Nới lỏng nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
Các chủ cửa hàng dịch vụ hồ hởi “ngày trở lại”
Từ 0h00 ngày 22/6, Hà Nội cho phép mở cửa trở lại dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà. Qua ghi nhận thực tế của phóng viên, trong 2 ngày đầu được phép hoạt động trở lại, phần lớn các hàng quán dịch vụ đã mở cửa trở lại với tâm trạng hồ hởi và phấn khởi sau gần 1 tháng đóng cửa.
Theo chị Nguyễn Thị Loan, chủ quán cắt tóc tại đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), chị rất vui khi quán được mở cửa trở lại sau nhiều ngày đóng cửa, đồng thời hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế để cuộc sống của người dân được bình thường trong điều kiện mới.
Cùng chung tâm trạng, rất nhiều chủ cửa hàng chăm sóc tóc đã đồng loạt đăng tải hình ảnh thông báo mở cửa trở lại trên các trang mạng xã hội.
Các salon tóc tương đối đông khách trong ngày mở cửa trở lại |
Một số chủ nhà hàng, quán ăn do bất ngờ khi nhận được thông tin nên trong ngày đầu tiên, chưa kịp chuẩn bị hàng. Chị Lê Nguyên, chủ cửa hàng bánh đa cua (quận Long Biên) cho biết, thông báo vào buổi tối nên quán chỉ chuẩn bị được ít hàng bán nửa buổi sáng là hết. Tuy nhiên, lượng khách có đông nhưng vẫn không bằng thời điểm trước, dãy bàn kê trước cửa hàng nay phải dọn vào chỉ ăn trong nhà. Cửa hàng diện tích nhỏ nên ngồi kín bàn cũng chỉ 8 - 10 khách một lượt.
Bên cạnh một số cửa hàng đông khách, có những cửa hàng chỉ có lác đác khách vào quán ăn. Một cửa hàng bún chả trên phố Vũ Xuân Thiều (phường Sài Đồng, quận Long Biên) chỉ có 1 - 2 khách vào ăn. Có những lúc không có khách nào.
Quán bún chả trên phố Vũ Xuân Thiều, quận Long Biên rất vắng khách |
Chị Thanh, chủ quán cho biết, dù có thông báo các quán ăn được mở cửa trở lại nhưng tâm lý của nhiều người còn dè dặt khi đến nơi đông người do lo ngại về tình hình dịch bệnh. Dù vậy, chị vẫn thấy vui khi được mở cửa kinh doanh trở lại.
Vẫn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
Mặc dù cho phép mở cửa trở lại dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà nhưng UBND thành phố cũng yêu cầu đảm bảo khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21h hằng ngày (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về).
Đồng thời, UBND thành phố cũng yêu cầu chủ các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày. Hai ngày đầu nới lỏng, về cơ bản các chủ cửa hàng và người dân đều tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Một cửa hàng làm vách ngăn đảm bảo an toàn phòng dịch trên phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) |
Quán bún bò nổi tiếng trên phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) vốn lúc nào cũng đông khách, thậm chí khách đến vào giờ cao điểm phải đứng chờ bàn thì nay tương đối vắng vẻ. Những ngày đầu mở cửa hàng, cửa hàng đã chuẩn bị đầy đủ những biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch như tấm ngăn cách, rửa tay sát khuẩn, nhân viên đeo khẩu trang khi phục vụ. Với lượng khách ít sau khi mở cửa trở lại, chủ cửa hàng cũng không dám gọi nhiều nhân viên mà tiếp tục "nghe ngóng" tình hình dịch bệnh.
Chị Thanh Hằng, chủ cửa hàng cắt tóc trên phố Vũ Xuân Thiều (phường Sài Đồng, Long Biên) cho biết, cá nhân chị cũng như khách hàng đều tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và không nhận khách ồ ạt cùng một lúc để bảo đảm được khoảng cách an toàn.
Tinh thần chỉ đạo của TP Hà Nội đó là vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác |
Trao đổi với báo chí về việc Hà Nội mở lại một số dịch vụ từ ngày 22/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo xem xét, quyết định thận trọng trên cơ sở thực tế, nới lỏng nhưng tuyệt đối không được lơi lỏng. Thành phố sẽ nới lỏng từng dịch vụ, dịch vụ nào thiết yếu, an toàn mở trước; vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác.
Theo Bí thư Thành ủy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại cần chủ động, tự giác thực hiện nghiêm, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thông điệp “5K”; Có trách nhiệm giám sát, tuyên truyền để mọi nhân viên, khách hàng tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Các cơ sở dịch vụ chưa được mở cửa trở lại hoặc chỉ được bán hàng mang về tiếp tục xác định việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là bảo vệ chính bản thân, gia đình mình.
Hà Nội: Còn nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa các hàng ăn, uống để phòng dịch Covid-19 Đóng cửa hàng quán phòng, chống dịch Covid-19: Cần sự đồng lòng của người dân |