Những nhà báo “sống” trong phong trào Đoàn
Hội Nhà báo TP Hà Nội giành nhiều giải thưởng tại Hội Báo toàn quốc Mỗi bài báo viết ra phải đúng pháp luật, thuận lòng dân |
Mỗi chuyến đi là một bước trưởng thành
Nhà báo Phan Linh công tác tại Báo Nhân dân. Anh theo dõi sát sao mảng Đoàn - Hội - Đội. Nếu có dịp gặp gỡ anh, có lẽ ai cũng cảm nhận được sự trẻ trung, năng động trong mỗi cử chỉ, lời nói.
Nhà báo Phan Linh chia sẻ: “Với tôi, luồng năng lượng đặc biệt này xuất phát từ chính những chuyến rong ruổi cùng các cán bộ Đoàn, đoàn viên trên khắp mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên ở cả trong và ngoài nước”.
Nhà báo Phan Linh |
Anh Linh kể, mỗi khi được nghe lời nhận xét thẳng thắn: Là nhà báo, được đi đây đi đó suốt ngày, sướng thật đấy! anh luôn mỉm cười. Nghề báo nói chung và lĩnh vực theo dõi công tác Đoàn nói riêng là công việc vô cùng đặc thù, nói là “sướng” cũng đúng, mà vất vả cũng chẳng sai. Khác với những lĩnh vực khác, phóng viên theo dõi Đoàn Thanh niên không chỉ cần có kiến thức sâu rộng, mà còn phải hiểu về tâm lý, nhu cầu chính đáng hay trào lưu của tuổi trẻ và thật sự “sống” trong những phong trào, hoạt động mà các cấp bộ Đoàn trên cả nước đang từng ngày, từng giờ sôi nổi thi đua triển khai.
Nhà báo 8X này từng có cơ hội cùng đoàn viên, thanh niên tới những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, về các địa chỉ đỏ cách mạng, hơn nữa là đến với Trường Sa, tham gia những chương trình giao lưu với thanh niên các nước…
Anh Linh tâm sự: “Có một chuyến đi mà tôi luôn coi là kỷ niệm đặc biệt trong suốt mười mấy năm làm nghề. Đó là vào dịp cuối tháng 10/2022, đoàn công tác của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đến đồng bằng sông Cửu Long để động viên, chia sẻ với giáo viên tiêu biểu, cống hiến với nghề “gõ đầu trẻ”. Sau khi trò chuyện với một cô giáo, chúng tôi có phần bất ngờ trước lời mời đến chơi nhà học sinh (em Bảo Long) mà cô coi như con cái trong gia đình”.
Anh Phan Linh tác nghiệp tại lán của các thầy cô vùng biên |
Cuộc gặp gỡ nơi vùng khó đó để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhà báo Phan Linh. Anh cho biết, lúc trời nhá nhem tối, cơn mưa ngày càng nặng hạt, anh và đoàn công tác bì bõm lội qua những thửa ruộng ngập bùn lầy để đến với “căn nhà” Bảo Long sinh sống. Căn nhà lụp xụp, nghiêng ngả trên nền đất ruộng hiện chỉ còn một nửa phần mái. Mỗi lần mưa đổ, bà ngoại và Bảo Long lại cố gắng tìm mọi cách che chắn cho người mẹ trẻ đã mất khả năng nhận thức nằm ở một góc nhà.
Mẹ Long phát bệnh từ khi em mới 4 tháng tuổi và từ đó chỉ còn có thể nằm một chỗ. Đây cũng là lúc bố cậu bé bỏ đi nơi khác. Ông bà ngoại em vốn rất nghèo, cũng đau yếu quanh năm nhưng vẫn cố làm thuê làm mướn qua ngày để nuôi hai "đứa con thơ" là con gái và cháu ngoại.
Điều kiện thiếu thốn là vậy nhưng Bảo Long vô cùng ham học, luôn là con ngoan trò giỏi của gia đình, nhà trường. Có bữa, được thầy giáo dạy cách xào rau muống với tỏi, em đã chạy thật nhanh về nhà nói với bà ngoại: "Ngoại ơi, con làm cho ngoại món này ngon mà sang trọng lắm nè...". Tới lúc biết cháu ngoại làm món gì, người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, một lần nữa lại không cầm được nước mắt...
Nhà báo Linh cho rằng, phóng viên theo dõi Đoàn Thanh niên phải thật sự “sống” trong những phong trào, hoạt động của Đoàn, giới trẻ |
“Tâm trạng ngổn ngang đầy suy nghĩ, tôi cùng nhiều phóng viên trong đoàn công tác bất giác lục tìm trong ví, gom tiền mặt tặng gia đình Bảo Long. Chuyến công tác kết thúc, trở về Thủ đô, tôi mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của cậu học trò vượt khó nơi miệt vườn xa xôi trên trang mạng xã hội.
Đồng cảm với hoàn cảnh đó, đã có không ít đồng nghiệp, bạn bè, người thân của tôi chung tay quyên góp được một khoản tiền không quá khiêm tốn, gửi đến Trường THCS Lê Quốc Việt để các thầy, cô giáo trực tiếp hỗ trợ gia đình Bảo Long. Đã vài năm không gặp lại nhưng tôi luôn tâm niệm, nguồn lực nhỏ bé ấy đã giúp Bảo Long tiến thêm những bước chắc chắn trên đường đời”, nhà báo Phan Linh bày tỏ.
Nạp nguồn năng lượng tích cực từ bạn trẻ
Nhà báo Vũ Thơ (Báo Thanh niên) đã gắn bó rất nhiều năm với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Chị Thơ cho biết, nhờ công tác thanh niên mà chị được đến rất nhiều nơi, nhiều “địa chỉ đỏ” đã ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc.
Nhà báo Vũ Thơ |
Theo dõi mảng Đoàn - Hội, nữ nhà báo có thêm nguồn năng lượng tích cực và đặt chân đến những nơi không phải ai cũng có thể dễ dàng tới. Năm 2023 vừa qua có lẽ là năm “xuống biển” của chị, vì đã đến được hai nơi xa, khó đến nhất của Tổ quốc là: Quần đảo Trường Sa và đảo Bạch Long Vĩ. Từ những chuyến đi này, nữ nhà báo đã có loạt phóng sự tâm huyết nhất trong cuộc đời làm báo: “Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa”. Loạt bài này cũng đạt giải A Giải báo chí của Trung ương Đoàn.
Trong hành trình đến Trường Sa đầy ấn tượng, nữ nhà báo đã được chứng kiến và tận mắt trải nghiệm những câu chuyện xúc động, ấn tượng sâu đậm. Chị Thơ kể: Có người đến với Trường Sa đã thốt lên “Tôi sẽ không phải là tôi của ngày hôm qua nữa”. Bảy ngày lênh đênh trên Biển Đông, với cái nắng gió khốc liệt của Trường Sa, có lúc bị những cơn sóng bạc đầu hất lên cao, rồi lại vùi xuống biển trên những chiếc ca nô chở vào đảo, chị cũng như “đồng đội” đã phải vượt qua nhiều thử thách nhưng gặp được rất nhiều người yêu đất nước. Một hải trình đẫm mồ hôi, đầy nước mắt nhưng đầy tự hào về Tổ quốc”.
Nhà báo Vũ Thơ cùng chiến sĩ ở Trường Sa |
“Làm phóng viên theo dõi công tác thanh niên thì hầu như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, không có khái niệm ngày hay đêm; có khi làm việc đến 12h đêm, 5h sáng đã dậy đi công tác, rồi lại trở về nhà lúc 12h đêm. Có những tuần kéo dài 30 ngày vì tôi không có ngày nghỉ thứ bảy, Chủ nhật nào… Tuy nhiên được đi tiếp xúc với những bạn trẻ giỏi giang, tôi cũng được nạp nguồn năng lượng tích cực, để tiếp tục làm việc”, nhà báo Vũ Thơ bày tỏ.
Năm 2023 cũng là năm diễn ra Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam các cấp. Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 11 khép lại với nhiều ấn tượng. Nữ nhà báo chia sẻ: “Mình thích nhất câu của Chủ tịch nước phát biểu tại đại hội: “Thưa các bạn sinh viên, Tổ quốc nhìn thấy tương lai tươi sáng của mình trong sức sống căng tràn và trong những ước mơ, hoài bão cao đẹp của các bạn”. Chính các bạn trẻ, cán bộ Đoàn - Hội cũng đã tiếp thêm lửa, niềm đam mê nghề báo của tôi”.
Nhà báo Vũ Thơ tham gia chương trình “Tháng ba biên giới” |
Từ nghị trường ra đời thường, làm báo quả thật đa sắc màu cuộc sống. Chị Thơ được gặp gỡ những nhân vật như cổ tích. Chị kể, sau 3 năm trở lại thăm trại trẻ mồ côi của ông Nguyễn Trung Chắt - người cha có 292 đứa con
ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, chị lại được chứng kiến một câu chuyện như trong cổ tích. Một người bị ông Chắt đâm vào xe gây hư hỏng phải sửa tốn 6 triệu nhưng không bắt đền, còn đến Trung tâm nuôi trẻ của ông thăm và tặng quà.
Nữ nhà báo cũng gặp lại bé Thư được ông nuôi từ khi mới lọt lòng, nay đã 5 tuổi nhanh nhẹn, hoạt bát và đã biết tự giặt quần áo, rửa bát, quét nhà và đặc biệt ngã là tự đứng lên chứ không khóc…
Những câu chuyện đời thường, những câu chuyện của người làm báo, của hàng loạt chuyến hành trình cùng tổ chức Đoàn - Hội, cùng các bạn trẻ đã được nhà báo Vũ Thơ, cũng như nhiều nhà báo theo mảng này chắp bút và đăng tải; từ đó trên những trang báo in, điện tử, cuộc sống hiện lên cũng thật muôn màu và nhiều thông điệp yêu thương.