Nỗ lực khơi dậy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp
Ông Lê Trí Thanh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo diện tập phòng chống dịch COVID-19 |
Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép
Diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 khiến Quảng Nam cũng như các địa phương khác phải thực hiện những biện pháp phòng chống dịch chưa từng có tiền lệ (giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, hạn chế các chuyến bay thương mại…). Các biện pháp này đã đóng góp đáng kể vào thành công trong công tác phòng chống dịch song cũng kéo theo hệ lụy không nhỏ khiến nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về tăng trưởng kinh tế, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội…
Quảng Nam là một trong những địa phương của cả nước được Chính phủ đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch COVID-19, năm 2022, Quảng Nam xác định tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và được tỉnh triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân.
Theo đó, Quảng Nam sẽ tập trung nỗ lực cao nhất để khơi dậy tiềm lực phát triển của các doanh nghiệp tỉnh nhà, với quan điểm vừa khôi phục vừa phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp; Nắm bắt lại toàn bộ nhóm ngành sản xuất công nghiệp, phân chia theo từng nhóm ngành để theo dõi, đánh giá, có giải pháp hỗ trợ cho phù hợp, xác định những vấn đề cần hỗ trợ để giải quyết ngay nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh hoặc kiến nghị Trung ương sớm giải quyết nếu thuộc thẩm quyền của Trung ương.
Tỉnh Quảng Nam xác định, các chính sách hỗ trợ, cơ chế theo từng mức độ quy mô của doanh nghiệp: Lớn, vừa và nhỏ để giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có chương trình làm việc cụ thể với các doanh nghiệp trong năm 2022 để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai (Ảnh: BQL KCN) |
Liên quan đến hoạt động của các dự án, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp để đưa hoạt động kinh doanh bất động sản vào nền nếp, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, khu vực vùng Đông.
Trong đó, tiến hành rà soát toàn bộ các hồ sơ pháp lý, trình tự thủ tục thực hiện các dự án nhà ở để đánh giá năng lực của nhà đầu tư, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để chấn chỉnh những doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định, giải quyết triệt để các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; Xem xét thu hồi, điều chỉnh một phần các dự án mà nhà đầu tư chậm trễ, triển khai không đúng tiến độ, thiếu năng lực, quyết tâm trong thực hiện dự án; Phần diện tích đất được thu hồi sẽ ưu tiên phát triển các khu vực công cộng, tiện ích xã hội hoặc bố trí quỹ đất tái định cư, các công trình nhà ở xã hội để tăng thêm quỹ đất tái định cư các dự án đầu tư công, nhất là các trục giao thông chính tại khu đô thị. Việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội sẽ tiếp tục được quan tâm trong năm 2022, đặc biệt đối với đối tượng công nhân.
Đối với khu vực có tiềm năng lớn như vùng Đông Nam, kéo dài từ phía Nam sông Thu Bồn đến Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển các dự án đô thị quy mô lớn, hạ tầng động bộ, tiện ích hoàn chỉnh, đặc biệt hướng tới đô thị sinh thái, đô thị thông minh, hạn chế tối đa việc chia nhỏ dự án tại khu vực này.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phục hồi
Ông Lê Trí Thanh cho biết, UBND tỉnh đã làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất, báo cáo Chính phủ cho Quảng Nam được đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2022. Đây là sự kiện chuyển tải thông điệp với quốc tế rằng Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và sẵn sàng phục hồi phát triển kinh tế. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp, làm việc với các doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn tỉnh rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện nhân lực, nghiên cứu, đưa vào hoạt động các sản phẩm du lịch mới trong năm 2022.
Đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 |
Cùng với đó, xây dựng các sản phẩm có tính đặc thù riêng, mới, phù hợp với thị hiếu theo từng phân khúc khách hàng. Cơ cấu lại ngành du lịch cả về lữ hành, lưu trú, ẩm thực, đa dạng hóa sản phẩm, không gian du lịch, loại hình du lịch và thị trường khách hậu COVID-19 để bảo đảm phục hồi, phát triển bền vững theo đúng quan điểm “Du lịch xanh”; Triển khai thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; triển khai liên kết phát triển du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Bình để xây dựng các sản phẩm phù hợp cho khách nội địa và khách quốc tế.
Ông Lê Trí Thanh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Nam đã thực hiện điều hành chính sách linh hoạt để thích ứng và đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Hiện, các doanh nghiệp trọng điểm của Quảng Nam vẫn hoạt động ổn định, đặc biệt là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, qua đó thu ngân sách có sự tăng trưởng, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thị trường lao động của Quảng Nam không bị đứt gãy, đảm bảo được nguồn cung lao động; Xu hướng dịch chuyển các đơn hàng từ các tỉnh, thành bùng phát dịch về Quảng Nam ngày càng nhiều. Độ phủ vắc xin nhanh trong khoảng thời gian ngắn cho phép Quảng Nam đẩy nhanh lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, quá trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh, tạo cơ hội thuận lợi để Quảng Nam lấy lại đà tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Tiềm năng phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch mới còn nhiều; Khả năng phục hồi và phát triển ngành thương mại và dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch khi Quảng Nam được chọn tổ chức năm du lịch quốc gia 2022.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 kéo dài làm nản lòng nhà đầu tư, sức chống chịu của người dân và doanh nghiệp bị suy giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chủng virus mới xuất hiện, vượt quá khả năng không chế dẫn đến nguy cơ thực hiện lại các biện pháp phong tỏa diện rộng, doanh nghiệp dừng hoạt động, mất cân đối thu ngân sách. Ngoài ra, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế, ổn định xã hội của tỉnh.
Ông Lê Trí Thanh phát biểu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch Quảng Nam (Ảnh: CTV) |
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh phù hợp với trạng thái “bình thường mới” gắn với "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19”, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo đó, đối với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Trung ương, Ban Chỉ đạo sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương để kịp thời sửa đổi, bổ sung như trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần kiến nghị Trung ương về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Về tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp; Về nâng mức giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch; Xem xét tiếp tục cắt giảm giá điện kinh doanh, giá điện sản xuất cho khu vực doanh nghiệp, các hộ kinh doanh…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp; Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, chuyên gia; Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
“Với sự thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cùng với sự đồng thuận của doanh nghiệp, tỉnh Quảng Nam hy vọng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ vượt qua đại dịch và tiếp tục phát triển đi lên trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ.