Nỗi cô đơn tràn ngập Thái Lan
Ảnh minh họa
Bài liên quan
Khủng hoảng cô đơn trong cuộc sống hiện đại
Bí mật nhà hoang và tiền vô chủ tại Nhật
Từ vụ Sulli treo cổ: Báo động bệnh trầm cảm trong giới trẻ
Nhật Bản: Vấn nạn cha mẹ bạo hành con cái gia tăng
Áp lực học tập đè nặng học sinh đảo quốc sư tử
Cuộc khảo sát với sự tham gia của 1.003 người. Kết quả cho thấy, sự cô đơn đang lan rộng trong mọi tầng lớp, độ tuổi và tình trạng hôn nhân tại Thái Lan. Đặc biệt, công nghệ là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm sự cô đơn.
Báo cáo cho thấy 48% người đã lập gia đình và 47% người độc thân cảm thấy cô đơn. Khoảng 53% người đã có con cái, trong đó 76% người sống trong một gia đình ba thế hệ cho biết cũng có cảm giác cô đơn.
Khoảng 80% người cô đơn cho biết họ không ngủ đủ giấc, ở những người không cô đơn tỷ lệ này chỉ chiếm 50%. Bên cạnh đó, 58% người cô đơn nói rằng họ tin tưởng máy móc nhiều hơn con người.
Mặc dù nhiều người ở Thái Lan thường xuyên lên mạng nhưng về mặt cảm xúc họ vẫn cảm thấy bị mất kết nối. Theo nghiên cứu, khoảng 15% người cô đơn cho biết họ lướt Facebook tới 5 giờ mỗi ngày nhưng vẫn cảm thấy bị cô lập. Do vậy, ngày càng nhiều người mắc các bệnh về tâm lý như trầm cảm, đặc biệt ở giới trẻ.
Đắm chìm trong mạng xã hội là một trong những lý do khiến con người cảm thấy cô đơn nhiều hơn. Ảnh: Bangkok post |
Sử dụng điện thoại di động và các mạng xã hội vốn được cho là sẽ giúp con người bớt sự cô đơn nhưng trên thực tế, những người dành nhiều thời gian lên mạng lại cảm thấy sự giao tiếp ngoài đời thực khó khăn hơn.
Một nghiên cứu trước đây của Đại học Mahidol (Thái Lan) ước tính có đến 26,7 triệu người trong số 69,7 triệu dân Thái Lan thấy mình cô đơn.
Cuối năm ngoái, một nghiên cứu được đăng trên Journal of Social & Clinical Psychology của nhà tâm lý Melissa G. Hunt từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy, mạng xã hội làm tăng cảm giác cô đơn của con người.
Theo đó, 143 sinh viên Đại học Pennsylvania đã được kiểm tra trạng thái cảm xúc và sức khỏe ban đầu trước khi tiến hành nghiên cứu. Các sinh viên này cũng cung cấp những thông tin về thói quen sử dụng mạng xã hội trong một tuần.
Số sinh viên tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm ngẫu nhiên. Nhóm thứ nhất tiếp tục sử dụng mạng như bình thường còn nhóm thứ hai chỉ dành 10 phút mỗi ngày cho mạng xã hội. Nhóm nghiên cứu của bà tập trung vào các mạng xã hội bao gồm Facebook, Snapchat và Instagram. Đây là những trang mạng phổ biến nhất với sinh viên.
Sau hơn ba tuần, kết quả thu được như sau: Nhóm ít sử dụng mạng xã hội giảm đáng kể tình trạng trầm cảm và cô đơn. Đặc biệt, hiệu ứng này rất rõ rệt ở những người có dấu hiệu trầm cảm nặng khi mới tham gia nghiên cứu.
Dù không cho rằng giới trẻ cần hoàn toàn từ bỏ mạng xã hội nhưng bà Hunt cho rằng nên hạn chế và đưa ra một số lời khuyên cho những người dùng: “Khi không bị cuốn vào những câu chuyện trên mạng xã hội, bạn có thể dành thời gian vào những điều làm cho bạn cảm thấy cuộc sống tốt và ý nghĩa hơn. Tôi khuyên bạn đặt điện thoại xuống và ở bên người thân, bạn bè nhiều hơn”.
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về truyền thông, công nghệ và y tế thuộc Đại học Pittsburgh, Pennsylvania (Mỹ) cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến việc say sưa mạng xã hội khiến người ta cảm thấy cô đơn nhiều hơn.
Đầu tiên, việc dành nhiều thời gian trên mạng xã hội sẽ khiến con người ít có thời gian tương tác với nhau trong thế giới thực. Bên cạnh đó, một số đặc điểm của mạng xã hội làm mọi người cảm thấy bị cô lập. Ví dụ như nhìn thấy một bức ảnh bữa tiệc hoặc sự kiện nào đó mà không có mặt bạn thì cảm giác chạnh lòng là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, rất ít người dùng mạng xã hội chia sẻ những điều xấu xí, nhàm chán trong cuộc sống của họ. Ngược lại, những bức ảnh được đăng tải thường được chỉnh sửa rất kỹ, tạo cho người xem cảm giác thèm muốn hoặc ghen tị. Từ đó, không ít người tin rằng mọi người xung quanh đang có cuộc sống tốt hơn mình rất nhiều.
Cảm giác cô đơn không phải là hiện tượng riêng lẻ ở một vài quốc gia. Đây thực sự là một dịch bệnh toàn cầu cho mọi lứa tuổi, chủng tộc và giới tính. Các nghiên cứu cho thấy, cô đơn làm tăng tỷ lệ tử vong nhiều như hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ sau 40 giây, trên thế giới lại có một người chết vì tự tử. Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân chủ yếu gia tăng các trường hợp tự tử chính là “sự cô đơn trong xã hội hiện đại”. Khi phải đối mặt với nhiều áp lực và không biết chia sẻ với ai, người ta thường muốn tìm đến cái chết như một sự giải thoát.