Nỗ lực giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh
Người dân chỉ nên dùng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn
Bài liên quan
Phát động cam kết sử dụng kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm
Hệ luỵ của việc lạm dụng kháng sinh
Cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi
Kiên quyết loại bỏ chất cấm và kháng sinh trong thức ăn công nghiệp
Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính, trong khi nhiều quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 hiệu quả thì Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4.
“Hiện kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và sự phát triển. Mối đe dọa này khiến con người dễ quay về thời kỳ chưa có kháng sinh và không thể điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm”, ông Nguyễn Văn Kính nói.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu tình trạng này tiếp tục, tương lai kháng sinh sẽ trở nên vô ích và con người đứng trước những căn bệnh không còn thuốc chữa. Hiện rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn đa kháng, siêu kháng như A.baumanii, PS.aeuruginosa, K.pneumonia, MRSA... kháng lại hầu hết các loại kháng sinh hiện có khiến cho việc điều trị rất khó khăn, thời gian nằm viện kéo dài, chi phí điều trị tăng cao và nhiều trong số đó không thể cứu chữa.
Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cảnh báo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015 của Tổ chức IMS Health cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh.
Nguyên nhân của tình trạng đề kháng kháng sinh theo ông Cao Hưng Thái đến từ nhiều phía. Từ phía thầy thuốc, đó là hệ quả của việc kê đơn kháng sinh chưa hợp lý, chỉ định sử dụng quá mức (phổ rộng, liều cao, kéo dài…) hoặc sử dụng không đủ liều.
Việc người dân có thể tự mua kháng sinh dễ dàng, chỗ nào cũng mua được dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi. Một số bệnh lý không cần kháng sinh nhưng người dân vẫn sử dụng khiến cho vi khuẩn kháng thuốc.
Bên cạnh đó, việc kê đơn của thầy thuốc cũng gây nên tình trạng kháng kháng sinh. Nguyên nhân của tình trạng này có thể được giải thích là bệnh nhân lười tái khám, tự dùng thuốc của người bệnh.
Ngoài ra, người dân lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến vi khuẩn ở môi trường này cũng trở nên kháng kháng sinh. Tiếp đến, tình trạng lây chéo do quá tải tại các bệnh viện, dẫn tới một bệnh nhân có một vi khuẩn kháng kháng sinh có thể chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác….
Kể từ năm 2013, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phù hợp với Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về kháng thuốc: nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng và nhân viên y tế về kháng thuốc; thiết lập một mạng lưới giám sát tại 16 bệnh viện để theo dõi vi khuẩn kháng thuốc; theo dõi tiêu thụ kháng sinh; thực hiện Chương trình quản lý kháng sinh trong bệnh viện; tăng cường quy định về thuốc kháng sinh trên thị trường; thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn.
Năm 2015, các bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại và Bộ Tài nguyên môi trường đã ký kết Bản ghi nhớ (Aide Memoire) thể hiện cam kết mạnh mẽ, phối hợp của các bộ, ngành, để giải quyết vấn đề kháng thuốc trên các lĩnh vực.
Năm 2018, thực hiện khẩu hiệu "Kháng sinh: sử dụng có trách nhiệm" trong "Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh”, Việt Nam thực hiện cách tiếp cận mới trong truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh.
Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng kháng kháng sinh hiện nay, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh; luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; không bao giờ chia sẻ cho người khác hoặc dùng các kháng sinh còn dư thừa.
Các nhân viên và cơ sở y tế cần đảm bảo bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng; chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn chuyên môn hiện hành; báo cáo về các vi khuẩn kháng kháng sinh cho các cơ sở tham gia giám sát kháng thuốc; tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng kháng sinh đúng cách, kháng kháng sinh và nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng.