Nỗ lực đưa hàng Việt Nam tới gần hơn với người tiêu dùng Việt
Tham dự cuộc giao lưu có ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới; Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội.
Cùng dự còn có đại diện các sở, ban, ngành, Ban chỉ đạo cuộc vận động cấp cơ sở, các doanh nghiệp được bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích.
Hàng Việt ngày càng có “chỗ đứng” trên sân nhà
Phát biểu đề dẫn buổi giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức cho biết: Năm 2023 là năm chương trình Bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” được tổ chức lần thứ 13. Chương trình tiếp tục trở thành một trong những hoạt động quan trọng của thành phố Hà Nội nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt…
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm |
Thực hiện ý kiến của Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố Hà Nội về công tác tuyên truyền cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023, Báo Hànộimới tổ chức Giao lưu trực tuyến “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền qua chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
Chương trình được thực hiện nhằm góp phần đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đồng thời, nâng cao chất lượng chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; Trao đổi, phân tích những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai cuộc vận động cũng như chương trình bình chọn. Từ đó gợi mở những giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả, sức lan tỏa của cuộc vận động và chương trình bình chọn đến với doanh nghiệp, người dân Thủ đô, thúc đẩy người tiêu dùng thêm tin yêu và sử dụng hàng Việt.
Thông tin về một số kết quả trong quá trình triển khai Chương trình, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội cho biết: Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được phát động từ năm 2009 nhằm phát huy khát vọng vươn lên của người Việt Nam. Qua 13 năm thực hiện, trước đòi hỏi khắt khe của thị trường, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã sáng tạo trong xây dựng sản phẩm hàng hóa, cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao được người tiêu dùng yêu thích.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm |
Năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của dịch COVID-19, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, với sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, trong sự vận động kết nối, cuộc vận động đã có những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh truyên truyền trong cán bộ, đảng viên để thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế; Đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về với người dân và người tiêu dùng, đồng thời tích cực tham gia bình ổn thị trường sau tác động đại dịch và tác động lạm phát. Đây là cố gắng lớn của Thủ đô và cả hệ thống chính trị.
Ngay trong năm 2022, có 7 chương trình Phiên chợ hàng Việt tại những địa bàn khác nhau và tổ chức các hội chợ để kích cầu người tiêu dùng. Các quận cũng triển khai kết nối giao thương với các đơn vị trong cả nước để đưa hàng nông sản trên địa bàn, giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng. Thành phố cũng tiếp tục mở rộng các điểm quảng bá các sản phẩm OCOP. Hiện, Hà Nội có hơn 1.000 sản phẩm OCOP, các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.
Đặc biệt, trongh dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, thành phố đã thực hiện chương trình bình ổn giá rất hiệu quả. Trong đó, đã huy động 32 doanh nghiệp lớn trên địa bàn Thủ đô, đưa đến 22.000 điểm bán hàng, siêu thị, chợ truyền thống để tiếp tục quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao. Công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đã làm rất tốt trong năm 2022, như đã xử phạt hành chính, tiêu hủy sản phẩm hàng hóa không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ. Những kết quả đó góp phần trong phát triển Thủ đô trong năm 2022.
Bên cạnh đó, các loại hàng hóa phục vụ người dân được bảo đảm đầy đủ, kịp thời, không có tình trạng thiếu hàng hóa, tăng giá. Năm 2022, trong bối cảnh tác động sau đại dịch, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận khi Ban tổ chức đã tiếp nhận 225 doanh nghiệp gửi hồ sơ, trong đó có 288 sản phẩm, dịch vụ có chất lượng của 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc 18 nhóm ngành sản phẩm, dịch vụ đạt đủ tiêu chí tham gia bình chọn
Số lượng bình chọn tham gia chương trình bình chọn năm sau cao hơn năm trước, cả từ bình chọn online đến trực tiếp. Đây là con số có ý nghĩa, khẳng định sự quan tâm của người tiêu dùng đối với cuộc vận động. Từ kết quả của năm 2022, có thể khẳng định cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong những năm qua được Hà Nội triển khai bài bản, có hiệu quả, tác động lớn đến sự phát triển của Thủ đô.
Để chương trình ngày càng được lan tỏa rộng rãi
Thông tin sâu hơn với độc giả về kết quả thực hiện Chương trình cũng như hướng triển khai trong năm 2023, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Chương trình “Bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2022 đã thu hút 295 sản phẩm của 150 doanh nghiệp, đáp ứng đủ tiêu chí, đăng ký tham gia trên website: binhchonhangviet.com.vn và phát hành 6.000 phiếu có danh sách các mã sản phẩm, dịch vụ để người tiêu dùng bình chọn trực tiếp.
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin về kết quả thực hiện Chương trình cũng như hướng triển khai trong năm 2023 |
Song song với đó, Chương trình cũng kết hợp đẩy mạnh công tác truyền thông trên nhiều kênh phương tiện như: Banner tuyên truyền treo tại các tuyến phố, banner dán thành xe buýt, roadshow xe đạp, hoạt náo tại các điểm bình chọn, lời chào tổng đài 024.1081, banner hiển thị trên các trang mạng đời sống - gia đình - thời trang, mạng xã hội Facebook, nhằm thu hút lượng lớn người tiêu dùng tiếp cận và tham gia bình chọn cho các sản phẩm, dịch vụ.
Theo đó, việc triển khai bình chọn trực tuyến qua website binhchonhangviet.com.vn đạt 206.715 lượt bình chọn, tăng 56,87% so với năm 2021. Triển khai bình chọn trực tiếp tại các khu dân cư, siêu thị, trung tâm thương mại ghi nhận 124.098 lượt bình chọn tăng 3,94% so với năm 2021. Tổng kết quả bình trọn trên cả hai phương tiện trực tuyến và trực tiếp năm 2022 đạt 330.813 lượt tăng 31,7% so với năm 2021.
Sau quá trình tổng kết bình chọn của Người tiêu dùng và chấm điểm của ban giám khảo, kết quả phân top các sản phẩm, dịch vụ tham gia, những ưu thế của hàng Việt Nam khiến người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm vừa được vinh danh tại cuộc bình chọn năm nay nổi bật là: Các doanh nghiệp tham gia đều có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về các sản phẩm, dịch vụ tham gia, đảm bảo đầy đủ tiêu chí về độ an toàn, chất lượng, mẫu mã và hình thức bắt mắt phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đánh giá 10 mặt được của việc triển khai Chương trình từ góc độ doanh nghiệp |
Nhiều doanh nghiệp chủ động quảng bá và thực hiện nhiều hoạt động giới thiệu, tri ân sau chương trình để tiếp cận người tiêu dùng, chứng minh chất lượng đi kèm với vinh dự được tôn vinh tiêu biểu.
Các doanh nghiệp được ban tổ chức công khai trên website của chương trình và ấn phẩm “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2023 gửi tới các hệ thống doanh nghiệp, sân bay, phòng khách sạn qua đó có thể tiếp cận với nhiều du khách và người tiêu dùng trên địa bàn cả nước…
Đánh giá 10 mặt được của việc triển khai Chương trình từ góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nêu: Đó là sự tăng trưởng lợi nhuận khi tham gia bình chọn đều tăng từ 10-20%; Lợi nhuận trên đầu sản phẩm từ 15-20%; Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ít đi.
Chương trình tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mặt hàng vì đã tham gia cuộc bình chọn phải thực thi các chính sách pháp luật tốt. Các doanh nghiệp xác định được phân khúc khách hàng; Quy trình sản xuất đầu tư của doanh nghiệp thay đổi nhiều; Xác lập được kênh bán hàng; Chất lượng sản phẩm khi tham gia đều được thay đổi, được làm mới. Doanh nghiệp đưa ra mức giá phù hợp; Chuỗi liên kết cung ứng giữa các doanh nghiệp được xác lập.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Đáng lưu ý, trách nhiệm và ý thức của doanh nghiệp khi tham gia cuộc bình chọn ngày càng lớn, đặc biệt là trách nhiệm với xã hội, người tiêu dùng, với cán bộ công nhân viên của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp được mua nguyên liệu với giá hợp lý và được hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ tích cực từ trung ương, thành phố và các sở, ban, ngành.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, khách mời đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ban, ngành, Ban chỉ đạo cuộc vận động cấp cơ sở, các doanh nghiệp được bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích. Buổi giao lưu trực tuyến này rất quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế cũng như nội địa đối với sản phẩm Việt Nam.