Niềm đam mê huấn luyện chó nghiệp vụ
![]() |
Đó chỉ là một trong những bài tập huấn luyện trên thao trường tại Cục Quản lí huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (C69) ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. C69 trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động có nhiệm vụ tham mưu giúp Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ trưởng về công tác huấn luyện, đào tạo và sử dụng động vật nghiệp vụ trong thực hiện các nhiệm vụ mà Thủ trưởng cấp trên giao.
![]() |
Chứng kiến những buổi tập của các cán bộ, chiến sĩ Cục C69 với những cảnh khuyển mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà họ phải trải qua. Để đào tạo được những chú chó thông minh, hiểu nghiệp vụ, các cán bộ, chiến sĩ ở đây phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu.
Tai nạn nghề nghiệp thường xảy ra khi các cán bộ, chiến sĩ đóng giả là địch. Tại thao trường, yêu cầu đặt ra cho chú cảnh khuyển tham gia huấn luyện là phải biết tấn công tội phạm, lao vào cắn đối tượng. Anh Phong, cán bộ Phòng Chăm sóc động vật nghiệp vụ (Phòng 3) kể lại: "Tôi cũng từng bị chó cắn thương tích và phải vào bệnh viện điều trị suốt một tuần. Có lần tôi tham gia đóng vai kẻ địch trong buổi huấn luyện cho một chú chó Đức mới đưa về. Vì chưa có kinh nghiệm và kỉ luật nên khi có khẩu lệnh tấn công tội phạm, chú chó này đã lao đến cắn vào đùi tôi, thay vì phải cắn vào cánh tay có trang bị bảo hộ. Giờ đùi tôi có cả một chùm sẹo. Các cán bộ chiến sĩ ở đây vẫn thường đùa nhau rằng, chưa bị chó cắn thì chưa phải lính huấn luyện chó".
![]() |
Đại tá Nguyễn Trọng Chí, Cục trưởng C69 cho biết, trước khi đưa vào huấn luyện, mỗi chú cảnh khuyển phải có độ tuổi ít nhất từ 1 đến 2 năm. Khi các chú chó đã đảm bảo được các tiêu chuẩn về thần kinh cũng như thể chất, trọng lượng, không bị dị hình, dị tật thì chuyển qua hội đồng giám định, nếu đạt mới được đưa vào huấn luyện.
Việc giám định này căn cứ vào yêu cầu của từng chuyên khoa. Chẳng hạn huấn luyện chó chuyên làm công tác bảo vệ, truy tìm tấn công tội phạm thì phải chọn giống chó to, khỏe, hung dữ. Huấn luyện đối với chó giám biệt mùi, hơi phục vụ các vụ án hình sự thì phải chọn những con nhanh nhẹn, thần kinh cân bằng, linh hoạt...
Quá trình huấn luyện một con chó bình thường trở thành chó nghiệp vụ là quãng thời gian rất dài và gian nan. Nguồn chó thường được thu mua từ các cơ sở hợp đồng bên ngoài và làm công tác sinh sản phát triển giống ngay tại đơn vị. Nếu là chó của đơn vị nhân giống sinh sản, đủ độ tuổi từ 2 - 3 tháng sẽ đưa tới nhà của các cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm nuôi. Việc này sẽ giúp bồi dưỡng phẩm chất năng lực cho chó nghiệp vụ. Khi đủ độ tuổi lại tuyển trở lại đơn vị để đưa vào huấn luyện.
![]() |
Nữ cán bộ Hà Thu Trang, SN 1984, hiện công tác tại Phòng Sử dụng động vật nghiệp vụ (Phòng 6). Trang công tác tại đây đã 4 năm. Từ nhỏ Trang đã yêu thích động vật, đặc biệt là chó và mèo. Sau khi tìm hiểu thấy trong lực lượng CAND có ngành chó nghiệp vụ, Trang đã tự nguyện viết đơn xin gia nhập. Trang học ngành chăn nuôi thú y nên được giao nhiệm vụ làm bác sĩ thú y, công tác tại bệnh xá thú y của Trung tâm.
Trong quá trình công tác, Trang có nguyện vọng tìm hiểu thêm về công tác huấn luyện chó nghiệp vụ và cách huấn luyện chó hình thành được các phản xạ có điều kiện nên đã xin học thêm lớp huấn luyện chó nghiệp vụ tại cơ quan. Nhờ các đồng chí lãnh đạo ủng hộ, động viên, cộng thêm nỗ lực và lòng yêu nghề, sau 6 tháng, Trang đã hoàn thành tốt khóa học. Sau đó không lâu, Trang đã huấn luyện thành công một chú chó Malinios (Bergie Bỉ) trong công tác tìm kiếm chất ma túy.
Trang tâm sự: "Công việc của em rất vất vả, đặc biệt ít có thời gian dành cho gia đình. Em may mắn được chồng và gia đình luôn thông cảm, động viên. Cũng có lúc em nản lòng nhưng cứ đến cơ quan, nhìn thấy “người bạn đồng hành” là chú chó tên Ben, em lại hào hứng với công việc. Sự tiến bộ của Ben sau mỗi tuần, mỗi tháng như là động lực tiếp cho em thêm sức mạnh".
![]() |
Được biết, Hà Thu Trang là nữ chiến sĩ đầu tiên trong chuyên ngành chó nghiệp vụ của lực lượng CAND Việt Nam.
Những cán bộ, chiến sĩ bám trụ với nghề huấn luyện chó nghiệp vụ thường phải là những người thực sự có lòng đam mê và tinh thần cống hiến. Bởi lẽ, ngoài những khó khăn, hiểm nguy trên thao trường, nhiều chiến sĩ đã không tránh khỏi tâm lí e dè, mặc cảm vì ngày ngày chỉ loanh quanh bên chó.
Nhiều người chia sẻ, họ không dám nói ra cái nghề mà mình đang theo đuổi. Ngoài những vất vả và tự ti ấy, yếu tố kinh tế cũng là điều mà nhiều người phải quan tâm hàng đầu. Với đặc thù công việc vất vả và không ít hiểm nguy nhưng hầu hết các cán bộ, chiến sĩ ở đây chỉ có thu nhập bằng mức lương quy định.
![]() |
Hiện nay, Cục C69 đang tập trung huấn luyện chó theo 4 chuyên khoa: Chó chuyên giám biệt mùi hơi, chó tìm kiếm cứu nạn, chó tìm kiếm ma túy, thuốc nổ và chó truy lùng, tấn công.
Đối với những huấn luyện viên đặc biệt này, họ phải miệt mài tập luyện bất kể thời tiết nóng hay lạnh, ngày hay đêm. Bởi với đặc thù nghề nghiệp, nếu không được tập luyện và rèn luyện kĩ năng thường xuyên thì sẽ không thể có những chú cảnh khuyển tinh thông, đáp ứng tốt yêu cầu nghiệp vụ.
![]() |
![]() |
![]() |
Tình huống tấn công giả định
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Ra mắt sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp An Lộc Tích Lũy Thịnh Vượng

Hơn 3,3 triệu người sẽ nhận lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5 sớm

Khẩn trương tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5 năm 2025

Phổ biến Luật Thủ đô, Luật Công đoàn tới đoàn viên, người lao động

Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội, an toàn lao động

Vinh danh 23 tác phẩm xuất sắc và phát động Giải Báo chí về Bảo hiểm năm 2025

Phát triển hơn 35.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trong ngày ra quân toàn quốc

Quy định mới về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

Đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người tham gia bảo hiểm
