Nợ phải trả cao gấp 4 lần vốn sở hữu, Xuân Mai Corp đối mặt với hệ lụy gì?
Xuân Mai Corp lỗ 2 quý liên tiếp, nợ phải trả cao gấp 4 lần vốn sở hữu |
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp, mã CK: XMC) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc tạm hoãn công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, căn cứ Khoản 2 Điều 14 và Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, Xuân Mai Corp - công ty đại chúng quy mô lớn có công ty con và đơn vị kế toán trực thuộc sẽ phải thực hiện công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm trong vòng 5 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trong cả nước. Ngày 23/7/2021, UBND TP Hà Nội đã có Công điện số 17/CT-UBND về việc giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh và đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình thực hiện và phát hành báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của Xuân Mai Corp.
Vì vậy, Xuân Mai Corp thông báo sẽ tạm hoãn công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của công ty mẹ và hợp nhất các công ty con. Công ty cam kết sẽ thực hiện công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầy đủ ngay sau khắc phục được tình trạng bất khả kháng do dịch bệnh gây ra theo đúng quy định của pháp luật.
Tòa nhà Xuân Mai Corp |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 vừa công bố, Xuân Mai Corp ghi nhận doanh thu thuần đạt 360 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính âm 360 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 20,7 tỷ đồng.
Kết thúc quý II/2021, Xuân Mai Corp ghi nhận lỗ sau thuế 6,6 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ 12,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty ghi nhận thua lỗ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, Xuân Mai Corp ghi nhận doanh thu thuần đạt 598,3 tỷ đồng. Do doanh thu không bù đắp nổi các chi phí, công ty ghi nhận lỗ ròng 16,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 23,9 tỷ đồng.
Năm 2021, Xuân Mai Corp đặt kế hoạch doanh thu 2.671 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng. Như vậy, việc đạt được mục tiêu năm nay có vẻ như rất xa vời.
Tính tới ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Xuân Mai Corp giảm 10,8% so với đầu năm, còn 4.478 tỷ đồng.
Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 2.774 tỷ đồng (chiếm 62% cơ cấu tài sản); hàng tồn kho là 599 tỷ đồng (chiếm 13,3%). Như vậy, riêng hai khoản mục này đã chiếm tới hơn 75% tổng tài sản của Xuân Mai Corp.
Cũng tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng nợ phải trả của Xuân Mai Corp ở mức 3.627 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ đạt 850,8 tỷ đồng, tức còn chưa bằng 1/4 tổng nợ phải trả của doanh nghiệp.
Việc nợ phải trả cao gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của Xuân Mai Corp được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Được biết, nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.
Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên họ có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.
Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.
Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và ban lãnh đạo chỉ giỏi phân bổ vốn trong rất ít ngành nghề, không lường trước rủi ro sụt giảm.
Cái tên Xuân Mai Corp không hề xa lạ với nhà đầu tư dù đã từng vắng bóng trên thị trường chứng khoán nhiều năm. Trước đó, sau khi trượt dài trong khó khăn, thua lỗ và đến tháng 11/2013, Xuân Mai Corp đã phải hủy niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc. Được biết, Xuân Mai Corp tiền thân là Nhà máy Bê tông tấm lớn Xuân Mai được thành lập vào tháng 11/1983, sau đó được đổi tên thành Nhà máy Bê tông và Xây dựng Xuân Mai trực thuộc Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Năm 2003 là một dấu mốc quan trọng khi nhà máy tiến hành cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai. Tuy vậy, Vinaconex vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại công ty. Sau nhiều năm chìm trong khó khăn, thua lỗ, năm 2013, Vinaconex đã bán toàn bộ 10,2 triệu cổ phần (tương đương 51% vốn điều lệ) tại Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai cho Công ty TNHH Khải Hưng - doanh nghiệp do vợ chồng doanh nhân Nguyễn Đức Cử (cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank) và Đỗ Thị Hoa sở hữu. Ngày 21/4/2014, công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai. Vào cuối tháng 6/2019, sau nhiều năm vắng bóng trên thị trường chứng khoán, Xuân Mai Corp đưa cổ phiếu XMC giao dịch trên sàn UPCoM. Thời gian qua, cổ phiếu XMC đang bị mất thị giá, chốt phiên 13/8 mã này ở mức 10.900 đồng/đơn vị, giảm 13% so với thời điểm cách đây ba tháng. |