Những sắc màu tình yêu
Hạnh phúc viên mãn từ tình yêu học trò |
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, với trái tim yêu nồng nàn, rộng mở, những trải nghiệm cuộc đời phong phú và cái nhìn tinh tế, đã có những bài thơ hay viết về tình yêu. Lạc vào thế giới nghệ thuật thơ ông, nhất là những thi phẩm về tình yêu, người đọc luôn bất ngờ với những liên tưởng thú vị, tràn đầy năng lượng tích cực, ăm ắp tin yêu và lắng đọng thật nhiều dư vị nhân văn sâu sắc.
Trong bài thơ “Cầu vồng sau mưa”, đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô mới đây, những cung bậc đa sắc của tình yêu đã được nhà thơ khắc họa tinh tế, mang đến cho chúng ta những trải nghiệm thẩm mỹ bất ngờ, đầy cảm xúc.
Những chiếc cầu vồng rực rỡ sau mưa mang đến cho mọi người cảm xúc thật đặc biệt khi được chứng kiến |
Ở khổ thơ đầu tiên, nhà thơ đã mang đến bất ngờ đầu tiên khi mở ra không gian nghệ thuật bằng một hình ảnh rất gợi cảm: cầu vồng sau mưa. Xưa nay, nghệ thuật đã dụng công sáng tạo về khoảnh khắc đặc biệt này của đất trời, bởi đó là biểu tượng của sự sống và niềm hy vọng. Với góc nhìn độc đáo, nhà thơ đã ví cầu vồng như là men say, là “rượu ngon” của nhà nhiếp ảnh, khắc sâu cảm nhận về ý nghĩa của khoảnh khắc, của những khát khao mê đắm. Không “hồi hộp” sao được, không “nín thở”, không “vội vàng” sao đặng khi ân huệ của đất trời hoài thai trong hình hài mong manh, hư ảo của “một vệt sáng hiếm hoi”?
Cầu vồng sau mưa như “rượu ngon” với nhà nhiếp ảnh
Hồi hộp, nín thở nhìn trời
Mưa vừa ngừng, vội vàng xách máy
Ghi vội cảnh nền trời một vệt sáng hiếm hoi!
Còn đối với anh, nhân vật trữ tình của bài thơ, cầu vồng không chỉ là men say sáng tạo, mà còn là niềm nuối tiếc lớn lao khi tình yêu cứ gập ghềnh, trắc trở. Giữa dòng đời ngược xuôi, số phận tạo cơn cớ đẩy đưa “anh và em cứ xa, xa mãi”:
Anh và em cứ xa, xa mãi
Như hai nơi, hai điểm cầu vồng
Sao Trời lại bắt ta ngăn cách?
Giống phận hai bờ của một dòng sông!
Nỗi niềm xót xa đôi lứa chẳng thể nên duyên như sở cầu, trong liên tưởng với “hai điểm cầu vồng” là ý thơ đầy sáng tạo, làm bật nên những da diết, nhớ thương, trở thành nỗi khắc khoải thường trực khôn nguôi. Số phận có ý trêu người, để rồi anh và em cứ như đôi bờ sông, khao khát hướng về nhau mà mãi mãi chẳng thể hợp thành.
Nỗi nhớ nhung lớn đến như thế, tình yêu sâu đậm đến như thế, mà phải đành xa nhau thì câu hỏi ấy phải gửi đến trời xanh mới thấu! Mối liên kết chiều sâu của hình ảnh cầu vồng và câu chuyện tình của lứa đôi chính là ý nghĩa về khoảnh khắc, về sự nhỏ bé của khát vọng con người trước đất trời mênh mông và số phận vần xoay. Và chính từ điểm nối nghệ thuật ấy, nhà thơ đã mở ra lối thoát của tình yêu sâu đậm, một tình yêu không chấp nhận đầu hàng số phận:
Đành gửi tình em vào con nước
Chảy xuôi ra bãi tắm Đồ Sơn
Anh ngụp lặn trong phù sa đỏ mát
Nghe tiếng hát em gửi gió đồi thông…
Trong bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Dương Soái, người lính biên cương chiều chiều ra sông Hồng gửi nỗi nhớ về miền xuôi, để xua đi cái rét, để tình yêu sưởi ấm mọi mùa đông.
Nhà thơ gửi gắm niềm tin mãnh liệt rằng tình yêu chẳng bao giờ đổi thay |
Ở đây, nhà thơ Hồng Vinh đã có sáng tạo bất ngờ: anh gửi vào sông tình yêu của đôi ta, gửi vào đó niềm tin mãnh liệt rằng tình yêu chẳng bao giờ đổi thay, để rồi ở bãi biển Đồ Sơn, nơi dòng xuôi hòa hợp, anh được “ngụp lặn” trong chính niềm tin yêu của mình, trong chính những kỷ niệm chẳng thể nào phai nhạt… Đó là cách khả dĩ nhất để anh có thể chung sống với nỗi nhớ nhung da diết trong lòng. Khi niềm tin anh đã gửi vào sông nước, trái tim em, bóng hình em mặc nhiên dào dạt:
Du khách thường chọn bãi tắm nước trong
Còn anh muốn ở nơi nước đục
Nhận đều đặn nước sông miền ngược
Có hương tóc em mỗi buổi gội đầu…
Anh sẵn lòng đi ngược với số đông, đi ngược dòng đời, chẳng chọn bãi tắm nước trong, mà đi tìm nơi nước đượm phù sa, để được an yên trong niềm tin yêu của mình, để được giao hòa cùng em cho vẹn toàn nhung nhớ. Trở lại bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhà thơ Dương Soái, cả hai cùng hướng về nhau, cùng hướng về những chiến công cho đến ngày khải hoàn, thì dù có xa cách đấy, dù có vất vả đấy, thì ở một góc độ nào đó, lứa đôi đang hạnh phúc.
Rồi hạnh phúc sẽ đến với những tấm chân tình |
Trong khi đó, anh hướng về em, nhớ về em trong chính hy vọng của mình. Sáng tạo của nhà thơ Hồng Vinh chính là ở đây: Trời có thể làm ta cách ngăn, số phận có thể đẩy anh và em xa mãi, nhưng tình yêu và hy vọng thì không gì có thể suy chuyển! Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, tứ thơ sẽ ít nhiều chông chênh, tình thơ sẽ ít nhiều bi lụy. Và sự chờ đợi, hy vọng của người đọc đã được nhà thơ thỏa mãn ở khổ thơ cuối đầy tinh tế:
Và chiều nay
Cơn mưa bóng mây thoáng rơi
Bỗng giấc mơ đêm
Hiện hình chiếc “cầu vồng” nối sông với biển!...
Sự tinh tế bắt đầu từ nhịp thơ, với hai câu ngắn xen giữa, tạo thành nhịp khấp khởi, tươi vui của cảm xúc, như chính cái khấp khởi của người nghệ sĩ khi đứng trước cầu vồng, của hạnh phúc vỡ òa. Cơn mưa bóng mây ban chiều và hình ảnh “chiếc ‘cầu vồng’ nối sông với biển” là thông điệp của sự đáp đền, là khẳng định sức mạnh bất diệt của tình yêu và niềm tin. Dù hạnh phúc chỉ đến trong giấc mơ đêm, nhưng đó là sức mạnh để anh không bao giờ từ bỏ hy vọng, để rồi nay mai, khi cơn mưa cuộc đời, cơn mưa số phận ngừng rơi, hạnh phúc đôi ta sẽ tỏa rạng như muôn sắc cầu vồng!
Hạnh phúc lứa đôi sẽ tỏa sáng dưới ánh cầu vồng |
Con người đến với thơ ca là để nhận được những hạt mầm hy vọng. Thơ ca sẽ không còn ý nghĩa nếu không thể mang đến cho con người điều đó. Trong thi phẩm “Cầu vồng sau mưa”, người đọc đã thực sự được trao những hạt mầm quý giá ấy. Cảm ơn nhà thơ đã truyền cho người đọc niềm tin yêu con người và cuộc sống giữa đời thường còn bộn bề gian nan trên chặng đường đi tới khát vọng xây đất nước đẹp giàu.
Hà Nội, tháng 10 năm 2022