt thự cổ đã bị cải tạo, cơi nới làm biến dạng. Một số liệu từ cuộc điều tra có thể chỉ ra cụ thể hơn: số biệt thự có 1 - 2 hộ dân chỉ chiếm 5%, có từ 5 - 10 hộ dân chiếm 50%, còn lại khoảng 40% số biệt thự có từ 10 - 15 hộ ở, cá biệt có biệt thự có tới 35 - 40 hộ ở.
Chỉ một vài con số như vậy, đủ để những người ưa hoài niệm cảm thấy chút gì đó giống như nuối tiếc, giống như ngậm ngùi. Thực ra thì việc bán hay giữ lại những ngôi biệt thự cũ là một câu chuyện dài và khá phức tạp.
Nhất là trong thời gian qua, có những vụ sập biệt thự cổ gây thiệt hại về người và của khiến dư luận hoang mang. Điển hình vụ việc xảy ra vào 12h45 ngày 22/9/2015, ngôi nhà 2 tầng nổi, một tầng hầm nằm trong ngõ cách mặt đường Trần Hưng Đạo (rộng khoảng 50m) tại số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bất ngờ sập toàn bộ tầng 2, gạch vữa, mái tôn đổ xuống xâm lấn lối đi hai bên, vốn là nơi họp chợ, đè bẹp nhiều công trình phụ trợ của khối nhà phía trước, sau và hai bên và khiến nhiều người bị mắc kẹt.
Ông Vũ Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội từng cho biết: “Những căn biệt thự hiện sử dụng làm trụ sở các cơ quan, nhà công vụ được bảo tồn khá nguyên trạng và được duy tu, sửa chữa hằng năm. Đó là các ngôi biệt thự hiện thuộc quản lý của các cơ quan như Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng... Còn những biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, nhất là những nhà có nhiều đồng sở hữu, thì quả là khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ”.
Như vậy, câu chuyện về những ngôi nhà màu vàng còn dài và cũng còn khó khăn trong cả bảo tồn, sửa chữa lẫn giữ gìn làm sao cho đẹp, cho an toàn. Bằng tất cả tình yêu và cảm xúc của mình với Hà Nội, tôi thấy thật sự tiếc khi đi qua rất nhiều khu phố cũ phố cổ bây giờ không được hút mắt nhìn ngắm những ngôi nhà màu vàng, mái ngói thâm nâu lấp ló sau bóng hoàng lan cổ thụ.
Đó là những nét cũ mà nếu gìn giữ được, nó mang “dáng hồn thu thảo”, nó dung chứa những giá trị của một đô thị có bề dày lịch sử. Đó cũng chính là báu vật cho con cháu sau này.
Tất nhiên, việc quản lý hay sửa chữa, hay ai sẽ sống và giữ các ngôi nhà ấy lại là việc không cho phép cảm xúc hay cảm tính. Ngay cả việc bán đi những biệt thự ấy cũng đồng nghĩa rồi đây Hà Nội sẽ mất đi nhiều ngôi nhà cũ, thay vào đó là một lối kiến trúc mới: pha tạp và tự phát. Điều ấy khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối.
Hà Nội vẫn còn có những khoảng không đô thị thật sự lý tưởng dành cho những người yêu thiên nhiên và hay hoài niệm, như quảng trường Nhà hát Lớn, như trước cửa Nhà thờ Lớn, hay quảng trường Đông kinh Nghĩa thục, Ngân hàng Nhà nước… Đó là những khoảng không gian nhiều khi rất tĩnh lặng, và đẹp hiếm hoi còn sót lại giữa đô thị dư thừa sự hối hả, ồn ào như Hà Nội hôm nay.