Những nhà báo đặc biệt
Báo chí trong cuộc đua khốc liệt thời 4.0 |
Nhà giáo nói về nghề báo |
Người lính cầm bút và hành trình thiện nguyện
Năm nay đã gần 16 năm Trung tá, nhà báo Hoàng Trường Giang (công tác tại báo Quân đội Nhân dân) nhập ngũ. Hành trình khoác lên mình bộ quân phục màu xanh đầy tự hào cho anh cảm nhận về nghề vô cùng thiêng liêng và vinh quang - bảo vệ Tổ quốc. Trên chặng đường ấy, người lính cầm bút Hoàng Trường Giang đã dành một phần tuổi trẻ tươi đẹp nhất của mình để dấn thân vào những cung đường chưa trải nhựa.
Trung tá Hoàng Trường Giang tâm sự: “Nghề báo, nghiệp lính đã cho tôi cơ hội được đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều khó khăn vất vả của đồng đội và Nhân dân nên trong lòng luôn đau đáu làm sao để giúp được họ”.
Tâm ý tốt đẹp ấy là động lực cho anh hành động. Dấu chân người lính đi qua hàng trăm bản làng, thôn xóm vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Sau mỗi chuyến đi là những điểm trường mới, nhà bán trú được mọc lên, những suất học bổng được trao tặng, thêm nhiều cuộc đời khó khăn được anh giúp đỡ…
Trung tá, nhà báo Hoàng Trường Giang trong một chuyến thiện nguyện |
Một người bạn cùng thời đại học của anh kể, 20 năm trước, ngay từ thời sinh viên, Giang cũng luôn là một người hào hiệp, quan tâm đến bạn bè trong lớp, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Sinh viên xa nhà, đôi khi chỉ là chia sẻ bát mì tôm cuối tháng, chút tiền khi ốm đau, bộ quần áo mới... Với công việc chung, Giang xông xáo, nhận việc về mình. Tính cách ấy Giang giữ cho đến tận bây giờ, khi chọn cho mình hành trình thiện nguyện hơn một thập kỷ qua.
Nhà báo Hoàng Trường Giang chia sẻ, những ngày đầu kinh nghiệm còn non nớt, các mối quan hệ xã hội ít, nguồn cung cấp thông tin thiếu khiến cho việc tổ chức huy động, kêu gọi tài trợ của anh rất gian nan. Lúc ấy, nhiều người nói anh “đèo bòng”, thích thể hiện, rồi chẳng bao lâu là chán. Thế rồi cái sự “đèo bòng” ấy của chàng lính cũng kéo dài đến hơn 15 năm và vẫn sẽ còn tiếp tục.
Đến hiện tại, anh đã trực tiếp tham gia tổ chức huy động, tài trợ xây dựng hơn 30 điểm trường, nhà bán trú, nhà ăn, công trình nước sạch, đường điện nông thôn; Trao tặng hàng vạn chăn, áo ấm, đồ dùng học tập, hàng trăm suất học bổng; Kêu gọi hàng tỷ đồng qua các chương trình hỗ trợ đồng bào thiên tai, lụt bão, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… 15 năm lăn lộn với hành trình thiện nguyện đã lựa chọn, Trung tá Hoàng Trường Giang khoe gia tài của anh chính là hàng trăm lá thư ngỏ, thư cảm ơn, hồ sơ, hợp đồng tài trợ và biết bao những ân tình…
Từ tấm bằng khen đỏ chói dấu Quốc huy đến cả trang giấy ô li nhàu nát với dòng chữ nguệch ngoạc sai chính tả của những đứa trẻ mồ côi viết cho anh. Người lính cầm bút ấy luôn khiêm tốn cho rằng, trong cuộc hành trình đó, anh chỉ là một chiếc cầu treo nhỏ bé bắc qua hai bờ trao - nhận nhưng có lẽ ai cũng hiểu, thực tế anh đã cho đi rất nhiều, thời gian, công sức, tài chính và cả những tâm huyết của mình để nối bao tấm lòng nhân ái, đưa nguồn tài trợ đến với đồng bào, chiến sĩ, trẻ em nghèo trên mọi miền Tổ quốc.
Nhà thơ đi làm báo
Chị Hạ Ly (báo Xây dựng) vừa là nhà báo vừa là nhà thơ, nhà văn với nhiều cuốn sách đã xuất bản như “Tóc chị mùi phù sa”, “Ký ức màu tro” nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả.
Nhà báo Hạ Ly trải lòng: “Tôi yêu câu chữ đến say mê, tôi thích nhào nặn, thủ thỉ, tâm sự với nó trong những vần thơ, câu văn của mình. Rồi “nghề chọn người”, thấm thoắt tôi trở thành phóng viên báo Xây dựng hơn 10 năm”. Làm báo cho chị được đi nhiều nơi, trải nghiệm các miền đất nước, được tiếp xúc với nhiều cuộc đời, những con người đặc biệt, giàu sang, nghèo khó và cả những bộ óc thông minh xuất chúng… Chị đã quan sát, học hỏi và góp nhặt những kiến thức từ họ, để thêm dồi dào tri thức và hoàn thiện bản thân hơn.
Nhà báo, nhà thơ Hạ Ly phỏng vấn tỷ phú ngành xây dựng tại Hội nghị Thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN |
Chị Hạ Ly kể, những ngày mới chập chững vào nghề, có người từng nói: “Văn chương thơ phú vào đây làm gì?” khiến chị không ít lần rơi nước mắt nhưng cũng có người động viên “Giữa các bài về xi măng, cốt thép, xây dựng… thì những bài mang đậm tính nhân văn, chân thực của em cũng là một nét làm mềm mại tờ báo”.
Nữ nhà báo chia sẻ, trong quá trình “tập bơi” ấy, chị vẫn băn khoăn một câu hỏi “Văn chương và làm báo có hỗ trợ nhau không hay cái nọ giết chết cái kia?” nhưng qua tìm hiểu, những tên tuổi lớn trong làng báo Việt Nam như Vũ Đình Chí, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng và rất nhiều người khác, đều cùng lúc viết song song báo chí, văn chương và cả hai lĩnh vực đều nổi tiếng.
Điều đó cho Hạ Ly có động lực và quyết tâm hơn với nghề báo. Chị không nghĩ bản thân sẽ được giỏi như họ mà chỉ mong có thể dùng văn chương để vốn liếng ngôn từ trong báo chí của chị được sống động, khả năng liên tưởng dồi dào, lối viết biến hóa linh động hơn.
“Bên cạnh việc làm nghề thì cảm xúc văn chương cũng cho tôi sự thấu đáo trong nhìn nhận một sự việc hay con người, giúp tôi gần gũi hơn với người tôi cần tiếp xúc, giúp cho tôi biết cảm thông hơn trong những câu chuyện với họ ngoài nghề. Hơn 10 năm, một nhà thơ đi làm báo, tôi vẫn là kẻ khờ khạo trong biển đời tri thức nhưng thấy mình thật may mắn khi được đứng trong đội ngũ của những nhà báo cách mạng Việt Nam”, nhà báo Hạ Ly bày tỏ.
Nữ MC làm kinh tế giỏi
MC Kim Ngân là cô gái 8X “đa zi năng”, nhiều thế mạnh. Xuất phát điểm từ nghề y, Kim Ngân từng làm công tác khám chữ bệnh cho các học viên, chiến sĩ tại Học viện Cảnh sát Nhân dân. Sau đó, cô nàng cá tính muốn được “xê dịch” nhiều hơn nên đã xin nghỉ việc, rẽ ngang sang làm kinh doanh. Kim Ngân góp vốn cùng với bạn mở nhà hàng. Ban đầu là một nhà hàng ăn gần ngay Học viện Cảnh sát Nhân dân. Sau đó, cô làm chủ quán cà phê - nhà hàng theo mô hình xanh tại Hà Nội.
Nữ MC Kim Ngân |
Phải nói rằng cô gái sinh năm 1988 rất có duyên với kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Những nhà hàng cô mở ra đều đông khách, mang lại nguồn thu nhập cao. Bên cạnh kinh doanh dịch vụ, cô còn đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, phòng khám, bất động sản... Sau khi công việc kinh doanh đi vào ổn định, cô nàng bắt đầu học hỏi, tìm kiếm cho mình cơ hội phát huy khả năng dẫn chương trình, diễn xuất để theo đuổi niềm đam mê “lên sóng”. Nỗ lực cố gắng rồi cơ hội cũng đã đến, Kim Ngân trở thành một người dẫn chương trình cho báo Pháp luật Việt Nam và cộng tác với một số cơ quan báo chí khác như báo Đại biểu Nhân dân, tham gia diễn xuất một số bộ phim của Đài Truyền hình Việt Nam.
Nữ MC chia sẻ: “Làm báo, làm MC cho tôi rất nhiều bài học, kinh nghiệm và mối quan hệ tốt. Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ trước ống kính, bản tin dẫn, đến nay, tôi thấy bản thân chững chạc hơn, bởi yêu cầu cao của nghề. Khi lên hình trước đông đảo công chúng, không chỉ điều chỉnh ngữ điệu, giọng nói, tôi còn phải chuẩn bị kỹ lượng từ cách ăn mặc, trang điểm… làm sao cho mình thật sự chuyên nghiệp. Chính điều này cũng giúp tôi chỉn chu hơn trong kinh doanh”.
Theo Kim Ngân, khi làm MC, vào các vai diễn cô xuất hiện rất nhiều trước công chúng, khán giả, cung cấp thông tin cho người dân cả nước. Vậy nên, tất cả mọi thứ đều cần chuẩn chỉnh, chính xác, không được phép mắc sai lầm; Còn khi làm kinh doanh phải luôn biết tính toán với những con số, lỗ - lãi… Cô cảm thấy hài lòng khi những công việc đang làm hỗ trợ rất tốt cho nhau.
Dù xuất hiện muộn hơn so với các bạn cùng trang lứa trên truyền hình, báo chí nhưng Kim Ngân đã nhanh chóng khẳng định những màu sắc riêng của mình trong nghề. Cô luôn tâm niệm, làm MC hay kinh doanh đều là những con đường đáng để đi qua, dù đầy chông gai.