Nỗ lực thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân
Hà Nội đang nỗ lực từng bước hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Hà Nội: Công bố danh sách 50 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm thất nghiệp: “Bà đỡ” của doanh nghiệp và người lao động
Ra quân hưởng ứng tháng vận động triển khai BHXH toàn dân
Phấn đấu có thêm 300.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2020
Vận động được 24.704 người tham gia BHXH tự nguyện trong ngày đầu ra quân
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân
BHYT là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Theo Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật, BHYT là một bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính y tế quốc gia.
Đây là một trong những phương thức xã hội hóa công tác y tế thông qua huy động đóng góp của người dân cùng sự hỗ trợ của Nhà nước tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính vì thế, BHXH Hà Nội luôn tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện tốt Luật BHYT, tiến tới lộ trình BHYT toàn dân trong thời gian tới.
Theo đó, công tác tuyên truyền được thực hiện một cách chủ động, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Hình thức tuyên truyền cũng được thực hiện đa dạng, phong phú như tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, báo chí, trang website của cơ quan BHXH thành phố và thông qua đối thoại với doanh nghiệp.
Năm 2020, BHXH thành phố đã xây dựng kế hoạch in tờ rơi, pa nô, áp phích với nội dung tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tự nguyện; Cấp phát tờ bướm tuyên truyền về BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh, sinh viên. Đây cũng là một hình thức tuyên truyền hiệu quả thông qua các buổi hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, đối thoại…
Cùng với ngành BHXH, các cấp, ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về chính sách ưu việt của BHYT, đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đơn vị. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT từng bước đi vào chiều sâu.
Qua công tác truyền thông, người dân nhận thức đầy đủ hơn về tính nhân văn, vai trò thiết thực của BHYT. Quyền lợi trong khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được bảo đảm nên người dân tích cực tham gia.
Năm 2020, Bảo hiểm xã hội thành phố đã xây dựng kế hoạch in tờ rơi, panô, áp phích với nội dung tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tự nguyện tới đông đảo người dân |
Ngoài ra, để góp phần tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình, BHXH Hà Nội cũng phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã; Bưu điện thành phố tổ chức đào tạo, mở rộng hệ thống đại lý thu BHYT bảo đảm mỗi điểm thu có ít nhất từ 2- 3 nhân viên đại lý thu để phục vụ người dân tham gia BHYT. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để đưa chính sách an sinh xã hội đến với đông đảo người dân trên địa bàn.
Đặc biệt, BHXH thành phố đã tích cực phối hợp ngành y tế nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế. Qua đó, tạo thuận lợi cho người tham gia được chăm sóc sức khỏe tốt, nhanh và thuận tiện nhất, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh BHYT ngày càng cao.
Năm 2019, BHXH Hà Nội đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 197 cơ sở y tế, trong đó có 160 cơ sở y tế công lập, 37 cơ sở y tế tư nhân. Cơ quan BHXH thành phố cũng thực hiện tốt quy trình giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam; Đồng thời, thường xuyên phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời triển khai những thay đổi, bổ sung trong công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật thu hút đối tượng tham gia BHXH
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, vừa qua, BHXH Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện đồng bộ từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi toàn quốc với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.
Theo đó, chỉ sau 1 ngày tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, ngành BHXH đã trực tiếp vận động được 24.704 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, có 17 tỉnh phát triển được trên 500 người tham gia. Song song đó, nhiều địa phương cũng đã phát triển được hàng nghìn người tham gia BHYT hộ gia đình.
Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân |
Đánh giá kết quả sau hơn 4 năm thực hiện Luật BHXH, những vấn đề đặt ra với xây dựng chính sách, pháp luật cũng như công tác tổ chức thực hiện để tiếp tục tạo nền tảng thực hiện BHXH toàn dân, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: Luật BHXH 2014 được xây dựng với định hướng mở rộng diện bao phủ BHXH.
Điều đó thể hiện rõ nhất qua các quy định như: Thực hiện BHXH bắt buộc với lao động hợp đồng 1 - 3 tháng; Bỏ quy định tuổi trần và hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện… Những quy định trên dần đi vào thực tiễn, tác động đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Tính đến hết năm 2019, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chiếm tỷ lệ 32,2% (15.773.928 người) lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ này ở BHTN là 27,4% (13.429.401 người). Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 là 573.943 người, tăng hơn 2 lần so với năm 2018 và đạt tỷ lệ 1,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt kế hoạch đề ra trong Nghị quyết số 28. Như vậy, có thể thấy số người tham gia BHXH năm sau luôn tăng cao hơn so với năm trước.
BHXH toàn dân là một định hướng lớn, để thực hiện được mục tiêu này là cả một quá trình dài, bắt đầu bằng việc kiên trì mục tiêu phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH từ hôm nay, chắt chiu từng đối tượng và “giữ chân” họ tham gia từ 15 - 20 năm mới thực sự đạt hiệu quả.
Những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua rất đáng ghi nhận, là nền tảng để hướng tới mở rộng diện bao phủ trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, đích đến BHXH toàn dân còn khá xa, hiện mới chỉ khoảng 32% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Vì vậy, công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể là tăng trưởng về số tham gia và duy trì sự tham gia dài hạn để đủ điều kiện nhận lương hưu, từ đó tiến dần đến mục tiêu cao hơn là có thể sống tốt bằng lương hưu.